‘Amazon muốn bắc cầu cho hàng Việt sang Mỹ’
Số lượng các công ty Việt đạt doanh thu 1 triệu USD trên Amazon là rất khiêm tốn.
- 16-04-2019Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon có lợi ích và rủi ro gì?
- 16-04-2019100 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có thể xuất khẩu qua Amazon
- 26-03-2019Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Nguyễn Ngọc Dũng: Amazon chưa có chương trình vào Việt Nam
Amazon là tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới . Riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ trực tuyến này để tìm kiếm sản phẩm. Hiện nay nhiều công ty Việt đã tận dụng và bán được hàng hóa trên Amazon nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. Vậy doanh nghiệp Việt muốn bán hàng hiệu quả trên Amazon cần phải làm gì? Kế hoạch hỗ trợ hàng Việt của Amazon ra sao?
Pháp Luật TPHCM đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Quý Hiến, đồng sáng lập Ecomstone Việt Nam (VN) - đơn vị hỗ trợ giải pháp bán hàng trên Amazon, quản trị viên group Amazon FBA Freedom, về vấn đề này.
Hàng Việt bán trên Amazon có giá tốt
. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay có khá nhiều sản phẩm như dầu dừa, dầu gấc, dầu tràm, hàng thủ công… VN bán chạy trên Amazon. Ông đánh giá thế nào về những sản phẩm này?
+ Ông Trần Quý Hiến: Thế giới hiện nay có xu hướng quay trở lại sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Do đó những sản phẩm của VN có các yếu tố tự nhiên dễ chiếm được cảm tình của khách hàng.
Hơn nữa, người Việt khéo tay nên những sản phẩm thủ công của VN có độ tinh tế, tỉ mỉ được khách hàng ưa chuộng.
. Hàng loạt mặt hàng giá bán tại thị trường VN thấp nhưng khi đưa lên Amazon bán được giá cao, thậm chí cao gấp 10 lần so với bán trong nước. Ông có thể nói gì về điều này?
+ Thực tế giá sản phẩm trên Amazon bao giờ cũng cao hơn bán trong nước vì phải trải qua các khâu như vận chuyển, thuế, quảng cáo, marketing... Hơn nữa chi tiêu ở Mỹ cao hơn ở VN nên giá bán sản phẩm cũng cao hơn.
Nếu các DN tính toán cẩn thận các chi phí và tối ưu được các chi phí đó thì lợi nhuận sẽ tốt hơn bán trong nước.
. Thông qua Amazon, rất nhiều sản phẩm trong nước đã được người tiêu dùng thế giới biết đến. Nhưng quan sát có thể thấy những mặt hàng Việt đang bán chạy trên Amazon thường có giá trị không cao và cũng chưa có nhiều công ty VN bán hàng ở kênh này?
+ Đúng là hàng Việt bán trên Amazon hiện nay chủ yếu vẫn là hàng thủ công mỹ nghệ, phụ kiện thời trang, may mặc, sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên. Chưa có nhiều hàng Việt bán trên Amazon vì thông tin về mô hình bán hàng trên kênh này còn hạn chế. Rất nhiều người, kể cả các công ty Việt cũng không biết có thể bán hàng trên Amazon được hay không.
Do đó, cần phổ biến rộng rãi thông tin hơn nữa qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết.
Ông Trần Quý Hiến: “Hàng Việt không chỉ phục vụ cộng đồng Việt kiều mà còn chiếm được sự tin cậy của cả khách hàng Mỹ”. Ảnh: TÚ UYÊN
Người Việt đang chậm chân
. Hàng VN đang phải cạnh tranh với những đối thủ nào khi xuất khẩu qua Amazon, thưa ông?
+ Hàng Việt trên Amazon chủ yếu vẫn đang cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Thực tế chất lượng hàng Việt không hề thua kém hàng Trung Quốc, thậm chí có thể nói là nhỉnh hơn. Ngoài ra, một số mặt hàng Việt như hàng mây tre đan, phụ kiện thời trang… đang phải cạnh tranh cả với Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Campuchia.
. Quan sát cho thấy người nước ngoài đã tận dụng các trang thương mại điện tử để bán hàng VN như cao Sao Vàng, nước mắm Phú Quốc… Vậy theo ông, nguyên nhân có phải do DN Việt chậm chân trong sân chơi này?
+ Theo tôi, VN chậm chân khoảng năm năm về thương mại điện tử so với nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng cách này có thể được san lấp rất nhanh vì VN có lợi thế là nước sản xuất, chủ động được nguồn hàng. Song không vì thế chủ quan mà phải có phương án để bảo vệ thương hiệu Việt, tránh bị các công ty nước ngoài đăng ký mất thương hiệu sản phẩm.
. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu hàng hóa VN thông qua Amazon?
+ Người bán hàng Việt trên Amazon có cả DN VN và nước ngoài. Trước đây chủ yếu là người bán hàng cá nhân nhưng hiện nay các công ty VN cũng đã quan tâm, tham gia kênh bán hàng này.
Ngoài ra, các công ty nước ngoài cũng đặt mua hàng từ VN và bán trên Amazon. Vì một phần VN tích cực hội nhập, mở cửa nên người nước ngoài đã biết tới các sản phẩm VN, yêu mến VN hơn. Khách du lịch tới VN hay một số người gốc Việt xuất sắc như bà Christine Ha, quán quân Master Chef Mỹ, cũng giúp sản phẩm từ VN phổ biến hơn.
Thêm vào đó, tác động của cuộc chiến Mỹ-Trung gần đây khiến người Mỹ phải tìm các nguồn hàng từ VN để thay thế hàng từ Trung Quốc. Do đó, hàng Việt không chỉ phục vụ cộng đồng Việt kiều mà còn chiếm được sự tin cậy của cả khách hàng Mỹ.
Chổi đót, phin cà phê… giá khủng trên Amazon Thương mại điện tử đang làm thay đổi giá trị hàng hóa, nhất là các sản phẩm truyền thống. Bằng chứng là nhiều mặt hàng Việt như chổi đót, cao Sao Vàng, phin cà phê… được rao bán trên Amazon với giá gấp 8-10 lần trong nước. Ví dụ, có thời điểm chổi đót VN được bán trên Amazon với giá 19,99 USD, tương đương hơn 400.000 đồng. Trong khi giá mỗi cây chổi tại VN khoảng 40.000 đồng, tức chỉ bằng 1/10 khi rao bán trên Amazon. Phin pha cà phê được rao bán trên Amazon với giá 7,5-10,95 USD/chiếc, tương đương 173.000-252.000 đồng/chiếc, cao gấp 6-8 lần giá trong nước... Đáng chú ý là các sản phẩm VN được người mua quốc tế đánh giá cao. Thống kê của Amazon cho thấy phin pha cà phê, chổi đót... đều được người mua chấm 4,5-5 sao. |
Phải đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ
. Các nhà kinh doanh Việt lo lắng về những rủi ro như khâu thanh toán khi bán hàng trên Amazon?
+ Theo tôi, DN không nên lo lắng tình trạng mua bán, thanh toán vì Amazon có những chính sách chặt chẽ đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán. Tuy nhiên, bán hàng trên Amazon cũng giống như mọi hình thức kinh doanh khác đều có thể xảy ra rủi ro.
Ví dụ như thị trường biến động mà nhu cầu online thay đổi rất nhanh, nếu DN không kịp thích ứng sẽ bị lạc hậu, lỗi mốt khó bán ra dẫn tới tồn kho. Hoặc quá nhiều đối thủ cạnh tranh dẫn tới giá bán giảm tới mức không còn lợi nhuận. Hoặc sự cạnh tranh và chơi xấu của đối thủ, như đối thủ mua hàng chất lượng nhưng đánh giá xấu, không trung thực, ăn cắp ý tưởng, tranh giành thương hiệu.
. DN cần làm gì để mở rộng xuất khẩu trên khắp thế giới cũng như hạn chế những rủi ro?
+ Tôi cho rằng để hạn chế những rủi ro cũng như cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác, DN Việt cần có sự đầu tư nghiêm túc cả về thương hiệu, sản phẩm và phương thức tiếp cận khách hàng. Nếu DN tập trung vào các yếu tố trên sẽ hạn chế được tối đa các tác động tiêu cực khác.
Riêng với xây dựng thương hiệu có nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên phải đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ nhưng rất ít DN làm điều này. Hầu hết DN Việt chỉ đem bán sản phẩm mà không đăng ký thương hiệu, dẫn tới việc đối thủ mua mất tên miền hoặc đăng ký trước và kiện ngược lại chủ thương hiệu.
. Xin cám ơn ông.
Amazon rất quan tâm tới người bán hàng Việt Nam
. Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển cũng như hỗ trợ DN VN để họ có cơ hội tiếp cận với thị trường thế giới qua Amazon?
+ Amazon có nhiều chính sách hỗ trợ để giúp DN xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Chúng tôi cũng đã thành lập Amazon Global Selling VN (chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon) có trụ sở tại TP.HCM để hỗ trợ DN Việt bán hàng. Điều đó chứng tỏ Amazon rất quan tâm tới những người bán hàng từ VN, bắc cầu cho hàng Việt.
Tôi nhận thấy có một số DN Việt đã thành công từ chương trình hỗ trợ này. Đơn cử như mặt hàng thời trang công sở, thiệp 3D, hoa giấy, bánh tráng… Khi các DN này đưa sản phẩm lên Amazon, ngoài việc tiếp cận với hàng triệu khách hàng, gia tăng doanh số họ còn có rất nhiều cơ hội ký kết hợp đồng với các đối tác khác trên Amazon.
Sản phẩm Việt Nam được bán trên trang Amazon với giá rất cao. Ảnh: TU
Tuy nhiên, số lượng DN còn khiêm tốn. Hy vọng ngoài việc hỗ trợ từ Amazon, DN Việt chủ động tích cực, tận dụng cơ hội để vươn ra thế giới, khẳng định giá trị và thương hiệu made in Vietnam.
. Năm 2018 Amazon hỗ trợ cho 200.000 DN và người bán trên toàn cầu với doanh thu vượt 1 triệu USD. Theo ông, hàng VN chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong con số này, kỳ vọng mỗi năm tăng bao nhiêu %?
+ Tôi không biết chính xác con số cụ thể nhưng trước năm 2018 số DN Việt đạt doanh thu 1 triệu USD trên Amazon là rất khiêm tốn, có thể nói đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, hỗ trợ tích cực từ Amazon, hy vọng con số này sẽ tăng lên vài chục phần trăm mỗi năm.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh