MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực giữ giá hàng Tết

Giá điện, giá xăng cùng với kế hoạch điều chỉnh hàng loạt loại thuế, phí trong năm 2018 có thể ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa trên thị trường

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, các mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tiêu dùng ngày Tết như thịt heo, rau quả, trái cây, hoa có thể tăng giá 15%-20%; bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng được dự báo tăng nhưng ở mức không quá cao.

Siêu thị "chốt" giá

Ngày 19-1, giá xăng tăng 400 đồng/lít. Hỏi thăm một lượt doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh về ảnh hưởng giá xăng tăng trong giai đoạn nhạy cảm này, chúng tôi nhận được câu trả lời chung là sẽ khó khăn thêm một chút, lợi nhuận giảm vì hàng hóa, giá cả bán Tết đã chốt từ 1-2 tháng trước nên trong vòng 1 tháng nữa sẽ không có điều chỉnh gì. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết các yếu tố đầu vào của sản xuất đều tăng từ giá nguyên liệu, giá điện, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… nhưng công ty không tăng giá hàng Tết. Lý do là việc tăng giá có thể ảnh hưởng đến sức mua.

Các DN phân phối bán lẻ cũng xác nhận đã chốt giá với nhà cung cấp từ trước và phối hợp với nhà cung cấp chuẩn bị chuỗi khuyến mãi kéo dài từ tháng chạp nên từ nay đến Tết, giá cả hàng hóa bán tại kênh phân phối bán lẻ hiện đại sẽ không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm mạnh. Những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhiều dịp Tết như thịt heo, thịt - trứng gia cầm, rau củ… bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... cũng sẽ được giữ giá ổn định và thấp hơn giá bán tại các chợ truyền thống (theo chương trình bình ổn thị trường) trong 2 tháng trước và sau Tết.

Áp lực giữ giá hàng Tết - Ảnh 1.

Một số chi phí đầu vào tăng giá cũng làm cho doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa an tâmẢnh: Tấn Thạnh

Ông Trần Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), cho biết giá gà lông màu (loại dùng nhiều dịp Tết) đang trên đà tăng giá, hiện ở mức khoảng 50.000 đồng/kg nên giá gà sau giết mổ trên thị trường sẽ tăng. Tuy nhiên, giá gà thả vườn đăng ký trong chương trình bình ổn giá chỉ 57.000 đồng/kg (gà sau giết mổ cao hơn gà lông khoảng 30%) và công ty sẽ giữ giá theo cam kết. Công ty có nguồn hàng dự trữ bảo đảm phục vụ thị trường nếu nhu cầu tăng. Nhờ sản xuất khép kín từ chăn nuôi nên mức giá trên vẫn có lợi nhuận. Do vậy, Tết này người dân mua gà thả vườn trong chương trình bình ổn sẽ có lợi hơn nhiều so với bên ngoài.

Ông Lê Đức Duy, Giám đốc điều hành Công ty CP Thanh Nhân Food (chuyên cung cấp thịt bò), cho biết thịt bò không nằm trong chương trình bình ổn giá nên giá cả phụ thuộc vào thị trường. Hiện nguồn cung thịt bò dồi dào nhưng giá đầu vào từ bò hơi đến các chi phí nhân công đều tăng nhưng đến thời điểm đầu tháng chạp sức mua chưa tăng, giá giữ nguyên.

Lo biến động sau Tết

Theo tính toán của các DN và giới chuyên môn, trước mắt, giá xăng tăng chưa tác động nhiều đến diễn biến giá trên thị trường bởi giá xăng chỉ chiếm một phần trong cơ cấu giá vận chuyển nên chiếm tỉ lệ rất thấp trong cơ cấu giá thành. Nguồn hàng chuẩn bị cho thị trường Tết đang rất phong phú, sản lượng dồi dào, kênh bán hàng siêu thị mặc dù chỉ chiếm trên dưới 20% tổng thị trường nhưng có sức hấp dẫn lớn và góp phần kìm giá hàng Tết. Tuy nhiên, áp lực tăng giá sau Tết sẽ rất lớn.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết đơn vị đang đàm phán với các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ về chính sách giá năm 2018. Theo tính toán của Saigon Co.op, tỉ trọng giá điện, xăng đối với giá một số mặt hàng thiết yếu là khoảng 5% nên nếu có điều chỉnh giá đầu vào theo tỉ trọng tăng giá thì giá bán các mặt hàng tại hệ thống của Saigon Co.op sẽ tăng khoảng 3%-4%. "Chúng tôi đang cân nhắc phương án phối hợp với nhà cung cấp giữ giá một số mặt hàng thiết yếu sau Tết, thậm chí kéo dài cả năm 2018; còn lại những loại hàng hóa, dịch vụ khác thì sẽ xem xét kỹ, nếu việc tăng giá là hợp lý thì bắt buộc phải điều chỉnh" - ông Đức cho biết.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, cho rằng diễn biến tăng giá điện, xăng dầu gần đây ảnh hưởng trực tiếp đến giá bó rau, quả trứng ngoài chợ và có khả năng gây sức ép lên giá hàng Tết. Bên cạnh đó, mưa trái mùa ảnh hưởng đến hoa kiểng Tết nên người tiêu dùng có thể phải mua hàng giá cao.

"Năm 2018, ngân sách rất khó vì Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng theo các cam kết thương mại, Chính phủ buộc phải tìm cách bù đắp khoản thiếu hụt đó bằng một số dự luật tăng thuế, phí, từ thuế tiêu thụ đặc biệt đến thuế thu nhập cá nhân. Nếu thuế, phí tăng, DN chắc chắn sẽ cộng hết các khoản tăng đó vào giá thành và tính cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể bao nhiêu còn tùy thuộc vào tính toán của DN và khả năng chấp nhận của người tiêu dùng nếu không sẽ lặp lại kịch bản người dân cắt giảm chi tiêu như vài năm trước" - ông Lê Đăng Doanh phân tích.

Ý KIẾN

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

Theo dõi sát diễn biến giá

Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình hàng Tết mới đây, các DN TP HCM đều cam kết chuẩn bị đủ nguồn hàng và giữ ổn định giá hàng Tết. Ba chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức cũng cam kết theo dõi chặt diễn biến số lượng, giá cả hàng hóa nhập chợ, báo cáo hằng ngày để Sở Công Thương chủ động nắm tình hình diễn biến giá thị trường. Hiện diễn biến giá cũng như việc luân chuyển hàng hóa tại thị trường TP HCM đang bình thường, các sở ngành đang theo dõi sát sao nếu có biến động đột biến sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính:

Thận trọng tăng giá xăng dầu, giáo dục

Lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi lộ trình điều chỉnh giá các dịch vụ do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, tác động lớn nhất đến CPI sẽ là mặt hàng xăng dầu. Dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng khoảng 5%-15% trong năm 2018, tác động vào CPI chung khoảng 0,28%-0,64%. Nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục tăng 8% - 10%, tác động khoảng 0,3% vào CPI chung. Giá dịch vụ khám chữa bệnh tác động làm tăng CPI khoảng 0,17% nếu các địa phương còn lại điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bênh. Giá điện trước mắt cũng làm tăng CPI khoảng 0,1% do việc tăng giá cuối tháng 12-2017.

Đặc biệt, với việc tăng giá điện, Bộ Công Thương cần phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động (trực tiếp và gián tiếp) của việc điều chỉnh giá điện ngày 1-12-2017 đến chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm 2018, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để tránh tạo dư luận trong xã hội và kỳ vọng về lạm phát. Đồng thời, phải xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý "ăn theo" giá điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam:

Lựa chọn thời điểm phù hợp để tăng giá dịch vụ

Năm 2018 cần chú ý 2 nhóm là điều tiết giá và điều hành giá. Nhóm điều tiết gồm hàng và tiền. Hàng kiên quyết không để thiếu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đây là bài học kinh nghiệm không bao giờ cũ trong điều tiết giá trong nền cơ chế thị trường. Vì nhà nước không còn quyết định giá thì không thể buộc phải bán giá này giá kia cho người tiêu dùng.

Nhóm điều hành giá có 2 nội dung. Một là, lộ trình thực hiện giá thị trường đối với một số dịch vụ công phải lựa chọn vào thời điểm thích hợp tránh cộng hưởng lan tỏa đến mặt bằng giá nói chung. Thời điểm phải loại trừ lễ Tết, mùa vụ nhu cầu tiêu dùng cao. Hai là, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN, cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết, cắt giảm phí, lệ phí. Đồng thời, tiếp tục xem xét giảm lãi suất phù hợp với lạm phát và bình ổn tỉ giá.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội:

Lo nhất là giá hàng thực phẩm

Trong dịp Tết, tâm lý người tiêu dùng là hàng thực phẩm phải tươi, sống nên siêu thị khó đáp ứng hết nhu cầu, vẫn phải phụ thuộc vào các chợ. Theo quy luật, từ Tết ông Công ông Táo, giá cả thị trường sẽ tăng nhanh 10%-15%. Nguồn hàng của siêu thị có hạn, còn hàng hóa ngoài chợ không ai ép giữ giá, giảm giá được. Cho nên trong công tác điều hành giá cần một "nhạc trưởng" chỉ huy, tính toán điều hòa cung - cầu hợp lý. Phải chuẩn bị nguồn hàng thật dồi dào và có kế hoạch bổ sung hàng nghìn tỉ đồng vốn cho sản xuất nông nghiệp để giải quyết nguồn hàng. Tiếp đó là tổ chức khâu phân phối. Đây vẫn là điểm yếu cần khắc phục.

Phương An - Tô Hà ghi

Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên