Áp lực quốc tế đang gia tăng lên tỷ giá
Thực tế trong ngày giao dịch đầu tuần này, tỷ giá của các ngân hàng đã đồng loạt tăng mạnh...
- 05-08-2019Tỷ giá Nhân dân tệ ở thị trường tài chính quốc tế vượt “làn ranh đỏ” 7
- 03-08-2019Vì sao tỷ giá trong nước “ngược dòng” thế giới?
Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần do Nhóm phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán SSI vừa công bố cho biết, tâm lý lạc quan khi đón nhận những thông tin kinh tế tích cực của Mỹ và chờ đợi đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau 11 năm của FED đã hỗ trợ đồng USD duy trì đà tăng giá từ cuối tuần trước và đạt đỉnh 98,52 điểm vào ngày 31/7.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ có vẻ không hài lòng với mức giảm lãi suất của FED và tình trạng bế tắc trong đàm phán thương mại với Trung Quốc khi cuộc bầu cử đang đến gần nên tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc bắt đầu từ 1/9. Tỷ giá USD/CNY ngay lập tức tăng mạnh lên mức 6,94 vào cuối tuần trước và hiện tại đã vượt lên trên ngưỡng tâm lý 7,0 sau khi NHTW Trung Quốc điều chỉnh tăng tỷ giá tham chiếu trong ngày hôm nay 5/8; chỉ số DXY cũng giảm xuống dưới mốc 98.
Các nền kinh tế phát triển cũng đang đối mặt với rất nhiều bất ổn như mối quan hệ căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc, khả năng Brexit không thỏa thuận của Anh, các chỉ số kinh tế ám đạm của khu vực Châu Âu. Rủi ro gia tăng khiến giới đầu tư toàn cầu tìm đến các hàng hóa trú ẩn, vàng tăng giá 0,97% lên mức 1,441 USD/oz; lợi tức trái phiếu Chính phủ (TPCP) đồng loạt giảm sâu; JPY và CHF tăng giá 2% và 1,1%.
Hầu hết các đồng tiền còn lại đều giảm giá khá mạnh trong tuần qua. Trong đó GBP, EUR giảm giá lần lượt là 1,75% và 0,17%; lũy kế từ đầu năm đến nay, 2 đồng tiền này đã giảm giá lần lượt là 4,67% và 3,14% so với USD. Đồng KRW của Hàn Quốc tiếp tục nối dài chuỗi ngày giảm giá khi giảm tới 1,72% WoW và 8,11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND tăng 20đ/USD trên ngân hàng, lên mức 23.170/23.290; không đổi ở chiều mua vào và tăng 10đ/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, ở mức 23.200/23.220 đồng.
Bối cảnh quốc tế ổn định trước đó cùng với nguồn cung USD khá dồi dào giúp VND có 7 tuần hồi phục, quay trở về mức tỷ giá tương đương thời điểm cuối năm 2018. NHNN cũng mua vào thêm ngoại tệ cho dự trữ. Trong suốt giai đoạn này, tỷ giá trung tâm vẫn theo chiều hướng đi lên, hiện ở mức 23.090đ/USD – tăng 11đ/USD so với cuối tuần trước và tăng 1.16% so với cuối năm 2018. Diễn biến này cho thấy sự nhất quán trong điều hành của NHNN để có thể ứng phó với những diễn biến bất ngờ từ bên ngoài.
Thực tế, áp lực quốc tế bất ngờ gia tăng và sự mất giá mạnh của CNY hiện tại sẽ tạo áp lực nhất định lên VND. Và thực tế, trong ngày giao dịch đầu tiên của tuần mới là hôm nay 5/8, tỷ giá trung tâm và tỷ giá của các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, tỷ giá trung tâm lên mức 23.100 đồng - cao kỷ lục từ trước tới nay, còn giá USD của các ngân hàng tăng phổ biến từ 40 - 55 đồng so với cuối tuần trước. Tại Vietcombank và BIDV - 2 ngân hàng có giao dịch ngoại hối sôi động nhất - tỷ giá chốt ngày niêm yết tại 23.215 - 23.335 đồng/USD - cao hơn 55 đồng so với hôm thứ Sáu vừa qua.
Dẫu với nhiều áp lực từ thị trường quốc tế nêu trên song theo nhóm phân tích của SSI, với nhiều dư địa chính sách tiền tệ cùng nguồn dự trữ và nguồn cung ngoại tệ trong nước, tỷ giá USD/VND nếu có biến động cũng sẽ nằm trong vùng dao động của đợt biến động cuối tháng 5 đầu tháng 6 tức là vùng từ 23.250 đến 23.350 đồng/USD.