Áp lực với đồng VND xuất hiện
Áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua.
- 01-03-2022Tăng trưởng tiền gửi của dân vào ngân hàng chỉ bằng 1/3 trước dịch
- 17-02-2022Tỷ giá USD/VND đang có quãng tăng đáng chú ý
- 13-02-2022Dự báo mới nhất về tỷ giá và lãi suất năm 2022
Tâm điểm thị trường tài chính toàn cầu thời gian gần đây xoay quanh xung đột giữa Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và chính phủ các nước lớn. Thị trường tài chính của nhiều quốc gia rơi vào vào trạng thái hoảng loạn, trước khi hồi phục lại phần nào vào phiên giao dịch cuối tuần.
Theo báo cáo phân tích của chứng khoán SSI, giá dầu Brent đã có thời điểm nhảy vượt qua mức 100 USD/thùng và giá vàng cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm và giao dịch trên mức 1.963 USD/ounce. Kết tuần 25/2, giá vàng tăng 0,6% so với tuần trước, giao dịch ở mức 1.911 USD. Đồng USD, đo lường bằng chỉ số DXY tăng 0,6% trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đểu mất giá như EUR giảm -0,5%, GBP -1,3%,…Đồng RUB của Nga giảm tới 7,3% trong tuần qua, và các đồng tiền mới nổi khác đều mất giá so với USD. Ngược lại, CNY tăng nhẹ 0,1% trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ gia tăng giao thương với Nga.
Báo cáo của SSI cũng cho biết, trong tuần qua, đồng VND có xu hướng giao dịch trái chiều ở các thị trường. Trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND giao dịch ổn định quanh mức 22.830 đồng/USD, trong khi tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng mạnh 140 điểm, kết tuần ở mức 22.810 - 23.120 đồng/USD. Trái ngược lại, tỷ giá trên thị trường tự do không có nhiều biến động mạnh trong tuần và giao dịch ở 23.430-23.500 đồng/USD.
Giá vàng trong nước cũng có bước điều chỉnh mạnh trong tuần qua, tăng 3,6% và nới rộng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên 13,1 triệu/lượng.
SSI cho rằng, áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và giúp đồng VND duy trì được sức mạnh của mình.