Áp lực với tỷ giá trong ngắn hạn đã giảm đáng kể
Sau khi nâng tỷ giá mua vào lên 23.200đ/USD kể từ ngày 2/1, NHNN đã mua vào được một lượng tương đối ngoại tệ cho dự trữ và dự kiến nguồn cung USD sắp tới sẽ tiếp tục dồi dào từ lượng kiếu hối và các giao dịch bán vốn lớn.
- 06-01-2019Áp lực tỷ giá năm 2019 sẽ giảm?
- 05-01-2019Thêm chuyên gia lạc quan về tỷ giá năm 2019
- 03-01-2019MBS: Tỷ giá năm 2019 tăng khoảng 1,5-2%
Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ trong tuần đến ngày 11/01/2019.
Theo báo cáo, đồng USD tuần qua đã chịu áp lực giảm mạnh. Cụ thể, USD mất giá lần lượt là 0,9%, 0,9%,0,1% và 1,6% so với EUR, GPB, JPY, CNY. Chỉ số Dollar Index mất mốc 96, về mức 95,7 điểm.
Nguyên nhân làm USD đi xuống bởi sự bất đồng sâu sắc giữa Tổng thống Donald Trump và Đảng Dân chủ trong vấn đề ngân sách để xây dựng bức tường biên giới Mỹ- Mexico đã khiến cho chính phủ Mỹ đóng cửa đến nay là 23 ngày – mức gián đoạn lâu nhất trong lịch sử. Thế bế tắc này càng kéo dài sẽ càng gây ra nhiều tổn hại cho nền kinh tế Mỹ cũng như nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu như Tổng thống sử dụng lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp để qua mặt Quốc hội.
Trong khi đó tại Trung Quốc, ngày 4/1/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 100 điểm cơ bản và dự kiến sẽ cắt giảm thêm 0,5% lần lượt vào 15/1 và 25/1 tới để bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Trung Quốc hiện nay là 14,5% với các ngân hàng lớn, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Đây được cho là một trong các biện pháp để đối phó với các dấu hiệu suy giảm kinh tế ngày càng rõ nét của Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của nước này liên tục giảm từ mức đỉnh là gần 12% vào cuối 2009 xuống 6,5% vào cuối quý 3/2018, quý 4/2018 được dự đoán ở mức chỉ 6,2%. Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát và lượng đơn hàng xuất khẩu cũng giảm mạnh. Mặc dù CNY có một tuần hồi phục khá mạnh so với USD nhưng áp lực mất giá với CNY vẫn là khá lớn.
Ở trong nước, sau khi nâng tỷ giá mua vào lên 23.200đ/USD, NHNN đã mua vào được một lượng tương đối ngoại tệ cho dự trữ và dự kiến nguồn cung USD sắp tới sẽ tiếp tục dồi dào từ lượng kiếu hối và các giao dịch bán vốn lớn. Tỷ giá USD/VND trên ngân hàng giảm 10đ/USD ở cả 2 chiều về 23.150/23.240, thấp hơn tỷ giá mua của NHNN. Trên thị trường tự do, tỷ giá mua vào tăng 10đ/USD lên 23.210 và tỷ giá bán ra không đổi ở mức 23.230.
Theo nhóm phân tích, áp lực trong ngắn hạn từ diễn biến USD và CNY với tỷ giá VND đã giảm nhiều, cung cầu ngoại tệ thuận lợi và chênh lệch lãi suất USD-VND sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của USD/VND trong thời gian tới.