MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp trần lãi vay đối với giao dịch liên kết 20%: Không bất thường

07-12-2018 - 09:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc áp trần lãi vay 20% không chỉ tránh được việc phân biệt đối xử giữa các DN mà còn hạn chế được tình trạng chuyển giá của cả các DN nội địa.

Thêm gánh nặng cho DN trong nước?

Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ 1/5/2017. Nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) với các DN có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là DN cả trong và ngoài nước.

Theo đó, một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Áp trần lãi vay đối với giao dịch liên kết 20%: Không bất thường - Ảnh 1.

Theo Nghị định 20, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế (Ảnh minh hoạ: KT)


Sau hơn 1 năm Nghị định có hiệu lực, nhiều DN trong nước cho rằng, quy định về trần chi phí vay nói trên không chỉ ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của họ vì số thuế thu nhập DN phát sinh phải nộp rất lớn, mà còn tạo ra những khó khăn, bất cập khác.

Cụ thể, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần hai lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế hai lần tại hai công ty. Do đó, quy định này tạo ra rào cản đối với việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn. Chưa kể, nhiều DN nội địa và các công ty liên kết chỉ hoạt động ở Việt Nam và cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá.

Với những khó khăn trên, gần đây, một số DN đã đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 20 cho phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước.

Không phải là quy định bất thường

Tuy nhiên, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, chính sách thuế Việt Nam ngày càng phục vụ việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Theo đó, Nghị định 20 là thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và G20 yêu cầu các nước phải tập trung chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu.

“Nước ta là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra khuyến nghị về khống chế lãi vay từ 10-30%. Chính phủ đã cân nhắc chọn mức 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn trên toàn cầu. Như vậy ta đã tính tới thực tế của Việt Nam”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.

Áp trần lãi vay đối với giao dịch liên kết 20%: Không bất thường - Ảnh 2.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đặt câu hỏi: Tại sao không có một DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào kinh doanh trên Việt Nam kêu về vấn đề trên mà chỉ có doanh nghiệp trong nước kêu về vấn đề này? Lý giải vấn đề này, theo ông Cao Anh Tuấn, vì họ biết rõ đây là cuộc chơi toàn cầu.

"Ta phải vào cuộc chơi toàn cầu, không thể đứng ngoài cuộc. DN muốn làm ăn toàn cầu nhưng mà muốn chính sách riêng thì khó. Việc khống chế như hiện tại không chỉ giúp lành mạnh tình hình tài chính của DN mà còn của nền kinh tế", ông Cao Anh Tuấn nói.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế, nếu chiếu theo mức khống chế lãi vay 20% như quy định, hiện chỉ có 423 DN là vượt trần 20%, tức là chưa tới 1% số DN đang hoạt động.

"Các DN đề xuất, chúng tôi ghi nhận đây là vấn đề khó khăn với DN nhưng nếu nói quy định không phù hợp với thực tế thì phải căn cứ vào số liệu thống kê, xem ảnh hưởng so với số đông như thế nào" ông Tuấn cho hay.

Về vấn đề vay giữa các bên liên kết và vay với bên độc lập phải xử lý như nhau, ông Cao Anh Tuấn cho biết, BEPS cũng đã khuyến nghị bài học của nước Anh. Theo đó, nếu chỉ khống chế với giao dịch liên kết thì hệ quả là toàn bộ các công ty đa quốc gia nước này đã tái cơ cấu khoản nợ qua ngân hàng trung gian, các công ty liên kết, mẹ con, thành các khoản vay giáp lưng qua các ngân hàng thương mại, hoàn toàn né tránh được quy định khống chế lãi vay của Chính phủ Anh.

“Hiện tượng này cũng đã được ghi nhận. Thực tế, chúng tôi thanh tra 1 doanh nghiệp FDI có chuỗi siêu thị rất nổi tiếng ở Việt Nam. Công ty dồn lợi nhuận về 1 công ty thuộc tập đoàn có tỷ lệ lãi vay trên 40-50% tổng chi phí. Sau khi trả lãi vay tại nước gần Việt Nam - nơi có mức thuế thấp thì đã hạch toán lỗ. Một số công ty cũng thực hiện vốn hóa các khoản vay giáp lưng để hạch toán khấu trừ chi phí lãi vay. Vì vậy, các giao dịch liên kết không chỉ khống chế với khoản vay liên kết mà cả giao dịch độc lập nhưng biến tướng dưới các khoản vay giáp lưng”, ông Tuấn thông tin thêm.

Phân tích cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Nghị định 20 gần như không tác động nhiều đến các DN trong nước. Nguyên nhân là do với quy định chi phí lãi vay không được vượt quá 20% (lợi nhuận trước thuế, chưa tính lãi vay và khấu hao - chỉ số Ebitda), đây là chỉ tiêu để các DN có thể so sách được với nhau về cơ cấu vốn, tài sản. Có những DN lãi trước thuế với chỉ số Ebitda rất cao, nhưng báo cáo tài chính thể hiện DN vẫn lỗ vì khấu hao quá nhiều, vay vốn quá nhiều (kết quả cuối cùng vẫn âm). Trong khi đó, có những DN lãi trước thuế, trước khấu hao, trước lãi vay ở mức vừa phải, nhưng do quản trị tài chính tốt, có vốn đầy đủ, cơ cấu tài sản hợp lý, không lãng phí tài sản thì lãi thực của họ rất cao.

Theo ông Phụng, chỉ số Ebitda trên thế giới đã sử dụng từ lâu, còn chúng ta sử dụng để so sánh giữa các DN khác nhau về ngành nghề, địa bàn, cơ cấu vốn có thể gặp nhau ở điểm chung nhất là lãi ban đầu (lãi thuần) chưa tính đến các yếu tố về vốn là bao nhiêu.

Ông Phụng cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chi phí của DN về lãi vay khấu hao quá cao là do DN đầu tư nhiều tài sản thì khấu hao cao và DN ít vốn, phải vay nhiều, trong khi vay nhiều thì phải trả lãi nhiều.

“Chắc chắn DN nào vốn ít mà đầu tư quá nhiều, quá dàn trải thì sẽ bị khó khăn. Chúng ta hiện nay đang cần các DN “khỏe mạnh”, làm ăn thực thụ. Chúng ta cần 1 triệu DN vào năm 2020, nhưng phải là DN “khỏe mạnh”, chứ chúng ta không cần DN sinh ra để trốn thuế, mang lại rủi ro cho xã hội. Quy định này không chỉ bảo đảm cho nền tài chính, mà còn bảo đảm sự bền vững cho cả thị trường”, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cũng cho rằng, việc đưa tỷ lệ khống chế 20% trong mức lãi vay chênh lệch là hoàn toàn hợp lý. Điều đó là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí có quốc gia đưa mức này lên tới 25% - 30%.

“Việc ra đời của Nghị định 20 đã tổng kết đánh giá được 10 năm thực hiện việc quản lý các giao dịch liên kết và chống chuyển giá. Đây là công cụ tốt để có một khung khổ pháp luật ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá và sai lệch kết quả kinh doanh, do vậy, hạn chế được việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN nước ngoài với DN Việt Nam”, bà Cúc khẳng định./.


Theo Cẩm Tú

VOV

Trở lên trên