Apple, Boeing và những 'cái tên' lớn ở Phố Wall bắt đầu 'thấm đòn' chiến tranh thương mại
Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, công nghệ thông tin dự kiến sẽ chứng kiến lợi nhuận có mức giảm lớn nhất, là 11,8%.
- 11-06-2019Chiến tranh thương mại = Khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới?
- 10-06-2019Phía sau chiến tranh thương mại, Trung-Mỹ còn 1 mặt trận tiềm ẩn đang nóng lên từng ngày
- 10-06-2019Không phải chiến tranh thương mại, món cà ri mới đang làm đau đầu những nhà hoạch định của nền kinh tế 1,4 tỷ dân Ấn Độ
- 09-06-2019Mỹ cáo buộc Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ bù đắp tác động cuộc chiến thuế quan
Chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu là những yếu tố khiến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia Mỹ sụt giảm. Các công ty thu về hơn 1 nửa doanh thu từ bên ngoài nước Mỹ dự kiến sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm 9,3% trong quý II, theo ước tính của FactSet.
Điều này có nghĩa là các công ty lớn như Apple và Boeing - vốn có hoạt động kinh doanh ở ngoài nước Mỹ và chi phí lắp ráp sản xuất đều nhờ các quốc gia khác, sẽ bị ảnh hưởng. Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, công nghệ thông tin dự kiến sẽ chứng kiến lợi nhuận có mức giảm lớn nhất là 11,8%.
Một số công ty đa quốc gia lớn có dự đoán về triển vọng lợi nhuận của quý II sụt giảm, trong đó có Take-Two Interactive Software, Noble Energy và VF Corp. Ngược lại, đối với các công ty có một nửa hoạt động kinh doanh đến từ chính nước Mỹ, thì lợi nhuận dự kiến sẽ tăng 1,4% vì họ không phải chịu ảnh hưởng của chi phí hàng nhập khẩu gia tăng và thuế quan khi kinh doanh ở thị trường nước ngoài.
Về mặt doanh thu, các công ty hoạt động nhiều ở thị trường quốc tế được dự đoán giảm khoảng 1,2%, trong khi các công ty trong nước sẽ tăng 6%.
Theo FactSet, các nhóm ngành đón nhận dự báo tích cực nhất về lợi nhuận cho quý II đó là năng lượng (3%), hàng tiện tích (2%), còn những "kẻ thua cuộc" là công nghệ, nguyên liệu (-7,2%), mặt hàng chủ lực (-2,8%) và không thiết yếu (-2,5%). Những "kẻ chiến thắng" về mặt doanh thu được dự đoán là dịch vụ truyền thông (14,1%), sức khoẻ (12%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (3,8%). Trong khi đó, nhóm ngành có hoạt động kém nhất là nguyên vật liệu (-9,3%), công nghệ (-0,9%) và công nghiệp (1,2%).
David Lefkowitz, chiến lược gia cấp cao về thị trường chứng khoán của châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management, cho hay: "Thuế quan là một phần của nguyên nhân. Nhưng tôi cũng cho rằng có một số yếu tố khác tạo ra bức tranh kinh tế toàn cầu yếu kém và triển vọng ảm đạm về doanh thu của các công ty đối với nền kinh tế Mỹ."
Cho đến nay, phần lớn các công ty Mỹ đã được bảo vệ trước mọi tác động mạnh từ thuế quan hoặc sự yếu kém của các nền kinh tế phát triển khác. GDP tăng 2,9% vào năm 2018 và 3,1% trong quý năm 2019, lạm phát đã được khắc phục và thị trường việc làm đang trở nên tích cực hơn, dù số liệu gần đây không quá khả quan. Thị trường chứng khoán biến động nhưng đã hồi phục sau vấn đề về thuế quan.
Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành, trong các cuộc khảo sát về tâm lý, đều bày tỏ sự lo ngại và cảnh báo rằng việc chi phí gia tăng sẽ dần ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Các nhà phân tích của Phố Wall đã lưu ý điều này và dự đoán về một số tác động rõ ràng hơn.
"Bất ổn về chính sách có khả năng cao sẽ xảy ra, đặc biệt là về thương mại", John Lynch, chiến lược gia đầu tư trưởng tại LPL Financial, cho hay. Ông nói thêm: "Chúng tôi hạ dự báo lợi nhuận để thể hiện rủi ro đang tăng lên của cuộc chiến thương mại kéo dài. Chúng tôi vẫn lạc quan rằng, những tranh chấp thương mại có thể được giải quyết vào mùa hè này, mặc dù dường như mâu thuẫn sẽ chưa thể hoà giải cho tới khi ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên nặng nề hơn."
Sau khi các quỹ đầu tư chứng khoán mất tới 19,9 tỷ USD trong đợt giảm mạnh hồi tháng 5, dòng vốn đã quay trở lại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm "hầm trú ẩn". Từ đầu tháng 6 tới nay, các quỹ đầu tư trái phiếu đã thu về 15,1 tỷ USD, theo State Street Advisors. Còn từ đầu năm đến nay, các quỹ đầu tư trái phiếu đã đón nhận dòng vốn 63,9 tỷ USD, trong khi các quỹ đầu tư cổ phần là 28,4 tỷ USD.
Những "cái tên" lớn sẽ chứng kiến lợi nhuận sụt giảm. Lợi nhuận hàng quý của Apple dự kiến sẽ giảm 14,6% và 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của FactSet và các chỉ số Dow Jones, S&P 500. Trong khi đó, lợi nhuận hàng quý của Boeing - 54,7% đến từ thị trường quốc tế, có thể sẽ giảm 43,7% và 45,6% so với năm trước. Còn Intel, vốn thu về 80% từ nước ngoài, dự kiến sẽ mất 14,4% so với lợi nhuận cùng kỳ năm 2018.
Không chỉ vậy, cổ phiếu của các công ty này cũng sẽ sụt giảm. Matthew Bartolini, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu SPDR Châu Mỹ, đã so sánh nhóm cổ phiếu của những công ty chủ yếu thu lời từ thị trường nước ngoài với các công ty phần lớn hoạt động trong nước. Ông nhận thấy nhóm thứ nhất đã giảm 2,5% vào ngày 1/5, trong khi nhóm thứ 2 chỉ giảm 0,48%.
Một lĩnh vực khác có khả năng rơi vào thị trường "con gấu" là bán lẻ. Lĩnh vực này dễ gặp phải rủi ro từ thuế quan do chi phí đầu vào và không có khả năng chuyển mức phí chênh lệch cho người tiêu dùng, trong môi trường phi lạm phát. Lorraine Hutchinson, một nhà phân tích nghiên cứu tại Merrill Lynch Bank of America, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng hầu hết các thương hiệu đều không có khả năng bù đắp cho tình trạng chi phí gia tăng và các nhà bán lẻ sẽ gặp rủi ro nếu Mỹ - Trung không đi đến một thoả thuận, từ đó hàng may mặc sẽ bị áp thuế."