MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động

09-06-2020 - 19:44 PM | Sống

Apple và Foxconn từng muốn sử dụng các công cụ tự động hóa để lắp ráp iPhone, iPad nhưng sau vài năm, các chương trình này đều bỏ xó vì không thể thay thế và đạt hiệu suất như các công nhân.

Tám năm trước, Quách Đài Minh (còn gọi là Terry Guo) - người sáng lập kiêm chủ tịch Foxconn - đã vẽ ra một chiếc bánh cho Tim Cook.

Toàn bộ công nhân trên dây chuyền sản xuất iPad đều được thay thế bằng robot. Các bộ phận của iPad được di chuyển dọc theo băng chuyền và được cắt, đánh bóng và lắp ráp bởi một robot có tên Foxbots. Toàn bộ dây chuyền sản xuất hầu như không có sự can thiệp của con người.

Một năm trước khi Terry Guo đưa ra chiếc "bánh vẽ" này, ông cũng đề xuất "Dự án triệu robot", với dự định đầu tư 1 triệu con robot vào dây chuyền sản xuất. Tầm nhìn rất đẹp và thành công (nếu có) mang lại cũng thật quyến rũ.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 1.

Sử dụng robot lắp ráp smartphone sẽ giúp tăng hiệu suất, giảm thời gian.

Và ông chủ Foxconn đã thành công một phần.

Trong báo cáo thường niên năm 2019, năng lực sản xuất của các công cụ chính xác tại Foxconn tăng 15% so với năm trước, số lượng lao động trực tiếp giảm 26% và giá trị sản lượng bình quân đầu người tăng 48%. Sự tiến bộ của máy móc thay thế con người có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Nhưng khi tìm cách sử dụng robot để thay thế công nhân lắp ráp các thiết bị của Apple, họ đã thất bại. Hóa ra, việc sản xuất các thiết bị điện tử như iPhone phụ thuộc rất nhiều vào công nhân trên dây chuyền sản xuất. Siết chặt ốc vít, bôi keo... robot làm không tốt bằng con người.

Trong quá trình lắp ráp bất kỳ sản phẩm điện tử nào, có một bước thiết yếu: Bôi keo.

Bảng mạch in, vỏ thiết bị, pin và các thành phần khác của sản phẩm điện tử thường được dán lại bằng keo. Nếu đã từng thử lắp ráp thủ công, bạn sẽ thấy rằng việc điều khiển súng phun keo nóng chảy để bôi keo chính xác vào các bộ phận cần thiết, sau đó dán nó với các bộ phận khác không phải là một công việc dễ dàng. Mọi thứ rất dễ vượt quá tầm kiểm soát.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 2.

Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để máy móc bôi keo thiết bị điện tử tốt hơn con người.

Ngoài ra, bạn cũng cần siết chặt các ốc vít, căn chỉnh các lỗ trên từng bộ phận và kết nối chính xác các bộ phận khác nhau với các loại ốc vít khác nhau. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng lại rất khó để tạo ra các cỗ máy có thể làm tốt những công việc này.

Apple không tin và đã từng thử. Một số báo cáo cho biết công ty công nghệ Mỹ này đã bí mật thành lập một nhóm chuyên gia về robot và tự động hóa chuyên nghiệp vào năm 2012, đặt văn phòng nằm cách trụ sở chưa đầy 10 km, chịu trách nhiệm tìm cách thay thế công nhân bằng robot. Nhóm nghiên cứu này đã nhờ các công ty lớn như Denso và Mitsubishi phát triển một robot có thể sử dụng keo và ốc vít thành thành.

Để rõ hơn thì các thiết bị điện tử chính xác của Apple có yêu cầu rất cao về độ chính xác của việc dán keo và các lỗi phải được kiểm soát trong vòng 1 mm. Các ốc vít cũng phải được siết chặt ở một mức độ nhất định.

Nhưng các con robot mới được phát triển không làm tốt lắm ở cả hai điều này. Các ốc vít của Apple quá nhỏ, đến nỗi máy móc và cảm biến không thể cảm nhận được độ mạnh của việc vặn vít. Việc dán keo cũng gặp khó khăn tương tự. Một cựu nhân viên của nhóm này đã nói rằng: "Công nhân Trung Quốc được đào tạo để giỏi việc dán keo hơn cả máy móc".

Và khi những con robot không lắp ráp được iPhone đạt mức độ chính xác cao nhất, thiết bị sẽ không hoạt động tốt, ảnh hưởng mạnh tới thương hiệu. Không từ bỏ, nhóm đã tìm cách sáng chế robot lắp ráp các sản phẩm tương đối phổ biến khác như Apple TV, Apple Watch, iPad... nhưng kết quả nhận được không khả quan.

Năm 2018, nhóm phát triển robot bí mật đã bị giải tán, khi người phụ trách rời đi.

Ngoài nhóm đặc biệt ở trên đã cố gắng tạo ra robot dán keo và bắt vít, một báo cáo khác cho biết Apple cũng xây dựng một nhóm về tự động hóa khác. Nhiệm vụ đầu tiên của nhóm này cố gắng tạo ra robot có thể tự động đánh bóng sản phẩm.

Vào năm 2013, lần đầu tiên họ đã chế tạo một robot đánh bóng Mac Pro. Sau đó, họ muốn trực tiếp chuyển đổi công nghệ này sang áp dụng cho Apple Watch 3. Tuy nhiên, Apple Watch 3 quá nhỏ để sử dụng công nghệ cho Mac Pro, do đó việc đánh bóng Apple Watch 3 vẫn phải được thực hiện thủ công.

Vào năm 2014, nhóm đã cố gắng đưa ra hệ thống tự động lắp ráp MacBook. Nó được hứa hẹn sẽ lắp ráp được màn hình, bàn phím và cả touchpad vào vỏ.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 3.

Apple muốn lắp ráp MacBook bằng robot tự động.

Các kỹ sư nói rằng robot tự động này có thể lắp ráp MacBook với chi phí thấp hơn, hiệu quả tốt hơn và chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, dự án cũng nhanh chóng bị đem đi... hỏa táng.

Bởi khi hoạt động thử nghiệm trong thực tế, chuyển động của băng chuyền không được ổn định cho lắm. Robot lắp đặt bàn phím cần vặn rất nhiều ốc vít và nó thực hiện không tốt, do đó cần nhiều sự can thiệp thủ công. Các bộ phận bắt đầu xếp chồng lên nhau và dây chuyền sản xuất bị rối tung mù mịt.

Phải mất gần một năm và rất nhiều thất bại trước khi dây chuyền sản xuất tự động này có thể hoạt động. Việc phát hành MacBook vì thế cũng đã bị hoãn lại vào mùa xuân năm 2015. Và vấn đề còn trở nên tồi tệ hơn khi nhiều mẫu Macbook sử dụng "bàn phím bướm" đã mang lại trải nghiệm tồi tệ cho khách hàng, thậm chí buộc phải thu hồi nhiều sản phẩm.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 4.

Bàn phím cánh bướm của MacBook là một trong những vấn đề nổi cộm trong vài năm gần đây.

Có vẻ như dây chuyền sản xuất này cũng không hiệu quả cho lắm. Kế hoạch đưa máy móc thay thế con người cuối cùng lại là một khoản giao dịch thua lỗ. Và một khó khăn lớn hơn nữa trong việc thay thế công nhân bằng máy móc, ngoài các vấn đề về kỹ thuật, thì còn có những vấn đề của chính ngành công nghiệp.

Trước hết, các thiết bị điện tử của Apple là một dạng sản phẩm theo mùa. Sau buổi ra mắt thường niên vào mùa thu, hầu hết người dùng sẽ tập trung vào các mẫu iPhone mới. Rồi theo thời gian trôi đi, nhu cầu ngày càng ít đi. Điều đó có nghĩa là các dây chuyền sản xuất chỉ hoạt động hiệu quả vào một thời điểm trong năm, sau vài tháng sẽ tương đối nhàn rỗi, tốn diện tích và khấu hao.

Và trong khi những cỗ máy là chết, thì con người là sống.

Theo chia sẻ của một cựu giám đốc của Apple thì công ty Mỹ này thích sử dụng công nhân hơn máy móc vì con người thật linh hoạt hơn, có thể dễ dàng "ra vào" dây chuyền sản xuất. Để rõ ràng hơn thì số lượng lao động tạm thời tại Foxconn chiếm 50% vào mùa hè năm ngoái. Việc làm này rất linh hoạt nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 5.

Công nhân trên dây chuyền lắp ráp của Foxconn.

Một vấn đề khác là khi các sản phẩm được cập nhật hàng năm, các robot chỉ có thể được tùy chỉnh cho một vài thiết bị. Các robot sản xuất iPhone X không thể được sử dụng để sản xuất iPhone11.

Một cựu nhân viên của Apple cho biết điều này có nghĩa là Apple phải loại bỏ robot sản xuất sản phẩm trước đó mỗi năm, thiết kế lại, phát triển, sản xuất robot trước khi sản xuất thiết bị tiếp theo cho các mẫu iPhone sẽ được bán trong vài năm tới năm.

Ngoài ra, có một vấn đề tiềm năng khác được gọi là "giải quyết việc làm".

Ở bất kỳ quốc gia nào, việc làm luôn là một vấn đề lớn. Nếu Apple và Foxconn thực sự loại bỏ tất cả công nhân trên dây chuyền sản xuất, một số lượng lớn người sẽ thất nghiệp và tạo ra các vấn đề xã hội thậm chí quốc tế. Apple và Foxconn khi đó sẽ phải chịu đựng một áp lực xã hội rất lớn.

Trên thực tế, không chỉ Apple, các công ty khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. Ví dụ như   Boeing đã hy vọng sử dụng robot để chế tạo máy bay Boeing 777. Năm 2015, Boeing đã cố gắng sử dụng robot tự động để lắp đặt các bộ phận, nhưng kết quả không đáng tin cậy và các công nhân thường phải can thiệp, khiến trì hoãn việc giao hàng.

Tesla cũng đã có một trải nghiệm tương tự. Nhà máy của hãng ở California đã chi 160 triệu USD để mua lại các công ty tự động hóa và xây dựng dây chuyền sản xuất tự động. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất này đã không thành công và thậm chí còn gây ra vấn đề về công suất trên mẫu Model 3, khiến chính bản thân ông chủ Elon Musk phải ăn ngủ trong nhà xưởng để thúc đẩy việc giao hàng đúng hẹn.

Sau đó, Musk đã phải thừa nhận với phóng viên CBS rằng robot đã làm chậm quá trình sản xuất những chiếc xe.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 6.

Tesla cũng chưa giải hết được bài toán khó về tự động hóa.

Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta có thể vội vàng kết luận rằng tự động hóa sản xuất là không thể. Vấn đề này cần nhiều thời gian và sự đầu tư từ các công ty lớn.

Và mặc dù việc lắp ráp iPhone tự động không thành công, Apple đã có thể chế tạo robot tự động tháo rời iPhone.

Các quan chức Apple tuyên bố vào năm 2018 rằng họ đã phát minh ra một robot tái chế có tên Daisy, có thể tháo dỡ 15 mẫu iPhone để lấy linh kiện và các nguyên liệu thô khác nhau như kim loại, thủy tinh, nhựa... và thậm chí chúng có thể sử dụng để chế tạo ra các mẫu iPhone tân trang bán ra sau đó. Và mới đây nhất, các báo cáo cho biết một robot Daisy có thể tháo dỡ 200 chiếc iPhone khác nhau mỗi giờ.

Apple thừa nhận thất bại: Công nhân Foxconn lắp ráp iPhone tốt hơn nhiều so với máy móc tự động - Ảnh 7.

Robot Daisy của Apple.

Tham khảo Sina

Theo Bảo Nam

Trí thức trẻ

Trở lên trên