AstraZeneca tuyên bố sẽ đầu tư 5.000 tỷ vào thị trường dược phẩm Việt Nam, hợp tác phân phối với Dược liệu Trung ương 2 (TW2)
Theo lộ trình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam theo đúng quy định. Đây là các doanh nghiệp đầu tiên triển khai theo Hiệp định Quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007. Với việc bảo lưu quyền phân phối thị trường Việt Nam cho doanh nghiệp trong nước, giúp cho việc điều tiết ổn định thị trường dược phẩm.
CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma, TW2) và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam vừa ký kết hợp tác phân phối dược phẩm toàn quốc. Đây là một trong những thỏa thuận đầu tiên giữa một doanh nghiệp phân phối thuốc của Việt Nam và một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia. Hợp tác này sẽ đem đến nguồn dược phẩm an toàn, giá cả hợp lý, cho phép người dân Việt Nam được tiếp cận với những dòng thuốc tiên tiến nhất trên thế giới góp phần vào nâng cao công tác điều trị, chăm sóc sức khoẻ.
Được biết, AstraZeneca là Tập đoàn toàn cầu về dược phẩm sinh học dựa trên phát minh, chuyên nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các thuốc điều trị chuyên sâu, tập trung trong các lĩnh vực điều trị ung thư, tim mạch và chuyển hóa, hô hấp… Công ty đang đầu tư 26 nhà máy trên tổng 16 quốc gia với 167 dự án lâm sàng, tổng vốn đầu tư hiện vào khoảng 6,1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, AstraZeneca chính thức gia nhập từ năm 1994, đến năm 2019 Công ty được cấp phép xuất nhập khẩu dược, thử nghiệm lâm sàng. Theo đó, đặt mục tiêu cho giai đoạn 2020-2024, đơn vi này sẽ tiến hành đầu tư khoảng 5.000 tỷ tại Việt Nam, và chính thức chọn TW2 làm đối tác phân phối.
Ký kết này cũng nằm trong chiến lược của chính phủ về việc phát triển ngành dược phẩm trong nước và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Thỏa thuận phân phối toàn quốc trong 3 năm sẽ kết hợp thế mạnh của mạng lưới phân phối toàn diện và chuỗi cung ứng hàng đầu của TW2 tại Việt Nam cùng các giải pháp sáng tạo và nguồn lực toàn cầu của AstraZeneca, giúp bệnh nhân Việt Nam được tiếp cận với các loại thuốc mới, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng dược phẩm trong nước.
Theo lộ trình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam theo đúng quy định. Đây là các doanh nghiệp đầu tiên triển khai theo Hiệp định Quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007. Với việc bảo lưu quyền phân phối thị trường Việt Nam cho doanh nghiệp trong nước, giúp cho việc điều tiết ổn định thị trường dược phẩm.
Ghi nhận, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam, theo đó, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam với Vương Quốc Anh, Vương Quốc Thụy Điển nói riêng không ngừng phát triển. Đến nay, Vương Quốc Anh và Vương Quốc Thụy Điển là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế. Riêng đối với lĩnh vực dược phẩm đã ghi nhận được những đóng góp ngày càng sâu rộng của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đối với sự phát triển của ngành dược Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ, cung ứng trong lĩnh vực dược phẩm, hỗ trợ công tác đào tạo, nghiên cứu và tham gia vào các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững vì sức khoẻ người Việt...
Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành dược Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện và hướng tới tiêu chí đẩy mạnh hợp tác quốc tế cạnh tranh công bằng, lành mạnh nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực cung ứng thuốc trong nước.
Điều này thể hiện rất rõ qua những chính sách, quy định tại Luật Dược 105/2016/QH13, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Dược, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, đặc biệt là chính sách quyền phân phối thuốc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập cơ sở có chức năng xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam cần hợp tác với doanh nghiệp dược Việt Nam thực hiện phân phối thuốc.
Đồng thời góp phần mở ra các cơ hội đầu tư, phát triển rất quan trọng không chỉ cho các đối tác nước ngoài mà ngay cả chính các doanh nghiệp trong nước có thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trong cả sản xuất, phân phối và kinh doanh lĩnh vực dược phẩm, đem đến nguồn dược phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý; cho phép người dân Việt Nam được tiếp cận với những dòng thuốc tiên tiến nhất trên thế giới góp phần vào nâng cao công tác điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Trí Thức Trẻ