Ba bài học lớn từ cố Thủ tướng Phan Văn Khải của PGS Vũ Minh Khương
Chèo lái nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn bộn bề, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn nhận thức rõ trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó; không chỉ biết dùng người hiền tài mà luôn có ý thức học hỏi từ thế giới.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo ở một thời kỳ có thể nói thách thức nhất đối với Việt Nam trong giai đoạn đổi mới. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 làm các nền kinh tế Đông Á sa sút và mất đi lòng tin của các nhà đầu tư. Việt Nam còn gặp vô vàn khó khăn về hạ tầng cơ sở và hệ thống pháp lý.
Cơ hội từ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công ngiệp 4.0 mới chỉ le lói xuất hiện. Kinh tế tư nhân mới chỉ manh nha và còn chịu rất nhiều kỳ thị và phân biệt đối xử. Trong khi đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo trụ cột đầu tiên không có công trạng trong chiến tranh nên việc chèo lái quá trình chuyển đổi tư duy ở Việt Nam không phải là dễ dàng.
Trong vai trò người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã mạnh dạn đưa Việt Nam tham gia hội nhập với việc ký kết Hiệp định Thương Mại Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2000 và chỉ đạo hoàn tất việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thủ tướng cũng chỉ đạo để Việt Nam nắm bắt mạnh mẽ cuộc cách mạng Công nghệ Thông tin. Với việc Internet được chính thức triển khai năm 1997, Việt Nam, từ một nước chịu thiệt thòi rất nhiều do nghèo nàn và cô lập về thông tin, đã nhanh chóng vượt qua nhiều nước trong khu vực và trở thành một quốc gia năng động hàng đầu trong nắm bắt cuộc cách mạng này.
Nhắc đến những thành tựu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, không thể không đề cập luật doanh nghiệp được chính thức bắt đầu soạn thảo vào năm 1998 và ra đời năm 1999. Theo các chuyên gia tham gia, ban soạn thảo luật dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải muốn biến luật này thành luật chung sử dụng thống nhất cho cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với thành phần kinh tế tư nhân.
Luật doanh nghiệp được coi là một cải cách đột phá; nó đã góp phần giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một nền kinh tế năng động nhờ sự phát triển nhanh và sống động của khu vực kinh tế tư nhân.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất bình dị nhưng ấn tượng về ông thường khắc rất sâu trong những người đã có dịp gặp, dù chỉ thoảng qua. Có lẽ ông là hiện thân truyền lại ba bài học lớn cho thế hệ sau, đặc biệt là những người có cương vị cao.
Thứ nhất, ông luôn "thấy trọng trách mà mình được Đảng và Nhà nước giao là việc rất khó và là món nợ lớn với dân". Ông luôn trăn trở và lắng nghe địa phương và chuyên gia để tìm lời giải từ thực tế và lý luận.
Tôi được tham gia một số cuộc gặp với ông khi còn công tác ở Hải Phòng và tinh thần mọi cuộc họp đều toát nên lòng tâm huyết và sự chí tình. Đặc biệt, khi lãnh đạo Hải Phong lên gặp Chính phủ báo cáo đề án thành lập đặc khu kinh tế vào năm 1997, ông giành nhiều thời gian lắng nghe, trao đổi. Ông có nói, nếu xin được Đảng ủng hộ thì Chính phủ sẽ ủng hộ hết lòng.
Thứ hai, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất biết dùng người hiền tài. Những người được ông trọng dụng như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Thương mại Nguyễn Đình Tuyển, và các thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đặc biệt là bác Trần Đình Nguyên, bác Trần Việt Phương, chị Phạm Chi Lan, TS. Lê Đăng Doanh đều là những người ưu tú về cả tâm và tầm.
Tôi có may mắn được làm việc với những con người tinh hoa này và thấu hiểu tại sao Việt Nam ta trường tồn cho dù khó khăn và thách thức đến đâu.
Thứ ba, Thủ tướng Phan Văn Khải truyền lại cho thế hệ sau ý thức học hỏi. Ông đặc biệt coi trọng góp ý của nhóm chuyên gia Harvard, do ngài Thomas Vallely và Tiến sĩ David Dapid đứng đầu. Việc gặp gỡ nhóm này khá thường xuyên giúp ông có cái nhìn sắc bén và khách quan về những thách thức và cơ hội trên lộ trình phát triển của Việt Nam.
Trong chuyến thăm Mỹ năm 2005, Harvard là một trong những điểm tiếp xúc quan trọng trong lộ trình của ông và tôi có may mắn tham gia cuộc gặp của sinh viên Việt Nam tại Harvard với ông.
Phó giáo sư/Tiến sĩ Vũ Minh Khương đang làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ông chủ yếu nghiên cứu và giảng dạy về phát triển kinh tế và phân tích chính sách. Ông cũng đồng thời là giáo sư thỉnh giảng về Chính sách Công của Đại học Nazarbayev, Kazakhstan.
Phó giáo sư Vũ Minh Khương là tác giả của 2 cuốn sách, hơn 20 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và rất nhiều các bài phân tích trên các tờ báo khu vực và quốc tế. Trước khi đi theo con đường học thuật, ông từng giữ nhiều chức vụ trong bộ máy hành chính Việt Nam, bao gồm Phó chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đình Vũ và Nghiên cứu viên tại Ban Cố vấn của Thủ tướng.
Tốt nghiệp bằng Cử nhân Toán tại Đại học Hà Nội, ông tiếp tục theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Tiến sĩ tại Đại học Harvard. Trước khi làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ông từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Suffolk, Boston, Mỹ và Đại học Keio, Tokyo.