MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà mẹ ở TP.HCM nhất quyết chọn trường không có camera cho con và lời giải thích hợp lý

25-11-2022 - 20:47 PM | Sống

'Chiếc mắt thần' bé xíu đôi khi lại đóng vai trò then chốt khi phụ huynh tìm trường mầm non cho con.

Bên cạnh cơ sở vật chất, giáo viên có trình độ sư phạm tốt, yêu thương trẻ thơ... thì camera - chiếc "mắt thần" bé xíu là một trong những yếu tố quan trọng để phụ huynh quyết định có cho con theo học tại môi trường đó hay không. Nhiều người cũng cho rằng, camera giúp họ đỡ nhớ con và thấy con mình ăn ngủ như thế nào ở trường. Nhưng cũng có người nhất quyết phải chọn trường có camera bởi lo lắng con bị đối xử "không thân thiện"... Chưa kể, làm việc trong môi trường có ghi hình, cô giáo cũng có ý thức, hành xử với trẻ đúng mực hơn.

Quan trọng là thế nhưng nhiều trường mầm non vẫn nhất quyết "nói không" với việc cung cấp camera cho phụ huynh, dù những người quản lý thừa biết đây sẽ là một "điểm trừ" khiến họ mất đi nhiều học sinh tiềm năng. Tại sao vậy?

Với chị Trang (30 tuổi, TP HCM), một phụ huynh từng làm việc ở trường quốc tế và có con đang học tại trường mầm non không camera thì có 3 lý do chính:

Bà mẹ ở TP.HCM nhất quyết chọn trường không có camera cho con và lời giải thích hợp lý - Ảnh 1.

Chị Trang chọn trường không có camera cho con.

1. Bảo mật hình ảnh của các bé. Một số trường mầm non theo phương pháp Montessori, Reggio Emilia... hay các trường quốc tế sẽ khá gắt gao trong vấn đề này, thậm chí giáo viên không được chụp ảnh riêng của các bé. Và với nhiều phụ huynh, họ không thích hình ảnh riêng tư của con mình bị lộ ra bên ngoài.

"Có đợt cô giáo của Mỡ nhà mình kể em tuột quần cầm quay vòng vòng chạy khắp lớp. Nếu có camera đồng nghĩa phụ huynh khác cũng xem được, lỡ đâu họ thấy hài hước quá, xong record lại đăng tiktok cho vui, thì có phải tự dưng con mình bị nổi tiếng kỳ quặc không. Vậy nên đối với mình, không cung cấp camera cũng là một cách bảo vệ con", chị Trang nói.

2. Tập cho bé tính bảo vệ sự riêng tư. Đối với các bé lớn, nếu biết được ba mẹ luôn giám sát mình thì vô tình đã tạo áp lực cho các con phải luôn thể hiện tốt. Lỡ đâu một ngày, mẹ đưa điện thoại ra quay cảnh con không phát biểu, con chừa đồ ăn… tương lai xa, con sẽ mặc định việc bị theo dõi quan sát là bình thường, không có ý thức bảo vệ sự riêng tư của mình, điều này không hề tốt chút nào.

3. Bảo mật giáo trình - phương pháp giảng dạy của trường, tôn trọng giáo viên. Điều này cũng tùy trường, tuy nhiên để giảng dạy được các phương pháp học giúp trẻ phát triển toàn diện thì thầy cô và nhà trường phải bỏ chất xám ra rất nhiều, không khó để thông cảm cho họ về vấn đề bảo mật này; Ngoài ra, sự tôn trọng giáo viên là cần thiết.

Có nhiều trường hợp phụ huynh xem camera và cho rằng giáo viên không quan tâm con mình, vì gọi bé ít hơn bạn A, hoặc phụ huynh đánh giá giáo viên thông qua việc xem cam… đặc biệt môi trường mầm non là cô giáo nữ, những việc nhạy cảm hoàn toàn có thể xảy ra.

Khi bé Mỡ nhà chị Trang đi học, thời gian đầu sẽ được cô giáo cập nhật ảnh riêng cho phụ huynh. Đến khi bé quen lớp, tầm 1 tuần, thì cô sẽ chỉ cung cấp ảnh vào mỗi cuối ngày thông qua app Little Family Room. Mỗi cuối ngày trả bé cô cũng sẽ trao đổi qua với ba mẹ về 1 ngày của con nếu có phát sinh.

Bà mẹ ở TP.HCM nhất quyết chọn trường không có camera cho con và lời giải thích hợp lý - Ảnh 2.

Khi bé Mỡ nhà chị Trang đi học, thời gian đầu sẽ được cô giáo cập nhật ảnh riêng cho phụ huynh

Chị Trang cho rằng, việc không cung cấp camera cũng hoàn toàn có thể hiểu được, miễn là các con học ngoan, yêu thích đi học. Những bé chưa biết nói, cách con bám cô là thể hiện được việc các cô có yêu trẻ không. Bé Mỡ đi học về vui vẻ, đến trường là với tay theo cô luôn, chị tin trường không có vấn đề vì con là camera tốt nhất.

Khi quyết định "chọn mặt gửi con", cần nhất là sự tin tưởng

Nói về vấn đề tại sao nhiều trường mầm non, trong đó có các trường theo phương pháp Montessori thường không có camera, hoặc có camera chỉ để quản lý nội bộ chứ không cho phụ huynh xem trực tuyến, chị Hà Ngọc Nga, quản lý Trường mầm non Tatuschool (TP.Thủ Đức) chia sẻ:

"Lớp học Montessori là mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường được chuẩn bị - đứa trẻ - giáo viên. Trong mối tương quan đó, giáo viên phải là người dõi theo thầm lặng, vừa biết tiến vừa biết lùi, "mắt và trí óc luôn để ý đến trẻ, nhưng đôi tay thì phải biết tiết chế giấu sau lưng mình, can thiệp đúng lúc, đúng chỗ". Trong môi trường đó, bé phải là người làm chủ không gian, được tự do trong giới hạn và được là chính mình (khóc, cười, buồn, vui, đôi khi ăn vạ...). Muốn giáo viên và trẻ có được điều đó, lớp học phải thực sự là NGÔI NHÀ của bé.

Thử hình dung xem ngôi nhà của chúng ta có camera cho người khác ngó vào 24/7, mà không phải 1 đôi mắt mà là 40-50 đôi mắt, rồi thỉnh thoảng có điện thoại gọi hỏi vặn vẹo đủ điều thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Dù bạn là người hoàn hảo thì liệu bạn có được là chính mình trong không gian ngôi nhà của mình không?", chị Nga nói.

Ở góc độ khác, chị Ngọc Nga cho rằng, camera chỉ tốt cho người lớn quản trị nhưng không hề tốt cho tâm lí giáo viên và trẻ, lẫn phụ huynh. Bạn làm việc và mở camera ra xem con làm gì, con ăn được bao nhiêu, con học gì, thấy con té lập tức bốc điện thoại hỏi cô sao vậy, thấy con khóc bốc điện thoại gọi cô sao con khóc?... Vậy bạn đang gắn chặt thêm con vào chính mình mà không cho con cơ hội được phân tách hoàn toàn với cha mẹ về mặt tâm lý (giai đoạn lúc đi học cần nhất sự phân tách lành mạnh về tâm lý để con được phát triển).

Giáo viên thì có camera dù có đủ năng lực đến đâu cũng cảm thấy mình bị giám sát thô bạo từ bên ngoài. Và gia đình, giáo viên không ổn (Mối quan hệ tin tường được xây dựng không hoàn toàn dựa vào sự tin tưởng sâu sắc) vậy ai là người hưởng sự thiệt thòi đó: Chính là đứa trẻ!

Theo chị Nga, chọn trường Montessori khi chọn phải rất kỹ nhưng khi quyết định chọn mặt gửi con rồi thì bố mẹ phải RẤT THOẢI MÁI, tin tưởng vào giáo viên và môi trường, có như vậy bé mới thực sự tìm được ngôi nhà cho tuổi thơ của mình!

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên