MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo căn bệnh khiến "tê chân, chuột rút về chiều": Phụ nữ thường đi giày cao gót cần hết sức lưu ý

28-11-2020 - 13:54 PM | Sống

Tê chân, chuột rút, nặng chân về chiều là những dấu hiệu ban đầu của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Đây là căn bệnh ngày càng phổ biến, nhất là đối tượng nữ, bệnh có xu hướng tăng theo tuổi.

Suy van tĩnh mạch mạn là bệnh lý thường gây phù nề chi dưới, thay đổi da, và khó chịu do tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới. Đây là bệnh lý phổ biến, gây giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất làm việc.Bệnh suy tĩnh mạch mạn bản chất có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể. Tuy nhiên là bệnh thường xảy ra nhất là ở các tĩnh mạch chân do hệ thống tĩnh mạch chân dài, cấu tạo phức tạp thường phải chịu áp lực lớn.

1/4 người Việt Nam trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch

Trong chương trình Nhịp sống số, Đài truyền hình Hà Nội, ThS, BS Lê Nhật Tiên, Phó khoa nội, can thiệp tim mạch – hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia sẻ những điều cần biết về căn bệnh nhiều người mắc này.

Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng. Các nghiên cứu lớn ở châu Âu, Mỹ cho biết, có khoảng 40% dân số trưởng thành mắc bệnh lý này, tiêu tốn chi phí điều trị lên tới hàng tỷ đô la/năm.

Tại Việt Nam, có khoảng 1/4 người trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch và bệnh này thường hay bị bỏ xót vì có nhiều triệu chứng dễ bị nhầm lẫn hoặc chủ quan bỏ qua.

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo căn bệnh khiến tê chân, chuột rút về chiều: Phụ nữ thường đi giày cao gót cần hết sức lưu ý - Ảnh 1.

Bác sĩ Tiên cho biết: "Nhiều người khi thấy tê chân, căng bắp chân, chuột rút không thường xuyên liền bỏ qua nghĩ là bệnh thông thường. Tuy nhiên bệnh này cần phát hiện sớm, dễ dàng hơn công tác điều trị.

Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình một ngày có 20 bệnh nhân đến khám vì bệnh lý tĩnh mạch, tăng dần theo các năm và trẻ hóa dần. Tỷ lệ bệnh nhân đến khám ở các chuyên khoa nội thần kinh hay thần kinh cột sống vì tê chân hoặc khám chuyên khoa da liễu xong mới chuyển sang khám tĩnh mạch khá cao, khoảng 20-30%.

Theo bác sĩ Tiên, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay gặp ở nữ giới hơn nam giới vì phụ nữ là đối tượng hay đi giày cao gót, mặc đồ bó, làm công việc đứng nhiều và đặc biệt, phụ nữ phải trải qua quá trình sinh nở.

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ có những hạn chế trong cơ chế chuyển máu từ chân về tim, sự hồi lưu tĩnh mạch kém hơn. Đặc biệt, trong lúc nằm nghỉ ngơi hay ngủ, bà bầu thì bị chèn ép tĩnh mạch đùi, khung chậu. Bên cạnh đó, các hormone ở nữ giới cũng làm tăng sự nhạy cảm với suy giãn tĩnh mạch.

Bác sĩ Tiên cũng dẫn chứng một ca điều trị cho một sản phụ trẻ 24 tuổi bị suy giãn tĩnh mạch nặng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sản phụ đã giãn tĩnh mạch mạng nhện sau khi sinh xong bé đầu với biểu hiện các tĩnh mạch như giun ở dưới da. Khi sinh nở lần thứ 2, tình trạng suy giãn nặng hơn. Chỉ sau khi sinh xong em bé một tháng, sản phụ bị huyết khối tĩnh mạch, nguy hiểm tính mạng.

Trong thời gian qua, theo kết quả thống kê của chương trình phối hợp giữa bệnh viện với một số trường học tầm soát cho thầy cô giáo cho thấy, tỷ lệ các giáo viên giãn tĩnh mạch cao hơn so với tỷ lệ chung của cộng đồng, khoảng 20-30%.

Bệnh diễn tiến âm thầm, phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót, đứng làm việc dễ bỏ qua dấu hiệu ban đầu

ThS.BS Lê Nhật Tiên chỉ ra, suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại, gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó chữa như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu…

Bác sĩ Tiên cho biết, suy giãn tĩnh mạch nông có thể nhìn thấy ngoài da, nhưng suy giãn tĩnh mạch sâu sẽ không nhìn thấy vì nó nằm sâu ở trong cơ đi cùng động mạch. Bệnh lý suy giãn tĩnh mạch diễn tiến âm thầm, từ từ. Bởi vậy, nhiều người bỏ qua triệu chứng ban đầu. Bác sĩ khẳng định, đây là bệnh lý có thể điều trị khỏi, dứt điểm và quan trọng nhất là phải điều trị dự phòng, sau đó sẽ điều trị theo giai đoạn và kết hợp đa mô thức điều trị.

"Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay nhầm lẫn với thần kinh cột sống thắt lưng, bệnh cơ xương vùng cẳng chân, đùi chân. Bệnh nhân có triệu chứng phù chân, chuột rút, tê bì, thậm chí cảm giác căng mỏi bắp chân về cuối ngày và một số trường hợp ngâm chân nước lạnh hoặc gác chân cao thấy nhẹ hẳn đi thì cần đi gặp bác sĩ để bác sĩ cho khám, khi nghi ngờ làm siêu âm doppler mạch sẽ phát hiện dòng trào ngược hệ thống tĩnh mạch sâu. Với thời gian của dòng trào ngược trên 900 ms thì được tính suy giãn tĩnh mạch sâu", bác sĩ Tiên nói.

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo căn bệnh khiến tê chân, chuột rút về chiều: Phụ nữ thường đi giày cao gót cần hết sức lưu ý - Ảnh 2.

ThS.BS Lê Nhật Tiên, Phó khoa Nội, can thiệp tim mạch – hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: FB Bệnh viện hữu nghị Việt Đức

Bàn về mức độ nguy hiểm của bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, bác sĩ Tiên cho hay, có khá nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh lý này muộn do bệnh tiến triển âm thầm. Đến khi bệnh nhân bị các biến chứng như chàm da, sạm da vùng cẳng bàn chân, có người bị loét bàn chân mới đi khám chuyên khoa da liễu, lúc đó mới phát hiện có suy giãn tĩnh mạch.

Đặc biệt, biến chứng muộn của bệnh lý này là giãn tĩnh mạch nhiều, ứ trệ ở chân thành búi tĩnh mạch cuộn âm hình thành huyết khối dẫn đến tình trạng thuyên tắc tĩnh mạch, máu không hồi lưu được trở về, làm toàn bộ chân sưng phù lên, đau đớn.

"Nguy hiểm nhất là huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong. Một trong nhưng nguyên nhân đột tử do suy giãn tĩnh mạch nặng. Đã có trường hợp có người sau 6-8 giờ ngồi trên máy bay bị suy giãn tĩnh mạch mà đột tử", bác sĩ nhấn mạnh.

Bác sĩ Tiên khuyến cáo, thói quen đi giày cao gót khiến việc vận cơ ở vùng bàn chân khó hơn so với người đi giày bằng. Kèm theo đó, nhiều phụ nữ hay mặc quần áo bó nên khi ngồi, toàn bộ vùng chậu hông và đùi sẽ ép vào phần mềm trong đùi làm hồi lưu tĩnh mạch khó hơn. Vì thế, BS Tiên khuyến cáo chị em nên chọn trang phục rộng rãi, đi đôi giày có chiều cao vừa phải.

Với những phụ nữ bị suy giãn tĩnh mạch nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng biện pháp dự phòng để không triệu chứng tiến triển tăng thêm. Tuy nhiên, với những người làm nghề nghiệp phải đứng nhiều, ngồi nhiều mà thường xuyên có triệu chứng tê bì nên đeo tất áp lực dự phòng để mức áp lực nhẹ với chân, thường dưới 15mm thủy ngân tránh làm giãn tĩnh mạch ra.

Đối với nghề giáo viên, đặc biệt với các cô giáo, nếu trong quá trình làm việc đứng nhiều nếu có dấu hiệu phù chân cuối ngày hay tê bì, mỏi nặng chân nên tranh thủ ngồi và có những bài tập mũi bàn chân tăng cường vận cơ hồi lưu tĩnh mạch. Khi có triệu chứng giãn tĩnh mạch kèm theo triệu chứng cơ năng phù chân, mỏi chân, tê chân nên đi khám bác sĩ để được tư vấn đeo tất áp lực dự phòng.

Thiên An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên