MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ viện K giải thích tác hại của thức khuya và ăn đồ chiên rán: Có ảnh hưởng sức khỏe, nhưng không trực tiếp gây ung thư gan

27-11-2018 - 14:35 PM | Sống

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Hương (hiện đang công tác tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều), việc thức khuya và ăn đồ chiên rán đương nhiên có ảnh hưởng ít nhiều tới sức khoẻ và hại gan, nhưng đây không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư.

Nhiều ngày qua, những chia sẻ của Bảo Yến - một giáo viên trẻ mới 24 tuổi, lập gia đình được 1 năm, vừa phát hiện bị ung thư gan giai đoạn 3, khiến tất thảy chúng ta, nhất là những người trẻ trăn trở về thói quen sống hàng ngày. 

Yến kể, ung thư gan đến với cô không hề được báo trước thông qua các dấu hiệu bệnh như những loại ung thư khác. Một cách nhẹ nhàng cho lần đi khám tổng quát cùng chồng, bác sĩ phát hiện khối u lớn trong gan. Trong vòng 4 ngày, Yến đi khắp 4 bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội, và cuối cùng "hạ cánh" tại Bệnh viện quân đội 108 với chẩn đoán: ung thư gan, không thể cứu chữa! Nhưng cô vẫn quyết định nhập viện để cầm cự cho đến ngày cuối cùng. Tại đây, các bác sĩ tư vấn, "xạ trị chiều trong chọn lọc" là cơ hội duy nhất của Yến. 

Bác sĩ viện K giải thích tác hại của thức khuya và ăn đồ chiên rán: Có ảnh hưởng sức khỏe, nhưng không trực tiếp gây ung thư gan - Ảnh 1.

Bảo Yến - nữ giáo viên Hà Nội vô cùng lạc quan trước mầm bệnh ung thư gan.

Theo chia sẻ của cá nhân Bảo Yến, cô nghĩ rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan là do cách sống cũng hơi buông thả trước đây. Cụ thể, cô thức khuya nhiều, đầu tư lượng lớn thời gian và công sức vào công việc, thậm chí có những hôm thức trắng đêm. 

"Thường, bọn mình ngủ lúc 1, 2h sáng, cường độ công việc và áp lức đè nặng. Chính vì thế, hai vợ chồng toàn ăn cơm hàng quán vì không có thời gian nấu ăn. Ăn uống linh tinh, cứ hàng bún hàng phở mà ăn thôi cho nhanh. Rồi trà sữa, gà rán,... Thành thử, chúng ta đang vô tình bỏ mặc sức khoẻ của bản thân, chỉ đến khi phát bệnh mới muộn màng nhận ra" - Yến nói.

Trước câu chuyện mắc ung thư gan khi mới 24 tuổi - độ tuổi có thể xem là còn cả cuộc đời phía trước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Phạm Thị Việt Hương, hiện đang công tác tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều để rõ hơn về nguyên nhân và tác hại của 2 thói quen mà hầu hết người trẻ nào cũng có.

Bác sĩ viện K giải thích tác hại của thức khuya và ăn đồ chiên rán: Có ảnh hưởng sức khỏe, nhưng không trực tiếp gây ung thư gan - Ảnh 2.

TS.BS Phạm Thị Việt Hương.

Theo bác sĩ Hương, trước hết thức khuya và ăn đồ chiên rán đương nhiên có ảnh hưởng ít nhiều tới sức khoẻ và hại gan, nhưng đây không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư. 

"Bản thân thức khuya không trực tiếp gây ung thư gì cả, kể cả ung thư gan. Thức khuya sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, như mình chóng già, bạc tóc, lượng công việc quá tải dẫn tới về lâu về dài cơ thể sẽ bị lão hoá nhanh, giảm sức đề kháng miễn dịch. Ăn đồ chiên rán cũng không gây ra ung thư gan. Chế độ ăn uống phi khoa học chỉ làm cho chức năng gan bị kém đi, gan phải làm việc nhiều, phải chuyển hoá đồ mỡ vốn dĩ khó chuyển hoá" - bác sĩ Hương thông tin.

Theo đó, "thủ phạm" chính gây ra ung thư gan chủ yếu là virus viêm gan B. Chính loại virus này làm tăng nguy cơ ung thư gan. 

"Vốn dĩ ung thư gan được phát hiện trên nền tảng viêm gan B. Ví như từ trẻ đến giờ mình bị viêm gan B, thì đến 50, 60 tuổi nó làm tăng nguy cơ ung thư. Tức là người ta thấy rằng trong một cộng đồng mấy nghìn người bị viêm gan B chẳng hạn, thì tỷ lệ họ mắc ung thư gan cao hơn so với cộng đồng không bị viêm gan B" - bác sĩ cho biết.

Lý giải việc tỷ lệ mắc ung thư nói chung ngày càng cao trong xã hội, TS.BS Việt Hương khẳng định, sự phát triển của y học giúp phát hiện được nhiều loại ung thư thông qua các phương tiện chẩn đoán. Môi trường ngày càng độc hại, chúng ta sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo hoặc lạm dụng thuốc lá, rượu bia...

Bác sĩ viện K giải thích tác hại của thức khuya và ăn đồ chiên rán: Có ảnh hưởng sức khỏe, nhưng không trực tiếp gây ung thư gan - Ảnh 3.

Bác sĩ cũng đánh giá, tình trạng nhiều người trẻ mắc ung thư ngày càng đáng báo động.

"Thường ung thư được cho là liên quan đến sự tích luỹ, nghĩa là mình sống lâu trên đời mình đang dần "dồn" bệnh vào người. Nhưng bây giờ, một người trẻ hai mấy tuổi, hay thậm chí là một đứa trẻ khi sinh ra, chưa kịp tiếp xúc gì với cuộc sống cũng dễ bị ung thư. Đây là thực trạng đáng lo ngại, mình phải nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, ăn uống hợp vệ sinh, sống lành mạnh, tập thể dục, có nếp sống hợp lý hơn".

Trả lời về thắc mắc cơ chế thải độc của gan, bác sĩ Hương phủ nhận việc gan thường thải độc vào khoảng 1-3h sáng. Nữ tiến sĩ cho hay, chuyển hoá qua gan tuỳ từng món văn và loại thuốc, tuỳ thể trạng từng người. 

"Có những món ăn gan sẽ thải độc luôn, nhưng cũng có những thứ đồ độc hại, hoá chất sẽ được chuyển hoá, tích luỹ qua gan. Việc này tuỳ từng chất, từng bệnh nhân, chứ không cố định mấy giờ thải độc. Để sự thải độc gan tốt nhất có thể, mình phải đảm bảo có một lá gan lành mạnh, không nghiện rượu bia, không mắc xơ gan, ăn uống đừng nặng gánh cho gan. Chứ gan có phải như nhà máy đâu mà đến giờ mình mở gan thải độc".

Theo Minh Nhân

Trí thức trẻ

Trở lên trên