"Bậc thầy" dụng nhân Park Hang-seo: Tuổi 59 mới ra nước ngoài cầm quân, giúp Việt Nam tạo nên kỳ tích ở làng túc cầu châu Á
Park Hang-seo từng là cái tên khá lạ lẫm với cả người hâm mộ bóng đá Hàn Quốc. HLV này từng cố gắng gây dựng sự nghiệp tại quê hương, nhưng cuối cùng lại thành danh ở mảnh đất hình chữ S.
- 16-08-2022Cô gái bỏ việc lương cao lấy chồng nghèo, cưới xong bán vàng khởi nghiệp, giờ thành bà chủ
- 16-08-2022Gen Z được quan tâm nhất, còn Gen Y 'gánh việc còng lưng' thì sao?
- 16-08-2022Thạc sĩ Đại học Kinh tế London mang vết sẹo 30cm đi thi Hoa hậu, tự hào kể câu chuyện dũng cảm chống lại bệnh tật
Huấn luyện viên 'ba chìm bảy nổi'
Ít ai biết rằng trước khi trở thành HLV, Park Hang-seo từng thành danh ở vị trí tiền vệ với những đường chuyền ngắn và nhanh lúc còn thi đấu. Ông thậm chí từng được gọi lên khoác áo đội tuyển Hàn Quốc, thế nhưng sự nghiệp thi đấu của ông chỉ kéo dài đến năm 1988 thì giải nghệ.
Sau đó, Park Hang-seo bắt tay vào công tác huấn luyện và gắn bó với các CLB của Hàn Quốc suốt thập niên 90 với vai trò trợ lý. Bước ngoặt đến với ông khi được chọn làm trợ lý HLV đội tuyển Hàn Quốc dưới quyền HLV Guus Hiddink. Bộ đôi này chính là nhân tố giúp Hàn Quốc lập nên kỳ tích đứng hạng tư World Cup 2002.
Sau World Cup, Hiddink từ chức. Park Hang-seo được kỳ vọng sẽ trở thành người kế thừa những gì Hiddink để lại. Tuy nhiên trái với những gì mong đợi, Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc chưa bao giờ tin tưởng ông cho vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Cơ hội trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia lại được trao cho Kim Ho-gon, một người dày dạn kinh nghiệm hơn, còn Park Hang-seo bị giao một trọng trách nặng nề là trở thành HLV trưởng đội tuyển U23 Hàn Quốc dự ASIAD 2002 tổ chức tại Busan.
Với chỉ tiêu là phải giành chức vô địch nhưng đến cuối cùng, Hàn Quốc dừng bước ở bán kết ASIAD, Park Hang-seo bị sa thải. Ông thừa nhận một cách cay đắng: “Với tư cách HLV trưởng, tôi xin lỗi tất cả các bạn. Chúng tôi đã phải chịu quá nhiều áp lực từ vị trí thứ 4 tại World Cup”. Lần cuối làm việc tại một đội tuyển cấp quốc gia của ông kết thúc chóng vánh như vậy.
Sau đó, Park Hang-seo trở về tìm kiếm hợp đồng với các câu lạc bộ tại K.League nhưng không có bất kỳ thành tích nào nổi trội. Sau 15 năm kể từ khi rời đội tuyển Hàn Quốc, ông trượt dần từ hạng nhất K.League rồi xuống hạng hai, hạng ba. Khi mà "hào quang World Cup 2002" đã lùi xa vào quá khứ, trong mắt người mộ bóng đá Hàn Quốc, ông chỉ là chiếc bóng của Guus Hiddink để lại.
Ra nước ngoài 'cầm quân' ở tuổi 59
Những tưởng sự nghiệp của HLV Park Hang-seo sẽ kết thúc như vậy ở Hàn Quốc, thế nhưng ông lại có cơ hội mới là dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Đến mảnh đất hình chữ S ở tuổi 59, cái tuổi mà đa số người có thể bắt đầu những kế hoạch của tuổi già thì Park Hang-seo bắt đầu cống hiến những kinh nghiệm tuổi trẻ của mình.
Đây cũng là lần đầu tiên ông nhận một công việc ở ngoài lãnh thổ quê nhà, dù biết sẽ gặp nhiều thử thách nhưng nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn sẵn sàng đương đầu vì biết cơ hội đôi khi không đến quá một lần trong đời.
Ngày nhận chức HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo gây ấn tượng bằng tuyên bố: "Tôi sẽ đưa đội tuyển Việt Nam vượt khỏi phạm vi Đông Nam Á, vươn tầm châu Á". Mong muốn của ông là đưa bóng đá Việt vươn xa hơn chứ không chỉ mãi vẫy vùng trong khu vực. Tuy nhiên, với bối cảnh đội tuyển quốc gia chưa vô địch Đông Nam Á lần nào kể từ AFF Cup 2008 thì những lời nói của ông khi đó đã dấy lên nghi ngờ về mức độ hiểu biết bóng đá Việt Nam của vị HLV người Hàn. Ấy vậy mà ông đã hiện thực hóa điều đó.
Năm 2018 tại Thường Châu, Trung Quốc, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, dù U23 Việt Nam thua 1-2 trước U23 Uzbekistan nhưng đây vẫn là một cột mốc quan trọng của bóng đá Việt. Đội tuyển U23 thất bại nhưng là thất bại trong trận chung kết đầu tiên của bóng đá nước nhà tại sân chơi châu lục. Trong mưa tuyết, những đôi chân lần đầu chạy trên nền cỏ đầy tuyết trắng của các cầu thủ đã tạo nên vô vàn những khoảnh khắc đi vào lịch sử, đi vào lòng người hâm mộ.
Tạo nên những kỳ tích khó quên
Từng chịu nhiều nghi ngờ về năng lực, chiến lược gia người Hàn Quốc đã thích ứng và hòa hợp rất nhanh với bóng đá Việt Nam. Không những thế, bằng khả năng "cầm quân" tài tình của mình, ông đã giúp đội gặt hái được rất nhiều chiến tích vẻ vang xưa nay hiếm.
Với đội tuyển quốc gia, ông giúp đội vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019, đoạt Á quân King's Cup 2019 và lần đầu vào vòng loại cuối cùng của World Cup.
Với cấp đội U22 và U23, ông giúp bóng đá Việt Nam có Huy chương vàng SEA Games 2019 sau 60 năm chờ đợi, giúp U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân giải U23 Châu Á 2018, đứng hạng 3 giải giao hữu M150 Cup tại Thái Lan. Với đội Olympic, ông giúp đội vào bán kết môn bóng đá nam ASIAD 2018 sau khi đã vô địch giải Tứ hùng Cup trên sân nhà.
SEA Games 31 là giải đấu cuối cùng HLV Park Hang Seo dẫn dắt lứa trẻ của Việt Nam. Tại đây, U23 Việt Nam đã vượt qua U23 Thái Lan ở chung kết SEA Games 31 để bảo vệ ngai vàng Đông Nam Á.
Quả thực, với những thành công liên tiếp đó, Park Hang-seo chính là huấn luyện viên giàu thành tích nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, hơn cả một danh hiệu, đó là sự thừa nhận về tài năng. Với HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt không chỉ thay đổi về chiến thuật cũng như cách nhìn, cách tập luyện, mà còn thay đổi cả tư duy của các cầu thủ Việt. Thứ họ tìm thấy ở ông là niềm tin của một người thầy luôn chơi ra chơi, học ra học.
Ông Park hôm nay đã không còn là cái bóng của HLV Guus Hiddink để lại. Ông đã chứng minh nó bằng hành động, bằng những vinh quang đạt được cùng bóng đá Việt Nam. Chính ông đã rút ngắn cách biệt giữa bóng đá Việt Nam với phần còn lại của châu Á, đồng thời lấy lại được sự nể trọng từ những đồng nghiệp quê nhà. Giờ đây, ông đã có thể ngẩng cao đầu tự hào về những gì mình đã làm được, ở những năm cuối cùng sự nghiệp.
(Tổng hợp)
Trí Thức Trẻ