MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bậc thầy mưu trí Trang Tử chỉ dạy 9 chữ "Mắt không nhìn - Tai không nghe - Tâm không nghĩ": Hiểu thấu trước năm 35 tuổi, ai ai cũng làm nên nghiệp lớn

09-05-2019 - 23:06 PM | Sống

Những câu nói tưởng chừng giản đơn của Trang Tử nhưng trải qua nghìn năm vẫn còn nguyên giá trị lớn khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Sống trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội, Trang Tử được coi là nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc. Một người "thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn" để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội, một Đạo gia "phóng nhiệm", "tài tử", "ngông" và đầy sáng tạo. Ông để lại rất nhiều bài học lớn ẩn sâu trong vài câu nói mà chỉ những người thật sự chiêm nghiệm và đào sâu mới có thể chạm tới ý nghĩa thật sự của chúng.

01.

Cách tốt nhất để chống lại sự cám dỗ chính là không tiếp cận nó. Mắt không nhìn, tai không nghe, tâm không nghĩ. Thần hình hòa hợp, hình mới trường sinh. Trong thận trọng, ngoài kín kẽ, hiểu nhiều dễ thua.

Câu nói này có thể hiểu như sau: Hạn chế nhìn mọi thứ bằng mắt, nghe mọi thứ bằng tai và suy xét quá nhiều bằng tâm trí. Khi ấy, tinh thần của bạn sẽ hòa hợp với hình thức và hình thức sẽ phát triển lâu bền. 

Hãy đối xử với chính bản thân một cách thận trọng, không chịu ảnh hưởng từ những yếu tố tác động bên ngoài. Giữ tâm trí kiên định và hiểu rõ gốc rễ thất bại của vấn đề.

Lão Tử nói: "Ngũ sắc làm cho mắt người ta nhìn không thấy; ngũ âm làm cho tai người ta nghe không ra; ngũ vị khiến người tê lưỡi, mất cảm giác; rong ruổi săn bắn, khiến tâm người nổi loạn, thứ khó được khiến người gây trở ngại cho chính mình."

Chính vì vậy, cách tốt nhất chống lại mọi cám dỗ chính là không tiếp cận nó. Làm người mà chú trọng theo đuổi cảm giác kích thích bản thân, cuối cùng sẽ gây hại chính mình, làm cho ngũ quan mất đi năng lực vốn có của nó. 

Làm người mà phóng túng dục vọng bản thân chính là cái sai lớn trong những sai lầm, không chỉ là hại thân mà còn khiến cho con người ta chìm đắm hưởng lạc, quên đi ý chí cầu tiến. 

Nếu tránh xa và không biết, không hiểu về những cám dỗ khát vọng bản thân mong muốn, chúng ta còn có thể giữ tâm sáng như gương, có mất cũng không loạn, có được cũng không tham. 

Có bảo vệ cẩn thận nhận thức trung thực về bản chất bên trong, chúng ta mới không bị ảnh hưởng bởi các hình thức khác nhau của thế giới bên ngoài. Cái gọi là kiến ​​thức và kinh nghiệm đôi khi dễ khiến chúng ta đánh mất bản chất và tránh xa sự thật.

Bậc thầy mưu trí Trang Tử chỉ dạy 9 chữ Mắt không nhìn - Tai không nghe - Tâm không nghĩ: Hiểu thấu trước năm 35 tuổi, ai ai cũng làm nên nghiệp lớn - Ảnh 1.

02.

02.

Con đường duy nhất đạt tới cảnh giới tự do chính là vô vi. Lấy vô vi để vật tự biến hóa. Bỏ qua hình thể, bỏ qua thông minh, bỏ qua vạn vật, giải phóng tâm thần.

Vô vi là trạng thái buông lỏng, để mọi thứ tùy theo tự nhiên, chính tự nhiên sẽ đẩy vạn vật tự sinh sôi, tự biến hóa. Hãy quên đi hình thể, từ bỏ trí thông minh, quên lãng cái tôi bên trong và cả ngoại vật bên ngoài để hòa mình với tự nhiên.

Con người tồn tại dưới một hình thể nhất định, hành xử lấy mình làm trung tâm và có nhận thức về vạn vật khách quan xung quanh dựa trên mức độ thực dụng và giá trị lợi ích của chính mình. 

Cái tôi ấy sẽ trở nên nặng nề và phá hủy sự vận chuyển vốn có của tự nhiên, đồng thời bị ảnh hưởng bởi tâm lý yêu - ghét cá nhân. Do đó, Trang Tử chủ trương quên đi sự tồn tại của hình thức và tâm trí, cũng chính là quên đi cái tôi của bản thân, loại bỏ mọi suy nghĩ về thị phi đúng sai để giải phóng tâm hồn và tinh thần hoàn toàn tự do.

03.

Phước lành lớn nhất trong cuộc đời là để mọi thứ tự nhiên. Vạn vật đều có gốc rễ, có vận mệnh, biến hóa tới đâu rồi cũng về với cội nguồn, cả đời không thay đổi.

Cho dù mọi thứ sinh ra khác biệt thì bản chất tự nhiên của chúng đều giống nhau và không hề thay đổi, đều đi từ sinh đến tử, lại từ ngọn về nguồn. Con người đến từ thiên nhiên và cuối cùng sẽ trở về với thiên nhiên. 

Sự sống và cái chết là quy luật tự nhiên của đất trời. Mọi người ai rồi cũng sẽ già nua và qua đời, mà không chỉ như vậy, rất nhiều người trẻ tráng niên cũng bất ngờ đối diện với cái chết mà không hay biết. Do đó, cuộc đời vốn không có gì cần so đo hay làm khó.

Sinh mạng tồn tại như ngày đêm luân phiên, bốn mùa vận hành. Chúng ta chỉ có thể thuận theo tự nhiên. Khi cuộc sống còn tồn tại thì còn trân trọng mọi thứ và nỗ lực hết mình.

04.

Lý do duy nhất khiến con người đau khổ chính là vật chất. Vượt qua vật chất, tự do tự tại, hòa hợp tạo hóa, tiêu dao đất trời.

Chỉ có người không có dục vọng, không có nhu cầu vật chất mới là kẻ mạnh nhất trên đời. Giữa thiên địa, giữa cuộc sống, con người cũng chỉ là một phần của vạn vật tự nhiên. 

Con người không phục vụ vật chất, cũng không phụ thuộc vật chất, thoát khỏi sự trói buộc do vật chất đem lại mới có thể du dương tự tại, tiêu dao tự đắc, làm kẻ tôn quý nhất giữa đất trời.

Cho dù có nhiều của cải và danh tiếng đến mấy mà không biết buông bỏ, có nhiều lại muốn nhiều hơn, tham lam vô độ không biết điểm dừng, đó chính là vướng mắc cuộc đời. Sống mà bị phụ thuộc mới là cuộc sống khốn khổ nhất.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên