MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bách Hóa Xanh phải giảm 1/2 mục tiêu cửa hàng, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vẫn khẳng định "Chẳng quan tâm Co.op Food chi, ai giỏi thì sẽ lấy được thị phần"

09-05-2018 - 11:26 AM | Doanh nghiệp

Theo ông Tài: "Thị trường này nó quá rộng, mô hình càng nhỏ thì cần vài ngàn cái mới phủ được đất nước này. Thế thì đâu có nhu cầu mà phải nhòm ngó nhau chi".

Câu chuyện Bách Hóa Xanh có lẽ chưa bao giờ nguội, khi Thế giới Di động (MWG) tầm cỡ một thời tuyên bố dốc toàn lực trong năm 2018, với dự kiến mở rộng độ phủ lên 1.000 cửa hàng. Và tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 3 vừa qua, khi cổ đông tỏ ra ái ngại rằng liệu Bách Hóa Xanh có đạt được mục tiêu đề ra, và nếu không đạt thì Công ty đã có đường lui gì? Nhấn mạnh giọng, CEO Trần Kinh Doanh thẳng thắn nhìn nhận 2 khó khăn lớn nhất Bách Hóa Xanh đang đối mặt là quản trị và doanh thu trung bình/cửa hàng, song vị này khẳng định Bách Hóa Xanh sẽ phải thành công!

Tuyên bố từ người trong cuộc là vậy, nhưng thực tế thị giá cổ phiếu MWG trên thị trường ngày càng giảm, nhà đầu tư theo đó đã lo lắng lại càng lo lắng hơn. Bình quân 6 tháng trở lại đây cổ phiếu MWG đã giảm 30% thị giá, từ đỉnh lịch sử 135.500 đồng/cp về 96.600 đồng/cp. Và đến hôm nay, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Tài mới chính thức thừa nhận lo lắng của thị trường xuất phát từ tình hình Bách Hóa Xanh và điều đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

"Tôi cảm nhận được biến động của giá cổ phiếu đến từ lo lắng cho một business mới chưa rõ ràng. Giai đoạn này sẽ còn tồn tại một thời gian nữa", ông Tài nói.

Thậm chí, trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích quý 1 mới đây, người cầm cương còn thừa nhận chiến lược đưa Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư là việc "hơi vội vàng", theo đó sẽ giảm chỉ tiêu số cửa hàng năm 2018 về 500 đơn vị. Ngay lập tức, Bách Hóa Xanh một lần nữa dậy sóng dư luận, phủ đầy trên báo giới, các CTCK cũng phân tích nhằm thông tin đến nhà đầu tư. Cổ phiếu MWG có vẻ cũng phản ứng nhanh chóng, phiên 8/5 giảm 2,4 điểm về mức giá 105.600 đồng/cp, mặc cho những phiên trước tích lũy và hồi phục nhẹ.

Bách Hóa Xanh phải giảm 1/2 mục tiêu cửa hàng, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vẫn khẳng định Chẳng quan tâm Co.op Food chi, ai giỏi thì sẽ lấy được thị phần - Ảnh 1.

Vậy trước hết chúng ta đặt câu hỏi: "Tại sao Bách Hóa Xanh lại giảm chỉ tiêu từ 1.000 cửa hàng về mốc 500 trong năm nay?"

Trả lời điều này, ông Tài cho biết xuất phát từ việc thay đổi chiến lược mở cửa hàng, trước đây với mục tiêu mở tại các khu dân cư nên Bách Hóa Xanh dự kiến đạt 1.000 cửa hàng trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay nhận thấy các cửa hàng trong khu dân cư không đạt hiệu quả như mong đợi, tức doanh số chỉ từ 400-600 triệu trên mỗi đơn vị, Bách Hóa Xanh theo đó thay đổi chiến lược mở tại các trục đường dẫn vào khu dân cư. Mà tại các trục đường thì con số 1.000 không còn phù hợp, do đó Bách Hóa Xanh trước mắt dự kiến mở 500 cửa hàng đến cuối năm, với mục tiêu doanh số mỗi đơn vị vẫn giữ nguyên mốc trên 1 tỷ đồng.

Trong quý 1/2018, Thế giới Di động đã mở thêm 72 cửa hàng Bách Hóa Xanh, nâng tổng số cửa hàng lên 355. Doanh thu của chuỗi đạt 606 tỷ đồng, lỗ trước thuế và khẩu hao (EBITDA) là 60 tỷ đồng. Hiện tại mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt doanh thu trung bình gần 700 triệu đồng/tháng cùng với biên gộp 14%, còn cách khá xa chỉ tiêu đặt ra là 1 tỷ đồng doanh thu và 18% biên gộp. Có thể thấy biên lợi nhuận mỏng của mảng này vẫn đang là thách thức rất lớn cho Thế giới Di động?

Bách Hóa Xanh phải giảm 1/2 mục tiêu cửa hàng, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vẫn khẳng định Chẳng quan tâm Co.op Food chi, ai giỏi thì sẽ lấy được thị phần - Ảnh 2.

Nguồn: Theo tổng hợp của Chứng khoán Rồng Việt.

Ngược lại với Bách Hóa Xanh, nhiều đơn vị khác lại đang trên đà mở rộng độ phủ. Chi tiết, thị trường bán lẻ thực phẩm được biết đang có quy mô tới trên 60 tỷ USD, nhưng mô hình chợ truyền thống và tạp hóa nhỏ với ưu thế giá và độ bao phủ vẫn đang chiếm ưu thế lớn với hơn 90% thị phần. Xét riêng mô hình bán lẻ hiện đại thì mức độ cạnh tranh cũng đăng gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, ngoài Vinmart+ với hơn 1.000 cửa hàng trên cả nước thì hai "ông lớn" có nhiều kinh nghiệm trong ngành là Satra và Saigon Co.op cũng bắt đầu quay lại đường đua. Nếu như Satra đặt mục tiêu sẽ mở thêm 60 cửa hàng SatraFoods thì Saigon Co.op cũng muốn mở thêm 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.opSmile và 50 cửa hàng tiện lợi Cheers.

Theo đó, nghi vấn được nhiều người đặt ra lúc bấy giờ là: "Nếu không tạo được sự khác biệt,  Bách Hóa Xanh có đạt được mục tiêu nâng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng lên 1 tỷ đồng". Hoàn toàn ngược lại so với dự báo, câu trả lời từ vị Chủ tịch cho biết: "Thị trường này nó quá rộng, mô hình càng nhỏ thì cần vài ngàn cái mới phủ được đất nước này. Thế thì đâu có nhu cầu mà phải nhòm ngó nhau chi".

Tức, Bách Hóa Xanh không và chưa bao giờ quan tâm đến các đối thủ?

Nói chi tiết, ông Tài cho biết không phải không nhìn nhận các đơn vị khác phát triển mạnh, song thị trường này quá lớn và 80% đang là các cửa hàng nhỏ lẻ bán cho khách hàng. Vấn đề là ai giỏi hay không để lấy được thị phần từ đó ra, đâu có nhất thiết ở trạng thái đi giành giật nhau, Co.op giành của Bách Hóa Xanh hay ngược lại… thực tế chẳng ai phải giành giựt của nhau, thế thì Bách Hóa Xanh quan tâm đến việc Co.op mở rộng để làm gì? Giống như trước đây đi mở cửa hàng Thế giới Di động, thị trường toàn cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ nên nhiệm vụ của ban lãnh đạo là đi mở thôi, chứ không quan tâm đến Viễn Thông A chi, đâu có làm được gì?

Bởi, "Thị trường này nó quá rộng, mô hình càng nhỏ thì cần vài ngàn cái mới phủ được đất nước này. Thế thì đâu có nhu cầu mà phải nhòm ngó nhau chi", ông Tài nói.

Cùng với đó, chiến lược thời gian đến Bách Hóa Xanh cũng sẽ tăng giá bán để không bán quá rẻ, so với siêu thị thì chắc chẳn rẻ hơn, còn so với người bán ngoài chợ thì có thể ngang bằng họ. Xe ba gác bán giá 26.000 đồng/kg hoa quả thì không lý gì Bách Hóa Xanh cũng bán giá đó, trong khi những người bán ấy không có địa điểm cố định và nguồn hàng lấy cũng không giống Bách Hóa Xanh, lý lẽ được phía Thế giới Di động đưa ra.

Như vậy, giá bán tại các cửa hàng tương lai sẽ được nghiên cứu và nâng lên phù hợp với mặt bằng chung ở từng khu vục mà không làm ảnh hưởng đến lượng khách. Hiện, các mặt hàng kinh doanh tối ưu vẫn đang được Bách Hóa Xanh thử nghiệm.

Tựu trung lại, lo ngại bấy lâu nay của thị trường cũng có cái lý và vô hình trung trở thành sự thật, khi kết quả của bước đi "vội vàng" là Bách Hóa Xanh phải đóng 3 cửa hàng, lỗ lũy kế 60 tỷ đồng, giảm kế hoạch mở rộng từ 1.000 xuống còn 500 cửa hàng.

Chứng khoán Rồng Việt: "Bách Hóa Xanh vẫn đang thử và sai"

Lên tiếng cho điều này, Chứng khoán Rồng Việt cũng vừa đưa ra nhận định với lời cảnh báo: "Giai đoạn "thử và sai" vẫn đang tiếp tục, và NĐT vẫn cần tiếp tục theo sát diễn biến và đo lường hiệu quả của chuỗi BHX để xác định thời điểm chuỗi này bắt đầu chuyển mình".

Theo Rồng Việt, hai vấn đề chính mà Bách Hóa Xanh đang gặp phải:

(1) Doanh thu các cửa hàng vẫn còn thấp, khi mà bên cạnh khoảng 25% số cửa hàng đạt doanh thu mục tiêu 1 tỷ, vẫn có 20% cửa hàng chỉ đạt dưới 500 triệu mỗi tháng.

(2) Chiến lược mở cửa hàng đi sâu vào trong khu dân cư tỏ ra chưa phù hợp vào thời điểm này. Công ty đã đóng 3 cửa hàng, cũng như ngừng kế hoạch mở 7 cửa hàng khác. Đổi lại, Thế giới Di động sẽ ưu tiên các trục đường dẫn vào khu dân cư trước.

Cùng với đó, Rồng Việt đánh giá việc giảm tốc độ mở cửa hàng để tập trung vào tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu là bước đi hợp lý của Thế giới Di động, và việc nhận thức được sai lầm và có động thái sửa chữa kịp thời luôn là ưu điểm của "ông lớn" điện máy này mà Rồng Việt vẫn luôn đánh giá rất cao.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên