Bất ngờ với Tập đoàn BĐS Singapore đang nắm 17 DA chung cư và 1 trung tâm thương mại tại Việt Nam
CapitaLand là trường hợp nổi bật cho việc vừa là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản truyền thống lại vừa có quỹ tín thác đầu tư bất động sản hoạt động hiệu quả.
- 08-10-2022Công ty BĐS mới lập của ông Phạm Nhật Vượng được hứa hẹn sinh lời ra sao?
- 07-10-2022Vì sao tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể góp vốn bằng cổ phiếu VIC vào VMI?
- 07-10-2022Hé lộ những cổ đông công ty 18.000 tỷ vừa được tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập
- 06-10-2022Mô hình kinh doanh độc đáo của công ty vốn 18.000 tỷ vừa được ông Phạm Nhật Vượng thành lập: Mua sản phẩm Vinhomes rồi chia thành 50 phần bán cho NĐT vốn nhỏ
Vài ngày trước, công ty VMI với hình thức hoạt động như một quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) đã nhận được khoản tiền đầu tư lớn từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tức là, hệ sinh thái của Vingroup vừa kinh doanh bất động sản song vẫn có những sản phẩm cho nhà đầu tư cá nhân để sinh lời từ việc vận hành và cung cấp dịch vụ của các dự án này.
Mặc dù hình thức này tương đối mới mẻ tại Việt Nam, song trên thế giới, công ty CapitaLand đã hoạt động song song cả hai hình thức và đạt được khá nhiều thành công.
2 nhánh hoạt động của CapitaLand: Một quản lý đầu tư BĐS, một kinh doanh phát triển BĐS
CapitaLand là doanh nghiệp có trụ sở chính tại Singapore, đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm. Đây là một trong những công ty bất động sản hàng đầu tại khu vực châu Á với hàng loạt các dự án phát triển tích hợp, trung tâm mua sắm, khách sạn, văn phòng, nhà ở, khu kinh doanh cùng các quỹ đầu tư tín thác bất động sản.
Tập đoàn này hiện sở hữu 1.222 bất động sản tại 267 thành phố và 41 quốc gia trên toàn cầu, trong đó hai thị trường chính là Singapore và Trung Quốc với việc sở hữu lần lượt 20 và 46 trung tâm thương mại tại 2 quốc gia này.
Bên cạnh đó, họ cũng tham gia vào thị trường nhà nghỉ, khách sạn và khu nghỉ dưỡng thông qua công ty con là Ascott Limited với hơn 900 bất động sản tại hơn 40 quốc gia trên toàn cầu.
Cuối cùng và quan trọng nhất là lĩnh vực đầu tư vào nhà ở, với hàng loạt các dự án lớn ở Singapore, Trung Quốc và Việt Nam.
Hiện tại CapitaLand đã được tách thành hai nhánh hoạt độnglà CapitaLand Investment – chuyên về quản lý đầu tư bất động sản và CapitaLand Development – chuyên về mảng kinh doanh phát triển bất động sản.
Hệ sinh thái của CapitaLand (Ảnh: CapitaLand)
Tính đến tháng 6-2022, quỹ đầu tư BĐS của CapitaLand đang nắm giữ 228 tài sản tại bốn thị trường phát triển là Anh, Mỹ, Úc và Singapore, với tổng tài sản quản lý đạt 16,3 tỷ đô la Singapore (SGD) cùng 1.600 khách hàng.
Phần lớn tài sản đầu tư của quỹ này phân bổ tại Singapore (chiếm 61% tổng danh mục), tập trung vào chủ yếu vào không gian kinh doanh bất động sản (chiếm 48%) và logistics (chiếm 23%).
CapitaLand tại Việt Nam
Tại Việt Nam, CapitaLand thông qua nhánh kinh doanh phát triển bất động sản là CapitaLand Development (CLD) đang sở hữu một trung tâm thương mại là The Oxygen tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM.
Trong lĩnh vực nhà ở, CLD đang là chủ đầu tư của 17 dự án chung cư ở cả Hà Nội và TP.HCM, trong đó có thể kể tới Heritage West Lake, d’Edge Thảo Điền, The Vista…
Một số dự án BĐS của CapitaLand (Ảnh: CapitaLand)
Kết quả kinh doanh tích cực
Thông qua việc phát triển các bất động sản tại nhiều quốc gia, quỹ REIT của CapitaLand đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tình hình kinh doanh của quỹ trong năm 2021 rất khả quan, với doanh thu thuần đạt 1.226,5 triệu SGD, tăng 16,9% so với năm trước. Thu nhập tài sản ròng (NPI) đạt 920,8 triệu SGD, tăng 18,6% so với cùng kỳ với số lượng bất động sản đạt 220 (tăng 10%); tổng tài sản của quỹ REIT tăng 17,23% đạt 17,7 tỷ SGD.
Những con số kể trên biến quỹ REIT của CapitaLand trở thành một trong những quỹ tín thác đầu tư bất động sản lớn nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Hoạt động của quỹ REIT thuộc CapitaLand (Ảnh: CapitaLand)
Tính chung về mảng đầu tư tới tháng 6/2022, kết quả kinh doanh của CapitaLand Investment là tương đối tích cực, mặc dù tình hình đầu tư trên toàn cầu đang tương đối khó khăn.
Tại thời điểm 30/6/2022, tổng doanh thu của tập đoàn đạt 1,35 tỷ SGD, tăng 29,1% so với cùng kỳ song do các chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế của họ chỉ đạt 605 triệu SGD, giảm tới 40,8% so với năm ngoái.
Điều này cũng tương đối dễ hiểu trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nhiều loại tài sản giảm giá trị trong năm nay, khiến nhiều quỹ đầu tư khác trên thế giới cũng gặp khó khăn. Tựu chung lại, CapitaLand đang có một hệ sinh thái kết hợp giữa bất động sản truyền thống và quỹ đầu tư hoạt động hết sức trơn tru và hiệu quả.
Có thể thấy, CapitaLand là trường hợp nổi bật cho việc vừa là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản truyền thống lại vừa có quỹ tín thác đầu tư bất động sản hoạt động hiệu quả. Sự kết hợp giữa mua bán bất động sản truyền thống và vận hành sinh lời từ những công trình của CapitaLand thực sự là một bài học mà rất nhiều doanh nghiệp trong ngành, tại Việt Nam và khu vực châu Á có thể tham khảo.
Nhịp sống thị trường