Bài học kiếm tiền vui vẻ, đầu tư hạnh phúc của chuyên gia tiền tệ Nhật Bản: EQ về tiền quan trọng hơn cả IQ, quyết định sự dư giả của bạn
Bất cứ ai cũng có thể thay đổi thái độ và trở nên hạnh phúc với số tiền đang có, khi biết truyền năng lượng tích cực vào tiền, tiết kiệm và đầu tư đúng cách, và dùng tiền để mua những thứ vô giá như thời gian bên gia đình.
- 04-11-2022Tuổi 30 của ca sĩ triệu phú Selena Gomez: Không thiếu biệt thự khủng và siêu xe, chi tới 300 USD cho một giờ tập gym, nhưng lại muốn... buông bỏ tất cả
- 01-11-2022Cuộc đời sóng gió của nữ tỷ phú giàu nhất thế giới: Tiểu thư tài phiệt sống cực kín tiếng, mẹ đẻ suýt từ mặt vì kiện tụng giành quyền thừa kế
- 31-10-2022Triệu phú da màu làm nên lịch sử ở Shark Tank Mỹ: Cô gái nghèo dám làm những điều sợ hãi, tạo nên đế chế tỉ đô cùng nhà Kardashian-Jenner
Ken Honda có thể được coi là triệu phú hạnh phúc nhất trên thế giới này.
Ken Honda sinh tại Kobe, Nhật Bản trong một gia đình khá giả. Cha ông là một kế toán rất thành công. Vì vậy ngay từ nhỏ Ken đã được dạy dỗ để có quan điểm đúng đắn về tiền bạc. Hiện tại, Ken Honda được mệnh danh là “Chuyên gia của tiền tệ”. Ông còn là một tác giả best-seller nổi tiếng bậc nhất ở Nhật Bản.
Cuốn sách "Happy Money" của Ken Honda là một cuốn sách thú vị để đọc đi đọc lại mỗi năm. Nó chứa đầy tư duy sâu sắc, những bài học kiếm tiền đầy giá trị, và những bài học cuộc sống nói chung.
Tiền đúng là đóng một vai trò rất lớn trong cuộc sống, nhưng vấn đề không phải là ta có bao nhiêu tiền. Mấu chốt là thái độ của ta về tiền bạc, cách kiếm tiền, cách tiêu tiền và cách ta điều chỉnh tiền cho phù hợp với mục đích và giá trị của mình.
Dưới đây là 10 bài học hay nhất mà Ken Honda gửi gắm qua cuốn “Happy Money”, với hy vọng rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một triệu phú hạnh phúc, hoặc ít nhất là hạnh phúc với số tiền đang có …
1. EQ về tiền quan trọng hơn IQ về tiền
IQ về tiền là chỉ số thông minh. Đó là sự thông minh tài chính mà một cá nhân phát triển khi tìm hiểu về tiết kiệm, đầu tư, lãi kép, lập ngân sách, lập kế hoạch nghỉ hưu, ....
EQ về tiền thậm chí còn quan trọng hơn. Đó là trí thông minh cảm xúc cần có để có thái độ đúng đắn đối với tiền bạc. Đó là thứ quyết định những gì ta nghĩ, cảm nhận và làm với tiền.
Khi biết tối ưu hóa EQ về tiền, ta sẽ làm việc sáng tạo hơn, chỉ chi tiêu cho những thứ quan trọng và sống trong hiện tại với lòng biết ơn.
2. Truyền năng lượng tích cực vào tiền
Tiền là một vật thể mang năng lượng trung tính. Do đó, ta phải chịu trách nhiệm về loại năng lượng mà ta truyền vào nó.
Một cách đơn giản để truyền một nguồn năng lượng tích cực vào tiền bạc là bày tỏ sự biết ơn. Cảm ơn tiền khi nó đến tay, và cảm ơn khi nó chảy đi. Hãy tin tưởng vào dòng tiền và ta sẽ thu hút nó về phía mình.
Một cách khác để lan tỏa tiền một cách tích cực là quyên góp cho các tổ chức từ thiện hoặc tặng quà. Điều này sẽ tạo ra dòng tiền hạnh phúc. Nó cũng mang lại cho ta sự tự tin rằng ta có đủ điều kiện tài chính.
3. Kiếm tiền vui vẻ, trung thực
Vấn đề không phải là những gì ta làm, mà là cách ta làm.
Kiếm tiền có nghĩa là sống thật với chính mình và có thể chia sẻ khả năng của mình với thế giới.
Do đó, khi lan tỏa niềm vui ở mọi nơi ta đến, số tiền ta nhận về chính là sự thể hiện của lòng biết ơn từ khách hàng hoặc nơi làm việc.
Những người có đam mê và nhiệt huyết sẽ luôn thu hút tiền bạc. Hãy tìm ra một mục đích mà ta chân thành tin tưởng, và sau đó làm việc hướng tới mục đích đó để tạo ra một dòng tiền tích cực.
4. Tiết kiệm những đồng tiền hạnh phúc
Nếu biết lý do tại sao tiết kiệm tiền, ta sẽ có nhiều khả năng đạt được bất kỳ mục tiêu tài chính cụ thể nào.
Ta càng có khả năng đạt được nếu những mục tiêu đó phù hợp với những gì quan trọng nhất. Chẳng hạn như một niềm đam mê, sở thích cá nhân, phát triển bản thân, giáo dục, hoặc những trải nghiệm như một kỳ nghỉ gia đình.
Hãy tiết kiệm cho cuộc sống mà bạn muốn sống. Bắt đầu với những gì bạn trân trọng, định giá cho nó và làm việc để tạo ra con đường tiết kiệm đến thành công.
5. Đầu tư những đồng tiền hạnh phúc
Hãy tìm một lĩnh vực mà ta quan tâm và đầu tư vào đó. Đó có thể là công việc kinh doanh riêng, các hoạt động yêu thích, công việc từ thiện, hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp phù hợp.
Đầu tư tiền vào những thứ quan trọng không chỉ khiến ta cảm thấy tuyệt vời, mà còn truyền cho tiền một nguồn năng lượng tích cực, vui vẻ, khiến tiền càng sinh sôi và nảy nở.
6. Thể hiện lòng biết ơn
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc thể hiện lòng biết ơn giúp tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người. Đó cũng là chìa khóa để thành công về mặt tài chính.
Triệu phú Honda tin rằng trân trọng những gì ta có sẽ mở ra con đường hạnh phúc. Việc đơn giản nhất là thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn với chính đồng tiền.
Đồng thời, hãy cảm ơn những người đã giúp ta đạt được vị trí hiện tại, và trân quý những người giúp đỡ ta trong tương lai. Bạn có thể sẽ phải kinh ngạc về số tiền và những tương trợ tự động hướng về phía mình, khi thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn như vậy.
7. Đừng sợ tiền
Hầu hết mọi người gặp khó khăn với tiền bạc vì cách họ kiếm và tiêu tiền không lành mạnh. Căng thẳng bắt nguồn từ tiền bạc có thể là do họ không tin tưởng vào dòng tiền. Khi chi tiêu, họ sợ rằng tiền sẽ không quay trở lại. Khi kiếm được tiền, họ lại sợ rằng như thế là không đủ.
Thực ra, việc kiếm được bao nhiêu không quan trọng. Chính cảm xúc về tiền bạc sẽ quyết định sự giàu có của mỗi người.
Ta nghĩ rằng nỗi sợ hãi của mình là về tiền bạc, nhưng cuối cùng, đó là nỗi sợ về tương lai và sự thay đổi. Và một khi đã hiểu điều này, đừng kiếm tiền vì lo lắng. Đừng tiết kiệm tiền vì lo sợ về tương lai.
8. Phát triển “tư duy dư giả”
Thái độ không lành mạnh về tiền bạc cũng phần nào bắt nguồn từ “tư duy khan hiếm”, đó là niềm tin rằng mọi nguồn lực và cơ hội là khan hiếm, là không đủ.
Với tư duy này, ta sẽ ít có khả năng cộng tác với mọi người, không biết tán dương thành công của người khác, không thể cảm thấy hài lòng về bản thân.
Ta cần một tư duy ngược lại: tư duy dư dả. Đó là niềm tin rằng có rất nhiều tiền, có nhiều tài nguyên, và cơ hội dành cho tất cả mọi người, kể cả chính ta.
Tiền sẽ ở khắp xung quanh ta, nếu ta cởi mở với nó.
9. Tiền đến nhanh, tiền đến chậm
Cách mọi người kiếm tiền - nhanh và dễ dàng, hoặc chậm và ổn định – cũng là cách họ sẽ đánh mất nó.
Những người kiếm được tiền nhanh có xu hướng mất nhanh, vì họ không có sự chuẩn bị. Họ thiếu EQ về tiền.
Mặt khác, những người giàu có từ từ và có chủ ý theo thời gian cũng có xu hướng giữ được tiền trong một thời gian dài.
Tài chính cá nhân là một kỹ năng cần phải được bồi dưỡng thông qua kinh nghiệm và những bài học khó. Do đó, hãy kiên trì với quá trình học tập và lập kế hoạch. Đó mới là đường tắt đến thành công.
10. Mua thời gian
Hãy mua thời gian để làm những điều mình thích. Và trả tiền để người khác làm thay những việc không thích.
Thật dễ hiểu khi nhiều người sẵn sàng trả tiền để thuê người dọn dẹp nhà cửa hàng tuần. Điều này giúp họ có hàng giờ để dành cho con cái. Đó là những khoảng thời gian vô cùng quý giá.
Khi biết tập trung vào thời gian hơn là tiền bạc, ta sẽ hành động như những nhà khoa học về hạnh phúc, và biết hướng đến những gì bồi đắp hạnh phúc của chính mình.
Nếu đang không hài lòng với cuộc sống hoặc tình hình tài chính cá nhân, thì việc ta giàu hay nghèo cũng chẳng có gì khác biệt. Ngay cả khi có hết tiền trên thế giới, ta vẫn sẽ phải lo lắng về tiền bạc.
Có rất nhiều người giàu có nhưng không bao giờ thấy an yên, trong khi nhiều người vẫn vui vẻ tận hưởng cuộc sống với mức thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình.
Hãy ghi nhớ những bài học mà Ken Honda gửi gắm, để sống một cuộc sống vui vẻ hơn, bất kể đang có bao nhiêu tiền trong tay.
Theo Medium
Nhịp sống thị trường