Bài học lớn đằng sau câu chuyện của cựu Giám đốc nhân sự nổi tiếng: Dân công sở đừng mất ý thức trong giờ ăn trưa!
Nói là ăn trưa, nhưng thực chất ăn chỉ là phụ, "buôn dưa lê" mới là chính. Và cũng từ "việc chính" này, dân công sở đã gây ra không ít phiền toái cho người khác. Câu chuyện phiền toái ấy mới đây đã được một cựu Giám dốc nhân sự cực kỳ nổi tiếng chia sẻ.
Trong cả một ngày làm việc tại cơ quan, thời điểm dân công sở mong chờ nhất có lẽ chính là giờ nghỉ trưa. Trong khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ trôi qua vội vã này, ai ai cũng tranh thủ hoặc là chợp mắt ít phút, hoặc là giải lao bằng một số việc riêng tư, tuy nhiên các hoạt động ấy không phổ biến bằng chuyện hội anh chị em rủ rê kéo nhau ra các hàng quán cạnh văn phòng ăn uống no say, lấy lại năng lượng. Đây có thể xem như một kiểu văn hóa của môi trường công sở.
Nói là ăn uống, nhưng thực chất ăn uống chỉ là phụ, "tám chuyện" mới là chính. Tất nhiên nói chuyện vui đùa với nhau trong giờ giải lao cũng là một cách giúp dân công sở giải tỏa stress, chẳng có gì đáng lên án. Ấy thế, nếu cuộc nói chuyện khiến cho mọi người xung quanh phải phiền hà thì lại là một vấn đề khác. Thậm chí có khi, sự phiền hà này còn phản ánh về ý thức của dân công sở trong giờ nghỉ trưa, lắm người nhìn thấy nhưng ít ai dám nói ra.
Cụ thể để giải đáp cho một số câu hỏi như "tại sao lại phiền?", "phiền vì điều gì?", xin mạn phép mượn câu chuyện mới được đăng tải lên trang facebook cá nhân cách đây ít lâu của Thu Giao - cựu Giám đốc Nhân sự cực kỳ nổi tiếng MXH với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, người sáng lập nên G-lounge Hội Quán Tuyệt Diệu với nhiều buổi talkshow thu hút phái đẹp như "Trà chiều với Giao", "Đẹp sung sướng", "Bí mật hạnh phúc",...
Thu Giao - cựu Giám đốc Nhân sự cực kỳ nổi tiếng MXH.
Câu chuyện có thật của một cựu Giám đốc nhân sự nổi tiếng
"Mình không hiểu sao ở Hà Nội, buổi trưa đi ăn hay gặp các nhân viên văn phòng 5-6 người, nói to thế. Khi họ đi 2-3 người họ cũng nhỏ nhẹ, cứ 5-6 người trở lên họ đột nhiên hoạt ngôn, nữ cũng như nam đùa cợt nói to rất suồng sã. Cả nhà hàng lẫn quán ăn ở thủ đô buổi trưa, ầm như ong vỡ tổ. Bạn hãy bước vào các tiệm cơm việt nam từ quán bình dân đến nhà hàng vào lúc 12-13h trưa, bạn sẽ thấy choáng váng vì độ ồn, họ nói to lắm cười to lắm, người già như mình rất sợ hãi, không thể hiểu nổi vì sao người ta cần phải nói to thế. N
Nếu bạn ngạc nhiên vì sao các đám cưới mở nhạc sàn ầm ĩ, nhiều nhà mở karaoke oang oang ngoài sân, đi cách vài trăm mét còn nghe vang to, hãy thử đi ăn trưa ở Hà Nội, các chỗ đông dân văn phòng, bạn sẽ biết thế nào là nói to nhức óc.
Kể cả các quán lịch sự, các chị trung niên nói to có thể bất ngờ bước vào quán, có khi vừa tan một cuộc họp, vẫn mặc nguyên áo dài, phấn son lộng lẫy. Các chị nói cười oang oang, dạt hết cả thực khách ra xa. Các anh đùa câu gì vô duyên thế mà các chị cũng ngả nghiêng cười to đến nỗi bàn bên không thể nói mà phải hét lên. Mình sợ hãi vào quán đông và quán ồn. Mình có thể ngất vì ồn.
Trưa nay đi ăn lẩu ở một nhà hàng tại Giảng Võ. Ngồi cách xa một bàn 4 chị và 1 anh, trông trẻ trung lịch sự xinh đẹp. Anh ấy nói to khủng khiếp, thề là như tiếng gầm của động cơ chứ không phải bình thường, ngồi cách xa mà đau cả tai nên mình nhờ nhân viên ra xin phép anh hạ volume 2 lần cũng không ăn thua. Anh nói y như máy khâu, các chị cười như nắc nẻ. Bàn mình 4 phụ nữ ngồi xa xa không nói được tiếng nào vì ồn.
Mãi rồi không chịu được cô bé cùng bàn nhẹ nhàng đến xin anh nói nhỏ vì ầm quá. Bạn có biết các phụ nữ ngồi cùng bàn họ nói gì không? "Em thích yên em vào phòng riêng mà ngồi" (nhà hàng này không có phòng riêng), và "chị nói nhỏ chị đau mồm lắm". Thật là kinh ngạc về các chị…".
Dân công sở vô ý thức trong giờ ăn trưa: Lợi đâu chả thấy, chỉ toàn hại thế này!
Từ câu chuyện trên, có thể dễ dàng nhận ra, việc cựu Giám đốc Thu Giao cảm thấy phiền hà ở đây chính là việc dân công sở tụm năm tụm bảy ăn uống tám chuyện nhưng lại quá ồn. Chưa kể, khi được nhắc nhở còn phản ứng lại với thái độ lồi lõm gây ức chế. Tuy nhiên, việc ồn ào của dân công sở ở các hàng quán cạnh công ty vào giờ nghỉ trưa không chỉ tồn tại ở riêng Hà Nội mà nó có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu chỉ cần thỏa mãn một điều kiện: có ít nhất một người trong cuộc vô ý thức.
Có lẽ dân công sở hay nghĩ, ý thức của mình chỉ cần thể hiện trong công ty cho đồng nghiệp nể nang, sếp lớn được lòng, một khi đã bước ra ngoài, cần gì phải ý tứ giữ kẽ. Sai lầm từ đây mà ra. Nếu ý thức có thể chọn nơi để thể hiện thì đó không phải là ý thức, ý thức là bản chất mà bản chất vốn không cần thể hiện. Người có ý thức thực sự là người luôn làm cho người khác cảm thấy dễ chịu, không phiền hà hay đau đầu dù xuất hiện ở bất kỳ đâu. Ở văn phòng làm trăm điều không gây phiền toái, trong khi ra ngoài lại khiến trăm người khó chịu thì vẫn cứ luôn là người vô ý thức.
"Tôi chả quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về tôi, họ có biết tôi là ai đâu" - đây có lẽ là câu nói hay được hội anh chị em công sở "vô ý thức bất chấp" dùng để bao biện cho hành vi xấu xí của bản thân. Vậy thì không bàn đến việc người khác nghĩ gì nữa, hãy bàn tới việc người trong cùng công ty, đáng sợ hơn là sếp nghĩ gì khi vô tình bắt gặp nhân viên của mình đang bô lô ba la nói "toạc cả mồm" ở nơi công cộng. Chắc chắn là một ý nghĩ không tốt đi kèm với một cái nhìn không tốt chút nào.
Xấu hơn nữa, xin tưởng tượng mà xem, khi cả hội đang chụm đầu nói lời không hay về sếp với âm vực cao vút như Diva, thế mà xui khiến làm sao, "nạn nhân" bước ngay vào và nghe thấy. Hậu quả chắc khỏi phải nói tới, mọi người mường tượng cũng biết được: Hoặc đây là ngày cuối cùng được làm việc ở công ty, hoặc là ăn ngay quả phạt bay sạch tháng lương đang mong chờ. Tất cả chỉ vì những chiếc miệng nói lắm nói to, chả biết "phun châu nhả ngọc".
Hoặc một ví dụ khác cũng đáng sợ không kém, đã là dân công sở thì phải hiểu một chuyện, giờ nghỉ trưa tai vách mạch rừng, nếu lỡ "thả" giọng ồn ào ở nơi công cộng mà gặp ngay những người khó tính hoặc hội công sở của công ty đối thủ đang ngồi gần bên. Kết quả vài chiếc ảnh cùng đoạn clip quay chụp lén được tung lên mạng xã hội. Đảm bảo ngay sau đó thôi, tường nhà mỗi người thuộc "hội ăn lắm nói to" sẽ bị ném đá kịch liệt.
Và khi thông tin "nhân viên của công ty XYZ vô ý thức ở nơi công cộng" đến tai ban lãnh đạo, tin chắc rằng vài cái đơn sa thải sẽ được rút ra. Sức mạnh của mạng xã hội ngày nay, chẳng lẽ mọi người không ai hay biết?
Tóm lại, có rất nhiều hậu quả tai hại có thể xảy ra chỉ từ việc ồn ào gây phiền cho người khác của hội anh chị em công sở trong giờ ăn trưa. Vậy thì hy vọng, ngay từ bây giờ, mọi người sẽ chú ý hơn, lịch sự hơn, quản lý cái miệng của mình cho thật kỹ để không ai phải cảm thấy khó chịu giống như cựu Giám đốc nhân sự Thu Giao. Đó cũng là cách bảo vệ chính bản thân tránh gặp phải rắc rối trong đời sống công sở lắm thị phi.
Nếu cảm thấy khó quá, thử học hỏi thông qua triết lý "không làm phiền người khác bằng âm thanh" của người Nhật: Người Nhật Bản né tránh việc để các âm thanh phát ra từ mình làm phiền người khác. Vì vậy họ luôn yên lặng hoặc nói chuyện rất nhỏ ở nơi công cộng, điều này dễ dàng được nhìn thấy trên những chuyến tàu, nơi mà hầu hết mọi người đều chỉ ngủ và đọc sách, âm thanh vắng lặng như tờ. Hay khi tham gia giao thông, dù mật độ xe đông đến cỡ nào cũng khó mà nghe thấy được một tiếng còi xe.
Họ không có khái niệm "tôi nói chuyện nhỏ sao mà ảnh hưởng đến anh được", bởi vì từ sớm họ đã nhận thức được chuyện mỗi cá thể khác nhau đều có một phạm vi chịu đựng nhất định với âm thanh khác nhau. Chẳng hạn như tiếng cắn hạt dưa vô cùng bé, một số người sẽ vui vẻ chấp nhận, nhưng với một ai khác nhạy cảm với âm thanh, không chắc họ có cảm thấy khó chịu hay không. Vì thế, khi tạo ra một âm thanh mà chưa chắc làm hài lòng được tất cả mọi người thì tốt nhất mình nên yên lặng, để tránh gây phiền hà.
Nhịp sống kinh tế/ Tổ quốc