Các dự án BOT đã giúp Bangkok và Đài Loan "lột xác" nhưng khiến Mexico khốn đốn như thế nào?
Không chỉ trong đường sắt cao tốc, Đài Loan còn sử dụng hình thức đầu tư BOT trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở Cao Hùng, dự án phủ sóng mạng không dây ở Đài Bắc hay xây dựng các trường học ở Đài Nam.
- 27-07-2017Hệ thống đường sắt hiện đại đã “lột xác” cho Đài Loan như thế nào?
- 10-07-2017Đường sắt trên cao Skytrain đã biến Bangkok từ một thành phố tắc nghẽn trở thành thủ đô tân tiến như thế nào?
- 04-07-2017BOT qua thời... vàng son
Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về cơ sở hạ tầng càng lớn. Ở hầu hết các nước, phần lớn nguồn vốn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng đến từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên ngân sách nhà nước cần chi tiêu cho rất nhiều hạng mục và vốn tư nhân là 1 nguồn lực rất tốt để bổ sung cho những thiếu hụt. Trong đó hình thức đầu tư kết hợp công tư Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT) là 1 hình thức phổ biến.
BOT là hình thức tài trợ dự án mà trong đó 1 công ty tư nhân sẽ cung cấp vốn, thiết kế, xây dựng, sở hữu và vận hành dự án trong thời hạn mà được quy định trong hợp đồng. Sau một thời gian vận hành, chủ đầu tư sẽ chuyển giao lại dự án này cho nhà nước.
Trong thời gian đó, các chủ đầu tư sẽ thu phí từ những người sử dụng công trình để hoàn lại số vốn đã bỏ ra. Thông thường thì mức phí sẽ dần dần tăng lên, mức độ tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan. Phần lớn các dự án BOT được tài trợ bởi những khoản vay từ các ngân hàng thương mại, hoặc trong trường hợp dự án có mục đích đặc biệt sẽ được nhận tài trợ từ các ngân hàng chính sách.
Trên thế giới có nhiều nơi đã sử dụng hình thức đầu tư BOT như Pakistan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Bahrain, Saudi Arabia, Israel, Ấn Độ, Iran, Nhật, Trung Quốc, Malaysia… Một số bang của Mỹ như California, Florida, Texas cũng ưa chuộng BOT. Dự án BOT đầu tiên trên thế giới được cho là khách sạn China Hotel ra đời năm 1979, được thực hiện bởi tập đoàn Hồng Kông Hopewell Holdings Ltd.
BOT giúp giải quyết bài toán tàu điện trên cao Skytrain ở Bangkok
Từ đầu những năm 1980, thủ đô của Thái Lan đã có kế hoạch xây dựng hệ thống giao thông hiện đại hơn để giải quyết tình trạng tắc đường. Dự án Lavalin Skytrain ra đời với hình mẫu là tàu điện trên cao Vancouver Skytrain của Canada. Tuy nhiên, dự án gặp phải rào cản vì Chính phủ Thái lại muốn tập trung vào mở rộng đường và phát triển đường cao tốc. Tất nhiên giải pháp này không đem lại hiệu quả vì số lượng xe ô tô tăng lên quá nhanh.
Đầu những năm 1990, những cột trụ đầu tiên và cầu cạn phục vụ Lavalin Skytrain được xây dựng nhưng dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Trong lúc đó Thái Lan thực hiện 1 nỗ lực khác với Hệ thống tàu điện và đường trên cao BERTS. Dự án này bị hủy bỏ năm 1998, sau khi chỉ 10% công việc được hoàn thành.
Sau nhiều nỗ lực không thành, lúc đó Thị trưởng Bangkok bắt đầu quay sang yêu cầu cấp phó Kritsada Arunwong na Ayutthaya tạo ra 1 hệ thống đường dọc theo các tuyến phố Sukhumvit và Silom Roads. Kritsada thành công trong việc tìm được 1 nhà đầu tư tư nhân và thuyết phục mọi người rằng dự án sẽ được giám sát chặt chẽ.
Doanh nhân Keeree Kanjanapas lập nên Bangkok Transit System Corporation (BTSC) và công ty này đã tìm được nguồn vốn cũng như biến dự định xây hệ thống tuyến nhánh của ngài thị trưởng thành dự án giao thông hoàn chỉnh quy mô lớn. Thanayong Public Company Limited, công ty do Kanjanapas làm Chủ tịch, nắm 28,21% cổ phần của BTSC khi dự án bắt đầu.
Tháng 12 năm 1999, hệ thống Skytrain chính thức mở cửa. Ban đầu lượng hành khách đã ở mức thấp hơn dự tính và doanh thu bán vé chỉ đủ để bù đắp chi phí hoạt động, không đủ để trả lãi vay. Tuy nhiên, không lâu sau đó số lượng đã tăng mạnh. Đến năm 2013 trung bình mỗi ngày có 650.000 người chọn di chuyển bằng Skytrain.
Hình thức BOT phát triển mạnh ở Đài Loan
Dự án đường sắt cao tốc Đài Loan (THSR) là 1 dự án được đầu tư theo hình thức BOT giữa THSR Corporation và chính quyền Đài Loan. Các công ty thiết kế và xây dựng từ nhiều quốc gia đã tham gia vào dự án 15 tỷ USD này. Có tổng chiều dài 345km với nhiều cầu cạn và 48 đường hầm (trong đó hầm dài nhất dài 7,5km), dự án là 1 thành tựu lớn của Đài Loan.
Do đấu thầu quốc tế nên công trình này có nhiều hạng mục của nhiều quốc gia khác nhau. Tập đoàn THSR (THSRC) đã hợp tác với công nghệ xây dựng tàu Shinkansen của Nhật Bản, phối hợp với công nghệ của GEC-Alsthom (sản phẩm là tàu TGV của Pháp ) và Công ty Siemen (sản phẩm là tàu ICE của Đức). Sau 6 năm, dự án hoàn thành với công sức của trên 2000 chuyên gia kỹ thuật đến từ 20 quốc gia khác nhau và trên 20 000 công nhân trong và ngoài lãnh thổ.
Các dự án BOT trở nên phổ biến ở Đài Loan trong những năm 1990 trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, nợ công bắt đầu leo thang và cần một dòng vốn mới để thúc đẩy nền kinh tế. Vì mục tiêu phát triển kinh tế, THSR Corporation được nhận những khoản vay lớn từ các ngân hàng.
Không chỉ trong đường sắt cao tốc, Đài Loan còn sử dụng hình thức đầu tư BOT trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở Cao Hùng, dự án phủ sóng mạng không dây ở Đài Bắc hay xây dựng các trường học ở Đài Nam.
Và cả những dự án BOT thất bại cay đắng
Từ năm 1987 đến 1992, chính phủ Mexico cấp phép cho 52 dự án theo mô hình hợp tác công – tư PPP (BOT là 1 trong số 5 loại mô hình của PPP). Đến cuối năm 1995, 34 dự án đã thu hút được tổng cộng 9,9 tỷ USD vốn cam kết từ các doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, Mexico đã mắc phải một số sai lầm như trong lúc đấu thầu công ty nào đưa ra thời hạn thu phí ngắn nhất sẽ chiến thắng, dẫn đến áp lực phải thu mức phí cao đến mức bất hợp lý. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu mỗi con đường có thu phí phải có 1 con đường không thu phí chạy song song. Cùng với việc tính toán chi phí xây dựng không tốt (trung bình bị đội lên 25%) trong khi doanh thu lại thấp hơn 30% so với dự tính và chỉ có 5 dự án đạt mục tiêu, nhiều dự án đã thất bại thảm hại. Cuối cùng Chính phủ Mexico đã phải tiếp nhận lại 23 dự án và gánh khoản nợ 5 tỷ USD phải trả cho các ngân hàng cùng với 2,6 tỷ USD trả cho các công ty xây dựng.
Dự án đường M1/M15 của Hungary là 1 ví dụ khác cho thấy để có 1 dự án BOT thành công cần phải ước tính được chính xác chi phí và doanh thu dự kiến. Là con đường thu phí đầu tiên ở khu vực Trung và Đông Âu, năm 1995 dự án được hoàn thành đúng tiến độ và chi phí ước tính. Tuy nhiên lượng xe đi qua đây lại thấp hơn khoảng 40% so với dự báo. Mức phí cao không thể giúp bù đắp lượng xe thấp và cuối cùng Chính phủ Hungary phải tiếp quản.
Trong khi đó dự án tư nhân hóa hệ thống cấp nước của Bolivia lại thất bại vì sự phản đối của công chúng. Giá nước tăng cao thậm chí khiến người dân Bolivia xuống đường biểu tình, thậm chí gây ra bạo loạn khiến 9 người chết và hàng trăm người bị thương. Cuối cùng công ty trúng thầu thông báo rút khỏi dự án.
Ở Bồ Đào Nha, Bulgaria và Argetina, nhiều dự án PPP thất bại do quản lý yếu kém hoặc bối cảnh kinh tế vĩ mô không thuận lợi.
Các dự án cơ sở hạ tầng đều có quy mô rất lớn và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Để thành công, đòi hỏi các bên tham gia phải lên kế hoạch một cách cẩn thận, tính toán và dự báo chi phí cũng như doanh thu sát với thực tế, nghiêm chỉnh chấp hành các thỏa thuận đã đề ra trong hợp đồng, tuân thủ pháp luật và tăng cường tính minh bạch. Bên cạnh đó dự án phải hợp lý và nhận được sự ủng hộ của công chúng.