Bài học từ hình mẫu "Ngày Tự do" ở Anh: Chống Covid có hiệu quả khi phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người dân?
Xét về một khía cạnh, dù là lái xe hay hít thở gần nhau, chúng ta cũng phải gánh chịu rủi ro trong khi cũng khiến những người xung quanh gặp nguy hiểm. Do đó, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân và người khác.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Andreas Kluth. Ông là tay viết cho chuyên mục Bloomberg Opinion. Trước đây, Kluth là tổng biên tập của Handelsblatt Global và "cây bút "của The Economist, ông là tác giả của cuốn "Hannibal and me".
Chống dịch không quy định
Kỹ sư người Hà Lan - Hans Monderman, là người tiên phong khi đưa ra ý tưởng về những khu phố không có biển báo, vạch phân làn, tín hiệu giao thông, lề đường hay quy tắc di chuyển. Nếu còn sống, liệu ông sẽ có nhận định như thế nào về hình thức sống chung với đại dịch của Anh: chính phủ dỡ bỏ các hình thức hạn chế và chủ yếu hướng tới trách nhiệm cá nhân trong việc phòng tránh dịch?
Thủ tướng Anh Boris Johnson là người đầu tiên đưa ra ý tưởng như vậy. Hồi tháng 7, ngay cả khi biến thể Delta khiến số ca nhiễm căng cao, ông đã tuyên bố áp dụng "Ngày Tự do" đối với quốc gia châu Âu, loại bỏ mọi quy định về đeo khẩu trang và giãn cách. Ngoài ra, ông và các bộ trưởng chỉ nhắc nhở người dân rằng dịch bệnh còn rất lâu nữa mới kết thúc và mọi người phải hành xử có trách nhiệm.
Hà Lan và các quốc gia khác dù chưa thực hiện nhưng cũng có thể sẽ áp dụng những biện pháp tương tự. Trong khi đó, Pháp và Đức đang yêu cầu người dân phải tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, khi Covid-19 tồn tại và lây lan trên diện rộng càng lâu, thì những biến chủng mới sẽ xuất hiện càng nhiều. Bởi vậy, những quy định nghiêm ngặt của chính phủ được điều chỉnh thành cá nhân tự có trách nhiệm sẽ trở thành "chuẩn mực" cho toàn thế giới.
Bắt đầu từ những năm 1970 tại Frisia (Hà Lan), Monderman bắt đầu nghiên cứu về xu hướng chung ở hầu hết các thành phố trên thế giới. Theo ông, việc có nhiều quy định phức tạp về quản lý giao thông đã loại bỏ yếu tố quan trọng nhất mà mỗi người dân nên có, đó là khả năng tự chú ý. Nói một cách khác, con người đang dần mất khả năng ứng xử có trách nhiệm với xã hội.
Do đó, bắt đầu tại một vài thị trấn ở Frisia, Monderman chỉ đơn giản là loại bỏ mọi quy định tham gia giao thông để tạo ra những con phố tín hiệu, biển báo và có không gian chung. Kết quả là, số vụ tai nạn giao thông và người tử vọng sụt giảm mạnh. Mọi người tự ý thức khi tham gia giao thông, thoải mái và lịch sự trong việc cùng di chuyển trên vỉa hè. Hơn nữa, không tài xế nào dám chạy ẩu hay người tham gia tranh giành làn đường.
Câu hỏi đặt ra là, liệu đại dịch có phải là một tình huống tương tự như vậy hay không. Xét về một khía cạnh, việc lái xe hay hít thở gần nhau, chúng ta cũng phải gánh chịu rủi ro trong khi cũng khiến những người xung quanh gặp nguy hiểm. Do đó, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân và người khác.
Khác biệt giữa chống dịch và tham gia giao thông không có luật lệ
Song, giữa đại dịch và việc tham gia giao thông có những khác biệt cơ bản, đó là việc tiếp nhận thông tin trong việc đánh giá rủi ro. Ví dụ, trên đường, có một chiếc ô tô đang lao tới với tốc độ cao và gần bạn có một chiếc xe đạp đang đi qua. Nếu bạn sang đường an toàn, thì sự tương tác với thông tin ở đây đã có hiệu quả.
Ngược lại, trong đại dịch, các dữ liệu liên quan vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chúng ta không biết mình có mang mầm bệnh hay không khi không có triệu chứng, hay thậm chí là người đang ngồi bên cạnh. Ngay cả khi đã tiêm vắc-xin đầy đủ, chúng ta cũng không rõ liệu những người xung quanh có như vậy hay không, cũng như liệu ai có bệnh nền khiến họ có nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong cao hơn hay không.
Nói chung, chúng ta không phải là những nhà dịch tễ học, không thể hiểu được những dữ liệu về SARS-CoV-2. Trong khi đó, có rất nhiều thông tin về những nghiên cứu liên quan đến dịch bệnh, như hiệu quả của vắc-xin hay biến chủng mới, hầu hết đều sử dụng những thông tin, số liệu thống kê phức tạp. Bởi vậy, chúng ta không có đủ kiến thức để đưa ra quyết định sáng suốt đối với dịch bệnh như khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, thông tin về giao thông lại không phải là "nạn nhân" của những cuộc chiến văn hóa như Covid-19. Đại dịch này đã kéo theo một loạt những thuyết âm mưu về nguồn gốc của nó.
Theo những nghiên cứu của lĩnh vực khoa học hành vi, việc cung cấp cho mọi người nhiều thông tin hiệu quả hơn không có nghĩa là sự lựa chọn của riêng họ sẽ thay đổi, ví dụ như việc bỏ thuốc lá hay tiêm phòng. Những quyết định đó phụ thuộc nhiều hơn vào điều chúng ta chứng kiến và lắng nghe trong các mối quan hệ xã hội.
Nói tóm lại, chúng ta không nên tiếp tục đặt cược vào những quy định quá nghiêm ngặt trong việc kiểm soát đại dịch. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các quy tắc sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Mọi người có xu hướng sẽ phớt lờ những quy định, cũng như việc một số tài xế thường phạm luật ở những nơi giới hạn tốc độ. Bởi vậy, cũng như Monderman chỉ ra về những quy tắc tham gia giao thông, yếu tố cần thiết nhất để "đánh bại" Covid-19 là trách nhiệm.
Tuy nhiên, một sự thật cần phải chấp nhận là nỗ lực chống lại dịch bệnh khác với việc cải thiện an toàn giao thông. Quá trình này đòi hỏi một chiến dịch được thực hiện liên tục để loại bỏ thông tin xấu. Hiện tại, các quốc gia nên theo dõi những trải nghiệm về dịch tễ học quy mô lớn đang diễn ra tại Anh và sau đó đưa ra quyết định phù hợp.
Tham khảo Bloomberg