Bãi rác cao hơn 62 mét sẵn sàng tự bùng cháy bất cứ lúc nào: “Địa ngục trần gian” mà người nghèo mãi không thể thoát khỏi
Ảnh: CNN
Tại bãi rác Bhalswa ở phía tây bắc Delhi, một dòng xe tải chạy ngoằn ngoèo đến bãi thải để đổ rác một cách đều đặn, dù cho đống rác ở đây đã cao đến hơn 62 mét (203 feet).
- 12-12-2022Cơn "đau đầu" của Thái Lan: Người dân vứt bỏ thứ này rất nhiều nhưng chính phủ vẫn phải đi "mua" của nước ngoài
- 12-12-2022'Cha đẻ' ngành chip Đài Loan cảnh báo hồi kết của toàn cầu hóa
- 12-12-2022Thị trường Đông Nam Á đang đứng trước một “cú nhảy bungee”
Các đám cháy do nhiệt và khí mê-tan cứ bùng phát lên. Một số đám cháy sâu bên dưới đống rác có thể cháy âm ỉ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trong khi những người làm việc gần đó vẫn lọc rác để tìm các mặt hàng để bán. Trong năm nay, Sở Cứu hoả Delhi đã ứng phó với 14 đám cháy tính đến hiện tại.
Một cư dân trong cộng đồng có 200.000 người sống tại Bhalswa nói rằng khu vực này không thể ở được nhưng họ cũng không đủ khả năng để chuyển đi. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hít thở không khí độc hại và tắm trong nguồn nước bị ô nhiễm.
Bhalswa không phải là bãi rác lớn nhất của Delhi. So với bãi rác lớn nhất là Ghazipur, Bhalswa vẫn thấp hơn 3 mét. Cả hai đều “đóng góp” vào tổng sản lượng khí mê-tan của đất nước.
Khí mê-tan là khí nhà kính nhiều thứ hai sau carbon dioxide, nhưng là nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu mạnh hơn vì mê-tan giữ nhiệt nhiều hơn. Theo GHGSat, cơ quan giám sát khí mê-tan qua vệ tinh, Ấn Độ thải ra khí mê-tan từ các bãi rác nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Ấn Độ chỉ đứng sau Trung Quốc về tổng lượng phát thải khí mê-tan, theo Cơ quan theo dõi khí mê-tan toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết việc loại bỏ những núi rác này và biến chúng thành các khu vực xanh đang được tiến hành nhằm hiện thực hoá sáng kiến “Ấn Độ sạch.” Nếu đạt được mục tiêu đó sẽ có thể giảm bớt phần nào nỗi khổ của những cư dân sống gần những bãi rác này và giúp thế giới giảm lượng khí thải nhà kính.
Ấn Độ muốn giảm sản lượng khí mê-tan nhưng nước này vẫn chưa tham gia cùng với 130 quốc gia đã ký Cam kết khí mê-tan toàn cầu. Đây là một hiệp ước nhằm cắt giảm chung lượng khí thải mê-tan của thế giới ít nhất 30% so với mức năm 2020 vào năm 2030.
Các nhà khoa học ước tính mức giảm có thể cắt giảm mức tăng nhiệt độ toàn cầu 0,2% và giúp thế giới đạt được mục tiêu giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Ấn Độ cho biết họ sẽ không tham gia vì phần lớn lượng khí thải mêtan của họ đến từ hoạt động nông nghiệp. Bãi rác thải ra dưới 15% khí mê-tan trong khi động vật trong các trang trại và ruộng lúa thải đến 74%.
Trong một tuyên bố vào năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Ashwini Choubey cho biết cam kết giảm tổng sản lượng khí mê-tan của Ấn Độ có thể đe dọa sinh kế của nông dân và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và thương mại của Ấn Độ.
Nhưng việc phải giảm khí mê-tan từ những đống rác bốc khói cũng là một thách thức không thể né tránh.
Lời hứa vẫn chỉ là lời hứa
Khi người đàn ông 72 tuổi tên Narayan Choudhary chuyển đến Bhalswa vào năm 1982, ông thấy đó là một nơi “tuyệt đẹp.” Nhưng 12 năm sau, tất cả đã thay đổi kể từ khi những đống rác đầu tiên bắt đầu đổ đến bãi rác địa phương.
Sau đó, bãi rác Bhalswa đã phát triển đến gần bằng chiều cao của Taj Mahal nổi tiếng lịch sử, trở thành một “địa danh” theo ý nghĩa không mấy tích cực. Nó ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người sống ở đó.
Choudhary mắc bệnh hen suyễn mãn tính. Ông nói mình đã từng suýt chết khi một đám cháy lớn bùng phát tại Bhalswa vào tháng Tư và tiếp tục cháy trong nhiều ngày liên tiếp. “Tôi đã ở trong tình trạng tồi tệ. Mặt và mũi của tôi bị sưng tấy. Lúc ấy tôi đã nghĩ mình không qua khỏi được,” ông nói.
“Hai năm trước, nhiều cư dân trong khu vực này đã phản đối để có thể loại bỏ bãi rác nhưng thành phố không hợp tác với chúng tôi. Họ đảm bảo với chúng tôi rằng mọi thứ sẽ tốt hơn sau hai năm. Nhưng đến giờ này rồi cũng làm gì có sự cứu trợ nào.”
Theo một báo cáo năm 2020 về các bãi chôn lấp của Ấn Độ từ Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) - một cơ quan nghiên cứu phi lợi nhuận ở New Delhi - bãi rác này đã không còn sức chứa vào năm 2022. Nhưng vì không có tiêu chuẩn hóa của chính phủ trong các hệ thống tái chế và các nỗ lực lớn hơn của ngành để giảm nhựa tiêu thụ và sản xuất, hàng tấn rác tiếp tục đến địa điểm này hàng ngày.
Bhalswa không phải là bãi rác duy nhất mà là một trong ba bãi rác lớn ở Delhi. Những bãi rác này tràn ngập chất thải đang phân huỷ và thải khí độc vào không khí. Cả nước có hơn 3.100 bãi rác. Ghazipur là lớn nhất ở Delhi, cao 65 mét (213 feet). Giống như Bhalswa, nó đã vượt qua khả năng xử lý chất thải vào năm 2002 và hiện đang tạo ra một lượng khí mê-tan khổng lồ.
Ảnh: CNN
Theo GHGSat, vào một ngày duy nhất trong tháng 3, có hơn 2 tấn khí metan rò rỉ từ địa điểm này mỗi giờ.
Giám đốc điều hành của GHGSat Stephane Germain cho biết: “Nếu duy trì trong một năm, khí mê-tan rò rỉ từ bãi rác này sẽ có tác động đến khí hậu tương đương lượng khí thải hàng năm từ 350.000 ô tô của Mỹ.”
Độc tố nguy hiểm trong nước ngầm
Khí thải mê-tan không phải là mối nguy hiểm duy nhất bắt nguồn từ các bãi chôn lấp như Bhalswa và Ghazipur. Qua nhiều thập kỷ, các chất độc nguy hiểm đã ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho hàng nghìn cư dân sống gần đó.
Vào tháng 5, CNN đã ủy quyền cho hai phòng thí nghiệm được công nhận để kiểm tra nước ngầm xung quanh bãi rác Bhalswa. Theo kết quả, nước ngầm trong bán kính ít nhất 500 mét xung quanh bãi thải bị ô nhiễm.
Ảnh: CNN
Trong báo cáo phòng thí nghiệm đầu tiên, mức độ amoniac và sunfat trong nước ở đây cao hơn đáng kể so với giới hạn chấp nhận được do chính phủ Ấn Độ quy định.
Kết quả từ báo cáo phòng thí nghiệm thứ hai cho thấy mức tổng chất rắn hòa tan (TDS) - lượng muối vô cơ và chất hữu cơ hòa tan trong nước - được phát hiện trong một trong các mẫu gần gấp 19 lần giới hạn cho phép, tức là nước này không an toàn để con người uống.
Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ đặt giới hạn TDS có thể chấp nhận được ở mức 500 miligam/lít, một con số được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là “tốt.” Bất cứ thứ gì trên 900 mg/l được WHO coi là “kém” và trên 1.200 mg/l sẽ là “không thể chấp nhận được.”
Theo Richa Singh từ Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), TDS của nước lấy gần khu vực Bhalswa là từ 3.000 đến 4.000 mg/l. Cô nói: “Nước này không chỉ không nên uống mà còn không nên để tiếp xúc với da. Vì thế, nó không thể được sử dụng cho các mục đích như tắm rửa, làm sạch đồ dùng hoặc làm sạch quần áo.”
Giám đốc cấp cao về ung thư y tế tại Viện nghiên cứu Fortis Memorial là tiến sĩ Nitesh Rohatgi kêu gọi chính phủ nghiên cứu sức khỏe của người dân địa phương và so sánh với các khu vực khác của thành phố. “Chúng tôi không muốn trong 15 đến 20 năm nữa phải nhìn lại và hối tiếc khi thấy mọi người có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn, nguy cơ mắc các vấn đề về sức khoẻ cũng cao hơn. Nếu sửa chữa kịp thời thì mọi thứ đã khác.”
Hầu hết người dân ở Bhalswa dựa vào nước đóng chai để uống, nhưng họ sử dụng nước địa phương cho các mục đích khác. Nhiều người nói rằng họ không còn lựa chọn nào khác.
“Nước chúng tôi lấy để dùng bị ô nhiễm nhưng vẫn cứ đành bất lực dự trữ và sử dụng nó để rửa đồ dùng, tắm rửa và đôi khi cũng phải chấp nhận mà uống luôn,” cư dân tên Sonia Bibi cho biết. Người này có chân bị nổi mẩn đỏ dày đặc.
Ông cụ 87 tuổi tên Jwala Prashad sống trong một túp lều nhỏ trong một con hẻm gần bãi rác. Ông cụ cho biết đống rác thối rữa đã biến cuộc sống của ông thành “địa ngục trần gian”.
“Nước chúng tôi sử dụng có màu đỏ nhạt. Da tôi bỏng rát sau khi tắm,” ông nói khi đang cố gắng xoa dịu những vết lằn đỏ trên mặt và cổ.
“Nhưng tôi không đủ khả năng để rời khỏi nơi này.”
Tham khảo CNN
Nhịp Sống Thị Trường