MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế Mỹ "họa vô đơn chí": Chưa thể vực dậy sau khủng hoảng Covid-19, giờ đây lại chìm sâu trong bạo lực và biểu tình

01-06-2020 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Bloomberg nhận định, việc mở cửa lại hoạt động kinh tế của Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khi nước này đang đối mặt với những mối lo chồng chất về sự bùng phát của Covid-19 và suy thoái kinh tế. Chưa dừng ở đó, hiện tại, các thành phố trên cả nước, từ New York, Chicago đến Los Angeles, đang chìm trong tình trạng bất ổn vì biểu tình.

Tình trạng bạo lực đã nổ ra ở hàng chục thành phố tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Khi cuộc biểu tình diễn ra, một số người đã tràn vào các khu mua sắm lớn và thậm chí đốt xe cảnh sát và các tòa nhà trong thành phố. Sự hỗn loạn này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật để hồi phục từ "chế độ ngủ đông" khi Covid-19 bùng phát khiến hơn 104.000 người tử vong.

Kinh tế Mỹ họa vô đơn chí: Chưa thể vực dậy sau khủng hoảng Covid-19, giờ đây lại chìm sâu trong bạo lực và biểu tình - Ảnh 1.

Một số cửa hàng bị người biểu tình đốt cháy tại quận Fairfax - Los Angeles.

Khung cảnh hiện tại dường như trái ngược với những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán, nhờ những biện pháp kích thích chưa từng có của chính phủ đối với hoạt động kinh doanh cho đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Đà tăng 36% của S&P 500 đã đưa chỉ số này lên mức cao nhất trong 20 năm.

Mark Zandi – kinh tế gia trưởng tại Moody’s Analytics, nhận định: "Tôi cho rằng mọi người đang quay về với suy nghĩ rằng công việc của họ sẽ quay trở lại hoặc quay trở lại nhanh chóng. Đây là tất cả những gì liên quan đến căng thẳng về phân biệt chủng tộc và sự giận dữ của người dân. Điều này nhấn mạnh chiều sâu của tâm lý tuyệt vọng đang diễn ra tại Mỹ", ông đề cập đến tỷ lệ thất nghiệp 20% và 50 triệu lao động đã mất việc hoặc bị cắt giảm lương.

Kinh tế Mỹ họa vô đơn chí: Chưa thể vực dậy sau khủng hoảng Covid-19, giờ đây lại chìm sâu trong bạo lực và biểu tình - Ảnh 2.

Xe cảnh sát bị người biểu tình đốt cháy.

Biểu tình bạo lực diễn ra khiến Amazon buộc phải thu hẹp quy mô giao hàng và đóng cửa các trạm giao hàng, tại một số thành phố bao gồm Chicago, Los Angeles và Portland. Target đã đóng cửa 32 cửa hàng quanh trụ sở tại Minneapolis và tiếp tục cho hàng chục cửa hàng khách trên toàn quốc ngừng hoạt động tạm thời. Ngoài ra, Apple mới đây cũng thông báo đóng cửa một số cửa hàng. Hình ảnh về những chiếc xe bị đốt cháy, cướp bóc, và người biểu tình bạo lực bị cảnh sát bắt giữ có thể khiến các doanh nghiệp suy nghĩ lại về việc thu hút khách hàng trở lại, trong bối cảnh họ lo ngại về việc ra khỏi nhà do dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, sau khi tăng vọt vào giữa tháng 3, Chỉ số Giãn cách Xã hội của Fed Dallas – theo dõi mức độ giãn cách vật lý và sự tác động với hoạt động kinh tế, đã bắt đầu giảm dần khi các tiểu bang bắt đầu dỡ bỏ quy định hạn chế đối với sự tương tác trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.

Mike Englund – kinh tế gia trưởng tại Action Economics, nhận định: "Tác động của tình trạng bạo loạn có thể lớn hơn đối với các thước đo niềm tin của người tiêu dùng trong hàng ngày và hàng tuần – dù đang có xu hướng tăng nhẹ kể từ giữa tháng 4, nhưng đang có thể sẽ sụt giảm vào đầu tháng 6."

Hiện tại, các thành phố vốn đang gặp khó khăn về ngân sách do tác động của Covid-19 khó có khả năng trả lương cho cảnh sát làm thêm giờ, để thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh và giải quyết thiệt hại do các cuộc biểu tình. 

Ngay cả trước khi sự việc này xảy ra, Fed và chính quyền ông Trump đã chịu áp lực vì phải hỗ trợ nhiều hơn cho các bang và thành phố. Theo đó, các nhà hoạt động vì sự tiến bộ đã đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính của các thành phố đối với với các sở cảnh sát, trong khi một số dịch vụ khác đã bị cắt giảm.  

Thị trưởng Washington D.C - Muriel Bowser, mới đây cho biết bà lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể khiến số ca lây nhiễm nCoV tăng lên tại thành phố mới chỉ bắt đầu mở cửa lại vào ngày 29/5. Bà nói: "Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy tình trạng tụ tập đám đông, trong khi chúng tôi đã rất nỗ lực trong 8-10 tuần qua để không có bất kỳ cuộc tụ tập lớn nào."

Trong khi đó, thị trưởng thành phố New York - Bill de Blasio, cũng nêu lên mối lo ngại tương tự về khả năng lây nhiễm virus khi người biểu tình luôn có tiếp xúc gần. Ông cho biết tình trạng bạo lực sẽ không trì hoãn việc mở cửa trở lại của thành phố, nhưng chi phí của việc đảm bảo an ninh trong những ngày xảy ra biểu tình sẽ tăng lên, khi ngân sách đã gặp khó khăn do tác động kinh tế từ việc phong tỏa.

Tham khảo Bloomberg

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên