MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán kinh tế: Tối ưu chi tiêu bằng cách mua những món đồ rẻ hơn là sai lầm?

29-01-2024 - 09:45 AM | Sống

Tối ưu chi tiêu là cụm từ chúng ta đều đã ít nhiều nghe qua, nhưng làm sao để tối ưu chi tiêu thì không phải ai cũng biết.

Muốn đầu tư, phải có tiền. Muốn có tiền, phải biết tiết kiệm; mà để tiết kiệm được, tối ưu chi tiêu là một trong những yếu tố then chốt. Câu chuyện cần bàn lúc này chính là phải làm sao để tối ưu chi tiêu?

Nếu bạn vẫn còn mập mờ về cách tối ưu chi tiêu, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của PGS.TS. Võ Đình Trí, chủ kênh Youtube "Chàng - Ngốc - Già". PGS.TS. Võ Đình Trí hiện đang giảng dạy Tài chính tại IPAG Business School Paris (Pháp), đồng thời là giảng viên của ĐH Kinh tế Tp.HCM (UEH), thành viên Ban Tài chính của Tổ chức AVSE Global.

Bài toán kinh tế: Tối ưu chi tiêu bằng cách mua những món đồ rẻ hơn là sai lầm? - Ảnh 1.

PGS.TS. Võ Đình Trí

Sai lầm phổ biến chí mạng: Tiết kiệm = mua đồ rẻ

Theo PGS.TS. Võ Đình Trí, giá cả và chất lượng là 2 yếu tố then chốt cần quan tâm, cũng chính là cơ sở để đánh giá việc chi tiêu của bạn có tối ưu hay không.

Nhiều người chỉ quan tâm về giá cả mà bỏ đi yếu tố chất lượng, hoặc ngược lại. Thói quen này tạo ra 2 nhóm người: Một nhóm luôn ưu tiên các sản phẩm giá rẻ, cứ rẻ là mua, không quan trọng món đồ ấy có tuổi thọ sử dụng trong bao lâu; Một nhóm lại chỉ ưu tiên chất lượng, luôn chọn mua những món đồ tốt nhất, có đắt cũng chẳng sao. Từ quan điểm và góc nhìn của PGS.TS. Võ Đình Trí, cả 2 nhóm người này đều đang chi tiêu chưa tối ưu.

"Để biết bản thân có đang chi tiêu tối ưu hay không, bạn hãy thử lấy giá thành sản phẩm chia cho tuổi thọ sản phẩm để tính mức giá sử dụng trong vòng 1 ngày.

Tôi lấy ví dụ thế này: Bạn A mua 1 đôi giày 3,5 triệu đồng và đi được 4 năm chưa hỏng, tính ra bạn A chỉ mất khoảng 2400đ/ngày cho việc sử dụng đôi giày này.

Bạn B mua một đôi giày 350.000đ nhưng đi được 3 tháng đã hỏng. Như vậy, bạn B mất khoảng 5800đ/ngày cho việc sử dụng đôi giày này.

Rõ ràng, số tiền bạn A bỏ ra cao hơn bạn B với cùng một sản phẩm, nhưng bạn A lại đang chi tiêu tối ưu hơn so với bạn B" - PGS.TS. Võ Đình Trí đưa ra ví dụ.

Bài toán kinh tế: Tối ưu chi tiêu bằng cách mua những món đồ rẻ hơn là sai lầm? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sau đó, vị PGS.TS này cũng khẳng định ngoài việc đánh giá tính tối ưu của khoản chi dựa vào mức giá sử dụng trong 1 ngày, mỗi cá nhân cũng cần cân nhắc tính hợp lý của các khoản chi tiêu dựa theo tính chất công việc và đam mê, sở thích cá nhân của mình.

"Một gamer, streamer chuyên nghiệp có thể đầu tư 400-500 triệu cho một dàn máy tính, vì đó là công cụ làm việc, kiếm tiền của họ. Đây vẫn được tính là khoản chi tiêu tối ưu, hợp lý. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đơn thuần là một người thích chơi game, mà lại chi từng đó tiền để phục vụ nhu cầu giải trí của mình, khoản chi này có lẽ cần được xem xét lại" - PGS.TS. Võ Đình Trí chia sẻ.

2 điều cần làm để bắt đầu tối ưu chi tiêu

Sau khi chia sẻ về cách đánh giá các khoản chi tiêu, PGS.TS. Võ Đình Trí cũng chỉ ra 2 điều cần thực hiện càng sớm càng tốt để hình thành thói quan tối ưu chi tiêu.

1 - Ghi chép lại toàn bộ các khoản chi tiêu trong ngày

Đây là việc rất đơn giản, không cần tốn nhiều thời gian hay sức lực nhưng lợi ích nó mang lại là vô cùng lớn.

Bài toán kinh tế: Tối ưu chi tiêu bằng cách mua những món đồ rẻ hơn là sai lầm? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Nếu ngày nào bạn cũng ghi lại các khoản chi tiêu của mình, đến cuối tháng, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quen về thói quen chi tiêu của bản thân. Khả năng cao là bạn sẽ nhận ra ngay có những khoản chi tiêu cao bất thường và cũng không mấy hợp lý. Từ đó, bạn mới có cơ sở để lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm vào những tháng sau đó" - PGS.TS. Võ Đình Trí khẳng định.

2 - Rèn luyện tính kỷ luật

PGS.TS. Võ Đình Trí cho rằng thách thức lớn nhất trong việc quản lý chi tiêu nói chung và tối ưu chi tiêu nói riêng chính là tính kỷ luật.

"Kiến thức thì đâu phải chúng ta không biết nhưng chúng ta trì hoãn hoặc không giữ mình được trước cám dỗ của việc chi tiêu, dẫn đến việc tối ưu chi tiêu vẫn cứ là câu chuyện của ngày mai, mà ngày mai đó thì chưa biết lúc nào sẽ tới" - PGS.TS. Võ Đình Trí chia sẻ nửa đùa, nửa thật.

Sau đó, PGS.TS. Võ Đình Trí cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong việc rèn luyện tính kỷ luật: "Mỗi sáng sau khi thức dậy, tôi sẽ uống một ly nước ấm, gấp gọn chăn gối và tập thể dục trong khoảng 15 phút. Tôi cũng bắt đầu ép mình duy trì thói quen chạy bộ mỗi ngày, ban đầu mình còn chưa quen thì mình đi bộ nhanh, rồi sau đó tăng dần tốc độ. Bạn có thể thử tham khảo 2 cách này và cố gắng duy trì trong vòng ít nhất 2 tuần, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình bắt đầu ngăn nắp và có tính kỷ luật hơn.

Tính kỷ luật nên được hình thành từ những thói quen nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như vậy"

.

Theo Ngọc Linh

Phụ nữ mới

Trở lên trên