MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bản chất ác độc nhất của nhân tính con người: Thích suy diễn, giỏi áp đặt! Đừng biến bản thân thành nạn nhân của ĐỊNH KIẾN

04-10-2019 - 07:05 AM | Sống

Ngoài kia, sẽ có người trân trọng yêu thích chúng ta, có người lại chỉ trích trách mắng chúng ta. Liệu điều có thể chứng tỏ được bản chất một con người tốt hay xấu hay không?

Thời đại sống nhanh và cạnh tranh lên ngôi, chúng ta có quá ít thời gian để từ từ tìm hiểu về bản chất của mỗi sự vật, con người xung quanh. Do đó, vô hình chung, thói quen suy diễn, lấy cái nhìn của mình áp đặt lên người khác lại càng phổ biến trong đại đa số.

Tác giả cuốn "Vươn lên hoặc bị đánh bại" Lý Thượng Long, người Trung Quốc, từng kể rằng: Có lần ông đi tàu điện ngầm, cầm trên tay cuốn "Phong nhũ, phì đồn" (hiểu theo nghĩa đen là: "Mông to, ngực nẩy"). Những người xung quanh vừa liếc nhìn tiêu đề, lập tức lắc đầu quay đi trong sự khinh bỉ.

Ánh mắt họ dường như đang lên án một cách vô hình rằng: "Ấy vậy mà có người dám cầm loại sách bậy bạ này để đọc ở nơi công cộng."

Thực chất, cuốn "Phong nhũ, phì đồn" được dịch ra tên "Báu vật của đời", nói về sự sinh, sự chết và sự sống thông qua cuộc đời một người phụ nữ nhà quê để khái quát cả giai đoạn lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Đây là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mạc Ngôn, ngay khi vừa xuất bản năm 1995 đã trở thành một hiện tượng và được trao giải cao nhất của Hội Nhà văn Trung Quốc về truyện trong năm đó.

Một lần khác, Lý Thượng Long lại cầm trong tay cuốn sách "Hy vọng luôn luôn ở đó" tới phòng nghỉ của giáo viên. Một nhà giáo đi qua, liếc nhìn đầu sách rồi nói với giọng đùa cợt rằng: "Không ngờ ông cũng đọc thể loại hạt giống tâm hồn này nhỉ."

Điều mà vị giáo viên đó không biết là, "Hy vọng luôn luôn ở đó" là một cuốn sách kể về lịch sử Campuchia đau thương và khốc liệt vào thời Khmer Đỏ của nhà báo Patricia McCormick, tên gốc là "Never Fall Down". Cháy trong câu chuyện là tinh thần bảo vệ hòa bình, bảo vệ quốc gia của một dân tộc.

Bản chất ác độc nhất của nhân tính con người: Thích suy diễn, giỏi áp đặt! Đừng biến bản thân thành nạn nhân của ĐỊNH KIẾN - Ảnh 1.

Thông qua câu chuyện nhỏ, người ta nhận ra rằng: Nếu không thật sự hiểu rõ, đừng suy diễn, cũng đừng "bình loạn". Áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác một cách vô cớ là hành động ác ý nhất của con người. Chúng ta không thể dùng tư duy của mình để đặt vào hoàn cảnh của người khác, cũng như không thể dùng định kiến bề ngoài để nhận xét bản chất bên trong của bất cứ hiện tượng hay sự vật gì.

Giống như điển tích khi xưa của Trang Tử và Huệ Tử, hai vị triết gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cùng dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: "Cá du ra chơi thong thả, đó là niềm vui của cá."

Huệ Tử đáp: "Bác không phải cá, sao biết được niềm vui của cá?"

Trang Tử nói: "Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết niềm vui của cá?"

Huệ Tử nói: "Tôi không phải bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác vốn không phải cá, thì hẳn là bác không biết được niềm vui của cá."

Trang Tử nói: "Vẫn là câu cũ. Bác hỏi tôi sao biết được niềm vui của cá, thế là bác đã biết tôi biết mà hỏi tôi. Tôi thì biết điều đó ở trên sông Hào này."

Khi không hiểu về người khác, chúng ta đừng dễ dàng đưa ra bất cứ kết luận nào. Mỗi con người đều sống trong một thế giới của riêng mình, trải qua những chuyện khác nhau, đối mặt những vấn đề khác nhau, và có lối tư duy chẳng ai giống ai hoàn toàn.

Bản chất ác độc nhất của nhân tính con người: Thích suy diễn, giỏi áp đặt! Đừng biến bản thân thành nạn nhân của ĐỊNH KIẾN - Ảnh 2.

Có thể thế giới của bạn là một chiến thuyền hoa rộng lớn, có ăn có uống, của ngon vật lạ, có rất nhiều những người may mắn tương tự xung quanh. Nhưng cũng có người không giống vậy, thế giới của họ chỉ là một chiếc bè gỗ, ba chìm bảy nổi, lênh đênh giữa những cơn sóng lớn không biết ngày mai sẽ ra sao. Do đó, bạn đừng bao giờ hỏi họ rằng: "Tại sao không sống chậm lại, ngẩng đầu nhìn ngắm cảnh biển tuyệt đẹp xung quanh?"

Hoàn cảnh khác biệt sẽ tạo nên khác biệt về tính cách, dẫn tới khác biệt về cuộc đời. Chúng ta chỉ cần tập trung năng lượng và thời gian vào sự khác biệt của chính mình, không cần tìm cách đồng hóa tất cả mọi người như nhau. Khi bạn hiểu mình, hiểu người, bạn sẽ nhận ra bản thân không có quyền phán xét người khác.

Ngoài kia, sẽ luôn có người trân trọng bạn, cũng luôn có người chỉ trích và phê bình bạn. Nhưng vì cách suy nghĩ và sở thích mỗi người mỗi khác, không đánh giá người khác là một kiểu tu dưỡng thì không để bản thân sống trong sự đánh giá của người khác chính là một kiểu rèn luyện. Đừng biến bản thân mình hay bất cứ ai trở thành nạn nhân của miệng lưỡi định kiến.

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên