Bạn có bao giờ tự hỏi, sống vì vật chất vì đồng tiền nhiều quá liệu có ổn không?
Xã hội ngày càng phát triển và nhiều người chỉ quan tâm đến lợi nhuận, đồng tiền trước mắt mà tự chà đạp lên phẩm chất, danh dự và tình cảm của bản thân. Kể cả khi những giá trị vô hình được nhắc đến, nó vẫn xếp sau vật chất.
Ví dụ, nếu lấy tinh thần làm gốc, sẽ không đầy rẫy các thương hiệu sản xuất và chế biến đồ ăn bẩn trên thị trường. Chưa bao giờ người dân nơm nớp lo sợ, chẳng dám lượn hàng quán và cũng chưa bao giờ các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân liên tiếp bị ngộ độc thực phẩm như hiện nay.
Nếu lấy tinh thần làm gốc, sẽ không có các công ty vận tải bị cáo buộc cắt giảm ngân sách bảo trì để tối đa hóa lợi nhuận, thu về một lượng lớn tiền hàng năm nhưng lại gây ra hàng loạt tai nạn liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Nếu lấy tinh thần làm gốc, nhiều công ty thời trang đã chẳng tung ra mẫu mới, quảng cáo nhiệt tình, thuyết phục người mua để rồi sau đó phải cố gắng xả hàng với giá phải chăng trước khi nhập tiếp lô mới. Tương tự với việc trang điểm, khi các tập đoàn mỹ phẩm dành hàng tỷ đô la sáng tạo nên các sản phẩm thu hút phái đẹp thì tại sao lại không khiến họ tự tin hơn vào bản thân, rằng dù có hay không những đồ nghề phụ trợ thì phụ nữ cũng đã rất tuyệt rồi.
Đúng thế, lợi nhuận có vai trò quan trọng, đặc biệt khi ở trong một thế giới bị chi phối bởi đồng tiền. Chúng ta không thể chống lại quy luật hoạt động này mà thậm chí còn cần tuân thủ một vài nguyên tắc. Vì vậy, nếu nói ta cần tiền như một công cụ để sống và tồn tại thì hãy theo đuổi ước mơ, nỗ lực thành đạt để cống hiến cho đời. Hãy cố gắng cân bằng trong mọi phương diện.
Sống vì vật chất quá nhiều liệu có ổn không? Hành động với mục đích kiếm lời chỉ khiến người giàu càng thêm giàu còn nghèo thì sẽ mãi nghèo. Khi con người đưa ra những quyết định bị ảnh hưởng bởi tiền bạc và mong muốn tồn tại qua việc bòn rút túi tiền của người khác, xã hội có thể sẽ giàu hơn nhưng tuyệt nhiên không thể hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Làm điều tử tế thật chẳng dễ dàng nhưng lại vô cùng cần thiết. Bạn có thể tham khảo các câu hỏi dưới đây để tự vấn và cân bằng nhu cầu của mình:
- Hãy suy nghĩ về quyết định của mình, liệu nó có xu hướng thiên về vật chất hay tinh thần. Bạn quyết định dựa trên những gì mang đến lợi ích cộng đồng hay làm thế nào để kiếm được nhiều tiền nhất?
- Trong tất cả những gì bạn làm, tiền có phải mục đích lớn nhất không?
- Chỉ vì sinh lợi mà bạn có thể làm mọi thứ kể cả khi nó vô bổ và dư thừa?
- Thành công của bạn ngày hôm nay là do lương của bạn hiện giờ hay nhờ những kinh nghiệm bạn tích lũy?
- Bạn có quy mọi thứ ra tiền không? Kể cả với những dự án phi lợi nhuận nhưng có khả năng đáp ứng nhu cầu cao hơn của bạn?
- Bạn đã bao giờ mua những thứ vớ vẩn để rồi lại phải vứt đi chưa? Hay khi lựa chọn, bạn luôn cân nhắc liệu nó sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến môi trường?
- Bạn từng chơi xấu đồng nghiệp để giành lấy cơ hội về mình?
- Bạn có coi thường những người thu nhập thấp vì nghĩ rằng đồng tiền quyết định giá trị của người đó? (Và điều này không đúng đâu nhé)
Ở một thế giới “tiền không phải nhưng gần như là tất cả” này, đi theo lương tâm quả rất khó khăn. Tuy nhiên, khi tập trung vào giá trị tinh thần, kể cả bạn có thu nhập cao hay không thì vẫn có thể nhận thức rõ vai trò đồng tiền trong điều kiện phát triển bền vững và cùng lúc cải thiện được nhân cách.
Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu được đong đầy bởi sự khích lệ, tình yêu, niềm vui của những người đề cao tình cảm, trọng nghĩa tình mà chống lại tính tham lam, ghen tỵ và ích kỷ.