Ban lãnh đạo chủ chốt của FPT quá già so với các công ty, tập đoàn công nghệ Việt
Dù có chủ trương trẻ hóa nhưng Hội đồng quản trị của FPT toàn những người già với độ tuổi trung bình lên tới gần 60, cao hơn rất nhiều so với độ tuổi trung bình của bộ máy lãnh đạo trong các công ty, tập đoàn công nghệ Việt.
- 15-09-2016Chủ tịch FPT 60 tuổi, nhân viên hát “Time to say goodbye”
- 14-09-2016VNM, FPT, IMP, KPF, CDO, DPS, TEG, S74: Thông tin giao dịch lượng lớn cổ phiếu
- 13-09-2016Sếp FPT giải thích về cái tên "Công ty công nghệ thực phẩm" dù chưa bao giờ đi bán đồ ăn
- 13-09-2016Mảng viễn thông tăng trưởng chóng mặt, FPT đang sốt sắng chuẩn bị tiền mua lại FPT Telecom từ SCIC?
- 12-09-2016Red River bán ra 3,7 triệu cổ phiếu FPT trong ngày cổ phiếu này đạt đỉnh
Bài hát “Time to say googbye” (tạm dịch: Đã đến lúc nói lời chia tay) được trình diễn trong hội diễn văn nghệ tập đoàn FPT nhân kỷ niệm 28 năm thành lập đang thu hút nhiều sự chú ý sau khi xuất hiện trên Internet. Nội dung bài hát thúc giục ông Trương Gia Bình về hưu ở tuổi 60, nhường vị trí lãnh đạo cho những người trẻ hơn. Không đơn thuần là ca khúc giải trí, bài hát còn phản ánh một thực trạng trong bộ máy lãnh đạo tối cao toàn những người “quá già” của Tập đoàn FPT.
Trong Hội đồng quản trị của FPT, ba nhân vật chủ chốt, quyết định toàn bộ chiến lược của FPT đều đã 59, 60 tuổi. Độ tuổi trung bình của các thành viên Hội đồng quản trị FPT là 58,2 trong khi mũi nhọn phát triển của tập đoàn là công nghệ, lĩnh vực rất cần đóng góp của người trẻ tuổi.
Đối với Ban giám đốc của Tập đoàn FPT, độ tuổi trung bình của Tổng giám đốc và các Phó tổng là 50,6. Trong đó người trẻ nhất là ông Nguyễn Thế Phương 39 tuổi. Năm 2010, FPT có Tổng giám đốc 40 tuổi, ông Trương Đình Anh. Nhiều người kỳ vọng ông Trương Đình Anh sẽ tạo ra làn gió mới cho FPT nhưng chỉ 18 tháng sau, vị Tổng giám đốc này đã rời bỏ HĐQT công ty vì “không thể thống nhất được ý chí của FPT”.
Trong khi FPT đang ngày càng già nua, tập đoàn này vẫn phải đương đầu với sự cạnh tranh từ các công ty, tập đoàn công nghệ khác với bộ máy lãnh đạo trẻ hơn rất nhiều, trong đó có Công ty VNG. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh sinh năm 1977. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc thường trực kiêm thành viên HĐQT - Vương Quang Khải sinh năm 1979. Đây cũng là 2 nhân sự quan trọng nhất của VNG.
So với các lãnh đạo chủ chốt tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), độ tuổi của lãnh đạo FPT cũng cao hơn rất nhiều dù một bên là tập đoàn tư nhân và một bên là Nhà nước. Cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, sinh năm 1962 trong khi CEO FPT Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956. Ông Hùng được cơ cấu vào vị trí Tổng giám đốc Viettel nhiều năm trước khi đảm trách vị trí này năm 2013.
Tại Viettel, ba nhân sự được đưa vào diện quy hoạch cho vị trí Tổng giám đốc và nắm 3 mảng kinh doanh chủ chốt của tập đoàn này, cũng có độ tuổi trẻ hơn rất nhiều so với FPT. Phó TGĐ Nguyễn Đình Chiến sinh năm 1969; Phó TGĐ Đỗ Minh Phương sinh năm 1969 và Phó TGĐ Tào Đức Thắng sinh năm 1973.
So sánh với thế giới, bộ máy lãnh đạo của FPT càng thể hiện rõ sự già nua. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Facebook, Mark Zuckerberg, sinh năm 1984 trong khi Tổng giám đốc của Google là Sundar Pichai, sinh năm 1972. Người già có kinh nghiệm nhưng lĩnh vực công nghệ cần lãnh đạo trẻ để tạo ra đột phá, nhất là trong bối cảnh lĩnh vực này phát triển liên tục không ngừng nghỉ.