Bạn muốn sống trong nhà cấp 4 với chiếc smart-phone hay dùng điện thoại cục gạch nhưng 5 năm sau ở biệt thự?
Liệu một người thu nhập 10 triệu có thể sẵn sàng bỏ ra 20 triệu để mua một chiếc smartphone cho sang mặt với bạn bè hay không? Hay người đó chỉ đang đánh đổi tất cả tài sản đảm bảo cho tương lai chính mình, các cơ hội đầu tư thay đổi cuộc đời - vào một thiết bị công nghệ xu hướng tồn tại trong 1-2 năm?
- 20-04-2018Bị chê "thiếu trách nhiệm về tài chính" nhưng thế hệ Millennial vẫn có bí quyết riêng để trở nên giàu có
- 10-04-2018Đừng để đồng tiền hủy hoại cuộc sống hôn nhân, đây là 5 bước giúp vợ chồng bạn vượt qua bất đồng tài chính một cách êm thấm
- 04-04-2018Chia sẻ gây bão mạng xã hội của giám đốc marketing: "Người trẻ Việt làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa"
Có rất nhiều những cách khác nhau để chúng ta quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Đa phần người trẻ, dù thu nhập cao hay thấp - đều không nghĩ nhiều đến việc phân bổ tiền của mình một cách hợp lý, để không chỉ có thể chi tiêu vừa đủ mà còn có thể lo cho tương lai. Anh Hà Trung Hiếu, hiện đang giữ vị trí Giám đốc kinh doanh của SohaGame - là một người trẻ thành công và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý chi tiêu cá nhân - sẽ cho chúng ta biết thêm về một phương pháp quản lý tài chính hiệu quả.
Mọi trường lớp đều dạy chúng ta cách kiếm thật nhiều tiền, nhưng làm gì với số tiền sau đấy thì lại chẳng ai dạy chúng ta biết cách quản lý và chi tiêu chính số tiền mình kiếm được cả. Và 90% những người bạn tôi biết luôn ca cẩm đúng 1 câu là "hết tiền vào cuối tháng" hay "chẳng biết tiền đi đâu mà hết" (?!)
Ngay khi bạn có thể quản lý tốt tài chính cá nhân của mình, bạn sẽ nhận ra được những sự thực về thói quen "tiêu-dùng-giàu-có-ảo". Liệu một người thu nhập 10 triệu có thể sẵn sàng bỏ ra 20 triệu đổ mua một chiếc smartphone cho sang mặt với bạn bè hay không? Hay người đó chỉ đang đánh đổi tất cả tài sản đảm bảo, phòng ngừa rủi ro cho tương lai chính mình, các cơ hội đầu tư thay đổi cuộc đời vào một thiết bị công nghệ xu hướng tồn tại trong vòng 1-2 năm?
Một hình ảnh sinh viên thành phố mới ra trường, đốt toàn bộ tiền lương của mình vào các collection của các hãng thời trang, đi resort, sắm điện thoại xịn và mua các món hàng hiệu vượt quá khả năng chi trả cơ bản. Để khi cần mua nhà, mua xe, hay một sự cố phát sinh trong cuộc đời lại ngửa tay xin bố mẹ... - đây không phải là hình ảnh lành mạnh về tài chính hay một cá nhân trưởng thành độc lập. Đừng cố chứng tỏ là bạn "giàu có" khi kế hoạch tài chính của bạn không tự nói lên điều đó.
Nói về phương pháp Quản lý Tài chính cá nhân thì chắc nổi tiếng nhất là phương pháp Jars (cái hũ) được phát minh bởi T. Harv Eker (tác giả quyển Secret of Millionaire Mind). Gọi là phương pháp "cái hũ" bởi vì tiền của bạn sẽ được chia đều cho 6 cái hũ tượng trưng cho 6 tài khoản cá nhân.
Hãy hình dung khi bạn nhận được thu nhập mỗi tháng (có thể là tiền lương, hoặc tiền từ bố mẹ, hoặc bất cứ nguồn thu nào khác, ít hay nhiều không quan trọng). Số tiền đó sẽ được chia cho các hũ được đánh dấu như sau với số phần trăm tương ứng:
1. NEC (Neccessities) - Tài khoản chi tiêu cần thiết - 55%
Khoản để chi tiêu hàng ngày cho ăn, mặc, ở, hẹn hò, giao lưu, mua sắm...
2. LTSS (Long Term Saving for Spending) – Tài khoản tiết kiệm tiêu dùng cho tương lai - 10%
Dùng cho các kế hoạch dài hơi, mua nhà, mua xe...
3. EDU (Education) – Tài khoản giáo dục - 10%
Cho việc học hành, nâng cao kiến thức, từ đó có các công việc, cơ hội tốt hơn cho tương lai.
4. FFA (Financial Freedom) – Tài khoản tự do tài chính - 10%
Dùng cho các dự án và kế hoạch đầu tư, mở cửa hàng, hùn vốn.
5. PLAY - Tài khoản hưởng thụ - 10%
Để tự thưởng cho bản thân vì xinh gái đẹp trai, để đi du lịch, mua hàng hiệu, đi phẫu thuật thẩm mỹ...
6. GIVE - Tài khoản từ thiện - 5%
Dùng đúng như tên gọi.
Tuy nhiên, khó ai làm theo đúng phương pháp Jars được cả vì phân chia vụn vặt mất công quá và khó mà ai nhớ hết để làm theo được. Phương pháp này cơ bản chỉ để chúng ta tưởng tượng một bức tranh về cái ví của mình sẽ đi đâu về đâu. Sau gần 6 năm tự quản lý tài chính cá nhân của bản thân đủ để gọi là học thuộc lòng số tiền mình có mỗi tháng, hiện tại tôi chỉ đơn giản chia thu nhập của mình làm 3 quỹ chính:
1. Quỹ tiêu dùng (SPEND): 50-60% tổng thu nhập
- Dùng làm gì: Dùng để tiêu pha cho những chi phí cần thiết, như là ăn uống, đi lại, kể cả mua sắm những thứ cần thiết cho bản thân. Có thể bạn sẽ thắc mắc là nhu cầu mỗi người khác nhau, liệu 50% có thể đủ hay không. Thật sự là thống kê cho thấy thì 50 - 60% này sẽ là đủ đối với thu nhập của bạn, nếu bạn thấy bạn cần nhiều hơn nữa, chứng tỏ việc chi tiêu của bạn chưa hợp lý.
Tác dụng của tài khoản này là để cho bạn biết được giới hạn chi tiêu của mình là bao nhiêu, từ đó bạn sẽ thay đổi lối sống cho phù hợp với điều kiện của mình. Còn khi bạn chưa bao giờ lên kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ thường xuyên chi tiêu vô tội vạ và lấn vào các tài khoản khác.
- Cách dùng: Đơn giản là cứ tiêu thôi
- Xét theo nguyên tắc "cái hũ" thì quỹ SPEND này sẽ = NEC + PLAY ở trên.
2. Quỹ tiết kiệm (SAVING): 25% tổng thu nhập
- Dùng làm gì: Quỹ này bạn sẽ phải để dành một khoảng thời gian khá lâu để cho những chi tiêu lớn trong tương lai (ví dụ như sắm xe, mua nhà, dành dụm cho đám cưới, đi phẫu thuật thẩm mỹ để kiếm đại gia...) hoặc gọi là quỹ dự phòng tài chính cho các trường hợp ốm đau, tai nạn, mất việc...
- Cách dùng: Quỹ tiết kiệm thì không được đem đi đầu tư mà phải để ở nơi có rủi ro thấp nhất. Tốt nhất là nên đem gửi ngân hàng, cổ phiếu quỹ, gửi vào các quỹ bảo hiểm, có thể chuyển thành vàng hoặc ngoại tệ cho khỏi rớt giá.
- Xét theo nguyên tắc "cái hũ" thì quỹ SAVING này sẽ = LTSS ở trên
3. Quỹ đầu tư (INVEST): 15-25% thu nhập
- Dùng làm gì: 1000 người Việt Nam sẽ hỏi là tôi là cá nhân, tôi sống no đủ là đủ, tôi cần đầu tư làm gì, tôi cũng có biết gì mà đầu tư đâu. Đầu tư cá nhân là 1 thuật ngữ khá xa lạ với người Việt. Nhưng tin tôi đi, ngay từ khi lương tôi chỉ 4 triệu, tôi đã lập cho mình 1 quỹ đầu tư của riêng mình. Để làm gì? Để khi một cơ hội đến, bạn không bỏ lỡ nó.
Ví dụ: năm 2016, bạn mua 100 bitcoin với giá chỉ 500,000 VNĐ (năm trăm ngàn Việt Nam đồng) thì đến năm 2018 này, giá trị của bạn đang có trong ví sẽ nhân lên thành khoảng 16 tỷ đồng.
- Cách dùng: Với người an toàn hoặc đang ủ mưu, gửi ngân hàng sinh lãi cũng là một cách đầu tư. Ngoài ra có thể đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, nhỏ nhắn hơn có thể hùn vốn vào các business nhỏ cùng bạn bè, mở cửa hàng ăn, quán caffe, shop quần áo... Trước đây tôi cũng dùng quỹ này đầu tư vào 1 số shop nhỏ của bạn bè, thu hồi vốn nhanh trong 6-12 tháng, lãi cũng được vài chục triệu mỗi lần, cũng bằng 2-3 tháng lương của tôi hồi đó. Tóm lại quỹ này sẽ quyết định ai giàu ai nghèo trong tương lai. Còn đầu tư vào đâu, như thế nào, bạn sẽ phải tự học hỏi hoặc nhờ tư vấn với bạn bè hoặc các chuyên gia đầu tư.
Lập cái quỹ đầu tư này là cái tôi thấy yêu thích nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân, vì luôn cho bạn 1 khoản tiền để bạn mạo hiểm làm thứ mình thích, mở ra các cơ hội mới. Mà nhất là, khi trong ví bạn luôn sẵn sàng một khoản tiền, gọi là "đầu tư" thì đầu óc bạn sẽ luôn được khơi thông, dồi dào các ý tưởng, hoạt bát, mới mẻ...
- Xét theo nguyên tắc "cái hũ" thì quỹ INVEST này sẽ = FFA + EDU + GIVE ở trên
(tôi thích ý tưởng đầu tư cho giáo dục chính là một khoản đầu tư sinh lời nhất, và làm từ thiện chính là đầu tư tốt nhất cho tâm hồn)
Một số nguyên tắc khi lập quỹ từ kinh nghiệm cá nhân của bản thân sau 6 năm:
- Dù ít tiền hay nhiều tiền đều phải lập quỹ. Tôi lập quỹ từ khi lương mới chỉ 4 triệu, đến giờ chắc cũng phải 6-7 năm.
- Đã lập quỹ là phải nghiêm khắc với bản thân khi thực hiện, nếu tháng này tiêu vượt 1 chút, phải tự trừ vào tháng sau. Nếu không kế hoạch tài chính của bạn chắc chắn đổ bể.
- Một số người có xu hướng thắt chặt quỹ tiêu dùng SPEND tới bóp mồm bóp miệng, tôi không nghĩ đây là điều hay. Vì đây không phải là kế hoạch ngắn hạn mà là thứ theo bạn suốt nhiều năm, đường trường mới biết ai bền bỉ hơn ai nên đừng khắt khe với bản thân quá. Ví dụ như tôi là người thích đi du lịch, tôi có thể trích quỹ SPEND hàng tháng của mình phóng tay 1 chút, để có 1 khoản không tiêu hết, tích 2 3 tháng lại là có 1 cục để đi du lịch ngắn ngày, tôi nghĩ đây là giải pháp tốt cho các bạn thích đi du lịch.
- Nhiều người quá cẩn trọng có xu hướng lập quỹ tiết kiệm SAVING rất lớn, nhưng không bao giờ nên lớn hơn 30% tổng thu nhập (trừ khi bạn đang có 1 kế hoạch mua nhà, cưới... trong thời gian ngắn rất rõ ràng). Vì cơ bản tiền mà không đem lưu thông là tiền "chết".
- Không dùng tiền quỹ này để tiêu sang quỹ khác. Không dùng tiền SAVING để tiêu vào mua sắm SPEND, không vì INVEST mà dốc hết vốn liếng của nả SPEND, SAVING vào dùng hết. Trường hợp rủi ro bạn có phá sản, tiêu sạch sẽ khoản INVEST thì với 2 khoản còn lại bạn vẫn không bị ảnh hưởng, vẫn sống tốt, có khóc chút đỉnh vì tiếc tiền thôi chứ không đến mức đi tự tử. Trường hợp thấy cơ hội đầu tư cao, nên thay đổi tỷ lệ % phân bổ chứ không nên dùng tiền quỹ nọ đập vào quỹ kia, đây là nguyên tắc.
Một số vấn đề thường gặp:
- Muốn mua 1 cái iphone mới, nên trích trong quỹ nào? - Nếu điện thoại của bạn tự dưng hỏng, cần phải mua mới, trích từ quỹ SAVING. Nếu bạn thích chơi chảnh, upgrade lên cho bằng bạn bằng bè, điện thoại cũ vẫn xài ngon, trích quỹ SPEND (cái hay là sau khi lập và quản lý tốt quỹ SPEND, bệnh cuồng shopping của bạn sẽ được chữa trị triệt để, bạn sẽ hiểu được thứ bạn "muốn" và bạn "cần")
- Tự dưng trúng số độc đắc 1 tỷ, bổ sung vào quỹ nào? - Thu nhập nào cũng như nhau, chia đều vào các quỹ, nhưng nếu trúng số thật, thì bỏ 1 nửa đi du lịch cũng được, thoải mái đi, tùy bạn =))
- Làm sao để tránh tiêu quá quỹ SPEND mình đã lập ra? - Nguyên tắc với bản thân, đầu tháng rút hết tiền mặt trong quỹ SPEND ra xài, hết thì thôi, không rút tiếp, hạn chế dùng thẻ. Hoặc như tôi sử dụng 2 thẻ, đầu tháng chuyển số tiền định mức vào thẻ tiêu dùng. Quẹt hết thì nghỉ.
Trong đầu luôn có những giải pháp thay thế cho cùng một nhu cầu chi tiêu, 5 ngày ở resort có thể chuyển đổi thành 2 chuyến du lịch, mỗi chuyến 1 tuần ở nơi rẻ hơn.
- Ma chay cưới hỏi quá lố thì trích ở đâu? - Một số chi tiêu bất khả kháng tự dưng phát sinh, hỏng xe giữa đường, ma chay cưới xin quá lố... có thể trích từ quỹ SAVING.
- Lập quỹ đầu tư có đáng không? Tôi cũng không phải tuýp người giỏi giang hay có đầu óc kinh doanh gì? - Quỹ đầu tư là cơ hội duy nhất nếu bạn muốn làm giàu và đổi đời (trừ khi bạn trúng số, hoặc lấy được một người giàu, hoặc đi đào mìn trúng mỏ kim cương). Nếu bạn không cần làm giàu, không cần đổi đời, thì chịu!)
- Lập quỹ SPEND khiến tôi phải cắt giảm chi tiêu và sống khổ sở? - Bạn sẽ cắt giảm những chi tiêu không cần thiết nhưng trong dài hạn, bạn sẽ được tự do về mặt tài chính hơn.
Ví dụ so sánh bạn muốn sống trong nhà cấp 4 và dùng smartphone hay việc bạn dùng điện thoại cục gạch nhưng 5 năm sau ở nhà biệt thự? Tóm lại là khi trích quỹ SPEND, bạn căn cứ thực tế trên khả năng chi tiêu của mình, đừng dè xẻn quá, cũng đừng phóng tay quá, có thể điều chỉnh quỹ SPEND dần dần cho bạn thích nghi nếu đang trong giai đoạn chi tiêu quá trớn.
Kết lại là: Quản lý tài chính cá nhân tốt, bạn sẽ luôn cảm giác an tâm trong mọi tình huống vì mình luôn có sự đảm bảo về mặt tiền bạc tài chính ở phía sau. Có thể chi tiêu thoải mái trong việc mua sắm, thậm chí có cả tiền để theo đuổi các giấc mơ, sự dại dột của tuổi trẻ. Tránh kiểu vừa tiêu vừa lo nghĩ. Một ngày kia sau cả năm làm lụng vất vả, bỏ tầm 100 triệu đi du hí châu Âu cũng không thấy tiếc, vì khoản tiền nào đã ra khoản đó rồi.
Chúc may mắn.
Trí thức trẻ