Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: “Không có lợi ích nhóm, không có tư lợi gì ở đây!”
Tối 30/10, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã chính thức ra mắt.
- 27-10-2017Động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân: Quyền sở hữu đất đai cần được xem xét
- 26-10-2017Viện Phó CIEM: Bức tranh kinh tế tư nhân nhìn vào chính sách thì không hề sáng sủa!
- 07-10-2017Thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân có gì đặc biệt?
- 06-10-2017Thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: Hàng loạt doanh nhân nổi tiếng góp mặt
Sáu thành viên của Tổ tư vấn đều là các doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam, gồm: ông Trương Gia Bình - Trưởng ban; ông Don Lam - Phó ban; ông Mai Hữu Tín, ông Nguyễn Hoàng Anh, ông Trần Trọng Kiên, ông Vũ Văn Tiền là thành viên.
Ban nghiên cứu này được giao chủ trì nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia. Đồng thời, Ban sẽ chủ động thiết lập bộ máy giúp việc, huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong trung hạn, Ban IV hướng tới Top 3 ASEAN năm 2022 về năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, thực hiện lời cam kết với Thủ tướng tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2017 hồi cuối tháng 7: Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 60% GDP vào năm 2020. Bên cạnh đó, Ban còn đặt mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong ngắn hạn, Ban IV tập trung vào các nội dung trọng tâm, gồm:
Thứ nhất là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để tháo gỡ các rào cản trong đầu tư dự án công nghệ thông tin bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thứ hai là cải cách cơ chế, chính sách về thị thực để thúc đẩy phát triển du lịch.
Thứ ba là tạo cơ chế, giải pháp đẩy mạnh thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Thứ tư là vận hành Diễn đàn phát triển Kinh tế tư nhâ Việt Nam trên cơ sở kết nối, phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp và các bên liên quan.
Còn về trung hạn, Ban IV sẽ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, tập hợp dữ liệu dùng chung quốc gia và các chiến lược số hoá nền kinh tế. Đồng thời, Ban sẽ tiến hành các giải pháp huy động vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cắt giảm chi phí logistic dựa trên giải pháp tái quy hoạch logistic bằng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Trên thực tế, 6 thành viên trong Ban nghiên cứu này đều có thế mạnh ở các nội dung trọng tâm đề ra.
Cụ thể, ông Trương Gia Bình là Chủ tịch Tập đoàn FPT; Ông Don Lam là TGĐ VinaCapital; Ông Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành, nổi tiếng với những thương vụ tái cơ cấu; Ông Nguyễn Hoàng Anh TGĐ Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Du lịch Thiên Minh và ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco); Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình.
“Mừng thì ít mà trách nhiệm thì nhiều”, ông Trương Gia Bình đại diện cho 6 người nói. Ông bày tỏ việc Ban nghiên cứu mong muốn làm được điều gì tốt đẹp cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trước những nỗi lo về lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách được cộng đồng cũng như các chuyên gia kinh tế đặt ra, ông Trương Gia Bình tỏ ra rất cương quyết khi khẳng định: “Không có lợi ích nhóm nào ở đây”.
Ban nghiên cứu, theo ông Bình hoạt động theo 2 nguyên tắc. Thứ nhất, Ban IV chỉ là một trong các tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đề xuất những vấn đề cụ thể xuất phát từ thực tiễn.
Thứ hai, Ban sẽ chọn ra những cái được các doanh nghiệp bức xúc nhất, được số đông coil à quan trọng nhất, có nhiều ảnh hưởng nhất.
“Không có lợi ích nhóm, không có tư lợi gì ở đây” là thông điệp được ông Trương Gia Bình cho biết. Điều này cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.
“Nếu chúng tôi thất bại, chúng tôi sẽ không còn uy tín. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra”, ông Trương Gia Bình nói thêm.