Bản thân là hàng không giá rẻ, vì sao Jetstar Pacific lại “đòi” áp giá sàn vé máy bay?
Trong văn bản góp ý cho Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa, hãng hàng không Jetstar Pacific đã đề nghị Bộ GTVT cần phải có mức giá sàn bên cạnh mức giá trần.
- 01-04-2017Lý thuyết này giải thích vì sao Vietjet Air phản đối còn Vietnam Airlines đồng ý áp giá vé máy bay
- 31-03-2017Có nên áp dụng giá sàn cho các đường bay nội địa?
- 26-03-2017Đại gia Việt nào sở hữu máy bay đắt giá nhất?
- 22-03-2017Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ trộm cắp, rút ruột dầu máy bay
Ngày 17/3 Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014.
Góp ý cho Dự thảo này, ngày 23/3, Jetstar đã có văn bản trả lời, theo đó, bên cạnh mức giá trần như hiện tại, cần phải có thêm mức giá sàn.
Để chứng minh sự cần thiết của mức giá sàn, Jetstar đã dẫn ra 5 lập luận.
Thứ nhất, việc có khung giá bao gồm giá sàn và giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đã được quy định trong các văn bản pháp luật có hiệu lực hiện hành.
Cụ thể, khoản 2, điều 116 Luật hàng không quy định “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Mục 2, điều 5 của Thông tư 36/2015/TT-BGTVT ngày 24/7/2015 về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không cũng quy định “ Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông bán trong lãnh thổ Việt Nam…”. Và trong thời gian vừa qua, thực hiện thông tư này, Bộ GTVT đã sửa đổi và ban hành các quyết định mới về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không từ mức tối đa sang khung giá sàn và giá trần để cho đúng với quy định tại các văn bản quy phạm phát luật và khắc phục yếu tố lịch sử để lại.
Thứ 2, Jetstar cho biết trong những năm vừa qua, sự phát triển nóng của ngành giao thông vận tải đã tác động mạnh và gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga, sân bay cũng như giao thông khu vực quanh cảng hàng không nước ta.
Trong 3 năm từ 2014 – 2016, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa đã tăng hơn 30%. Tuy nhiên, các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé (có khi thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tuc giảm để thu hút khách.
Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific (Jetstar Pacific Airlines Joint Stock Aviation Company), hoạt động với tên gọi Jetstar Pacific, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, có trụ sở tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN), thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Với tiêu chí hoạt động là cung cấp vé máy bay giá rẻ mỗi ngày, hiện Jetstar Pacific điều hành các dịch vụ bay chở hành khách và hàng hoá tới các điểm đến nội địa của Việt Nam bằng đội bay Airbus A320 - 180 ghế.
Hãng có 2 cổ đông chính là Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines chiếm 70% cổ phần và Tập đoàn Qantas của Úc chiểm 30% cổ phần.
Theo kết quả kinh doanh được công bố, 9 tháng đầu năm 2016, Jetstar Pacific đạt 3.960 tỷ đồng doanh thu, tăng 550 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, do giá vốn đội lên cao hơn cả doanh thu, lại chịu thêm các khoản chi phí khác, nên Jetstar Pacific lỗ 346 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016. Con số này cách rất xa so với số lãi hơn 80 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.
Tổng lỗ lũy kế của Jetstar Pacific tính đến 30/9/2016 nâng lên gần 3.660 tỷ đồng, tăng 350 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu còn 413 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu trên 3.522 tỷ đồng. Jetstar Pacific vẫn còn ghi nhận 550 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Tổng cộng tài sản đến 30/9/2016 đạt 3.753 tỷ đồng. Số nợ phải trả gần 3.340 tỷ đồng, tăng hơn 1.930 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đây chủ yếu là khoản tăng mới vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (gần 1.800 tỷ đồng).
“Điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hàng hàng không, của ngành hàng không”, Jetstar nhấn mạnh.
Không chỉ ảnh hưởng đến ngành hàng không, việc thả trôi giá vé máy bay khiến cho mức giá của nó thậm chí thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ, dẫn đến sự mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác.
Thứ 3, hãng bay này chỉ ra chi phí vận chuyển hàng không có tới hơn 80% là chi phí ngoại tệ và phải chi trả cho nước ngoài. Khi phát triển nóng thì khoản chi này càng tăng, tác động đến kinh tế vĩ mô, trong khi doanh thu bán vé lại bằng VNĐ.
“Điều đó cho thấy tỷ giá tăng ảnh hưởng tiêu cục rất lớn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngành”, văn bản phát đi cho hay.
Thứ 4, hiện một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã tăng và dự kiến sẽ tăng nên sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm mạnh do cạnh tranh về giá vé (bán giá vé thấp nhiều và đang khó quản lý khi chưa có quy định giá sàn”.
Thứ 5, Jetstar cho rằng việc áp giá sàn là việc làm có tiền lệ ở các quốc gia khác. Ví dụ, tại Indonesia, nơi có 14 hãng hàng không của quốc gia này tham gia khai thác, chính phủ đã quy định khung giá trong đó có giá sàn để phòng ngừa nguy cơ cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành, làm cơ sở cho các hãng có cơ hội đảm bảo doanh thu và từ đó có cơ hội đầu tư hơn vào công tác an toàn khai thác. Hiện mức giá sàn ở Indonesia đang bằng 40% giá trần.
Với những lý do trên, Jetstar đã đề nghị Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam xem xét và ban hành giá sàn cho vé máy bay nội địa.
Về mức đề xuất cụ thể, Jetstar cho rằng nên lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng giá sàn. Đây là các loại chi phí cơ bản mà tất cả hãng hàng không phải trả, bao gồm chi phí thuê máy bay, xăng dầu, chi phí nhân công (tổ lái, tiếp viên…), chi phí phục vụ chuyến bay… và dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.
Theo tính toán của hãng, chi phí cho chặng bay Hà Nội - TP HCM khoảng trên 1,1 triệu đồng/chuyến bay; Từ đó hãng đề xuất mức bán thấp nhất trên chặng Hà Nội - TP HCM là 1,1 triệu đồng/vé/chiều.