MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bangladesh lo ngại sự trỗi dậy của Việt Nam đe doạ vị thế về xuất khẩu may mặc?

Tờ Dhaka Tribune cho biết thị phần xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu của Bangladesh trên thế giới đã giảm 0,1% xuống còn 6,4%, trong khi đó, thị phần của Việt Nam lại gia tăng.

Theo số liệu được chỉ ra, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh tăng 11,49%, từ 30,61 tỷ USD của cùng kỳ năm 2017 lên 34,13 tỷ USD. Báo cáo số liệu thương mại thế giới 2019 của WTO cũng cho biết Bangladest chiếm 32 tỷ USD trong 421 tỷ USD tổng giá trị xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu trong năm 2018. Con số này trong năm 2017 là 29 tỷ USD.

Dù có xu hướng tăng về kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc nhưng nước này lại đang có sự sụt giảm nhẹ của thị phần. Trong năm 2018, thị phần của Bangladesh giảm 0,1%, về mức 6,4%.

Bangladesh lo ngại sự trỗi dậy của Việt Nam đe doạ vị thế về xuất khẩu may mặc? - Ảnh 1.

Trong khi đó, Việt Nam, nước đứng ngay sau Bangladesh trên bảng xếp hạng đã có sự thu hẹp khoảng cách khi tăng 0,3% về thị phần, đạt mức 6,2% trong năm 2018. Năm 2017, thị phần của Việt Nam là 5,9%.

Về giá trị xuất khẩu, Việt Nam cũng đứng thứ 2 với 32 tỷ USD. Năm ngoái, con số này là 27 tỷ USD.

Mặc dù Trung Quốc vẫn giữ vai trò là nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực may mặc với 158 tỷ USD, tuy nhiên thị phần nước này đã giảm từ 34,9% trong năm 2017 xuống còn 31,3% trong năm ngoái.

Thị phần của Ấn Độ cũng từ 4,1% giảm xuống còn 3,3% còn Thổ Nhĩ Kỳ giảm từ 3,3% xuống còn 3,1%.

Cựu kinh tế trưởng của World Bank tại Bangladesh, ông Zahid Hussain nhận định: Một lượng hàng lớn đã chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác do chiến tranh thương mại nhưng Bangladesh chỉ được hưởng một phần nhỏ cho dù là nguồn cung hấp dẫn.

Nguyên nhân được đưa ra là vì khả năng giao hàng của nước này còn hạn chế và đồng tiền nước này đang mạnh lên so với USD. Do vậy, khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất may mặc Bangladesh đã giảm.

Trong bối cảnh đó, ông Zahid Hussain nhìn nhận Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn vì có thời gian sản xuất ngắn hơn, hỗ trợ hậu cần tốt hơn, công suất cảng biển lớn và khả năng thu hút vốn FDI khi mà dòng vốn đang dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc.

Trước việc tăng thị phần của Việt Nam, bà Rubana Huq, Chủ tich Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Bangladesh (BGMEA) cho biết điều này sẽ khiến các nhà sản xuất nước này cân nhắc về định hướng trong tương lai. Nguyên nhân Việt Nam đã ký thoả thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA). "Thoả thuận này sẽ tạo cơ hội tuyệt vời choc ho những nhà sản xuất Việt Nam", bà nói.

EVFTA được xem là thoả thuận bước ngoặt, mở đường cho việc giảm thuế với trên 99% mặt hàng giữa Việt Nam và EU.

Bên cạnh đó, bà Rubana Huq cũng cho rằng Việt Nam đang gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ chiến tranh thương mại so với Bangladesh.

"Bangladesh đang thất bại trong việc giành lấy thị phần mà Trung Quốc đang mất. Do đó, khoảng cách của Bangladesh so với các đối thủ cạnh tranh đang dần giảm xuống", ông Khakeraker Golam Moazzem, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) nhận xét thêm.

An Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên