Bão công nghiệp 4.0 và cách giải của “thuyền trưởng” mía đường Lam Sơn
Tuy đã ở tuổi 80 nhưng ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (Lasuco: LSS) tỏ ra nhạy bén hơn bao giờ hết với cuộc cách mạng 4.0. Trên những ruộng mía của Lasuco, đã có nhiều sự thay đổi.
- 14-10-2017Phát triển nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu
- 11-10-2017Tại sao có diện tích nhỏ, ít dân và chi phí nhân công rất cao nhưng Đan Mạch lại là 1 cường quốc nông nghiệp?
- 08-10-2017Nông nghiệp tăng trưởng nhưng không thể lơ là
- 03-10-2017Giám đốc Sở Nông nghiệp TPHCM: Tiêm thuốc an thần vào heo là tội ác
Lasuco sở hữu vùng nguyên liệu trên 15.000 ha với sản lượng mía hàng năm là 1,3 triệu tấn, sản lượng đường tinh luyện chất lượng cao dao động từ 110.000 đến 125.000 tấn. Doanh thu năm 2016 hơn 2.500 tỷ đồng.
Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đang gặp ba bài toán khó. Theo Lasuco, vụ mùa trồng và thu hoạch cây mía từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đến thời gian thu hoạch, nhà máy sẽ hoạt động ráo riết để cho ra công suất hơn 10.000 tấn đường mỗi ngày. Theo tính toán, mỗi lần khởi động toàn bộ hệ thống máy móc, nhà máy tiêu tốn 1 số tiền ước khoảng 4 tỷ đồng.
Với số tiền lớn cho đầu vào như vậy, đầu ra của cây mía đòi hỏi sự tương ứng bắt buộc. Tuy nhiên, có nhiều tình huống có thể xảy ra không đáp ứng được đầu vào, tác động không nhỏ đến sản lượng đầu ra như: xe vận chuyển về chậm; xe kịp tiến độ nhưng chất lượng mía không theo yêu cầu; mía đạt chất lượng nhưng diện tích vùng trồng nguyên liệu chưa được khai thác hết…
Tóm gọn lại, doanh nghiệp đang gặp khó ở ba bài toán: quản lý diện tích đất canh tác; quản lý quy trình canh tác và thu hoạch vận chuyển sản phẩm.
Theo ông Lê Văn Tam, chừng nào ba bài toán này chưa được giải thì doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng thất thoát. Những thất thoát này ông ước tính rơi vào khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Những vấn đề trên không chỉ là khó khăn của mình Lasuco.
Giải bài toán kinh doanh bằng công nghệ cao
Hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP) không quá xa lạ với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thống này vào một doanh nghiệp làm nông thì cần thêm yếu tố khác. Ông Tam cho biết Lausco đã sử dụng giải pháp ERP trên bản đồ số GIS (Geographical Information System).
Điều này cho phép doanh nghiệp biết được chính xác các thửa đất canh tác nằm ở đâu, diện tích, tính chất như thế nào. Kết hợp các thuật toán, nhân viên chỉ cần cầm điện thoại đi qua các thửa đất, hệ thống sẽ tự động ghi nhận lại.
Bên cạnh đó, Lasuco đã ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) trong việc tích hợp các hệ thống cảm biến trong vùng nguyên liệu trọng điểm khoảng 500 ha.
Hệ thống AI giúp phân tích quy trình canh tác tối ưu, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác được hệ thống Internet vạn vật giám sát, theo dõi và cảnh báo cho ban kỹ thuật. Toàn bộ các thông tin này phối hợp trên màn hình theo thời gian thực, người quản lý ngồi một chỗ nắm và điều phối toàn bộ từ thông tin thực tế và dự báo.
Tiếp theo, khâu thu hoạch và vận chuyển cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ trong thời gian thực, nhìn thấy từng chiếc xe vận chuyển, tránh ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ. Mỗi xe, về bản chất đã được cài chip điện tử để theo dõi lộ trình, cập nhật bảng số xe, số hợp đồng...Tất cả các giải pháp công nghệ trên giúp Lasuco làm tốt mùa này, dự đoán được sản lượng năm sau, lên kế hoạch quy hoạch, và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Lê Văn Tam, việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng mía giúp tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số mô hình đạt 120 - 130 tấn/ha.
Xu thế tất yếu và kinh nghiệm rút ra cho các doanh nghiệp làm nông
Diễn đàn về nông nghiệp cách đây 1 ngày (14/10) có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương ĐÌnh Huệ. Ông Huệ cho biết hiện cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân, 78 triệu mảnh ruông nhỏ lẻ, muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế mà phải cơ cấu lại nền nông nghiệp mà một trong các giải pháp là đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng 4.0.
Phó Thủ tướng cho rằng bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng trên thế giới, nông nghiệp 4.0 đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Tại Mỹ, Brazil, Argentina, nông nghiệp 4.0 đã giúp nước này giảm tới 50% giá thành sản xuất ngô và đỗ tương.
“Phát triển nông nghiệp 4.0 là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này”, ông Huệ nói.
Trở lại cách làm của Lasuco, đại diện doanh nghiệp này đúc kết, để áp dụng được công nghệ vào doanh nghiệp mình, các ông chủ cần phải biết mình đang muốn giải bài toán nào, nó có cấp bách với doanh nghiệp không. Khi biết bài toán mình cần giải thì phải hiểu công nghệ lõi giải quyết là gì.
Ví dụ Lasuco thấy hệ thống ERP rất hay nhưng bản chất của nó sẽ không là gì nếu không kết hợp được với hệ thống GIS. Quan trọng là tính phù hợp, phía Lasuco nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang có sự lầm tưởng khi áp dụng công nghệ cao sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng qua thực tiễn đã chứng minh điều ngược lại. Bởi lẽ, sự tham gia của máy móc sẽ giúp doanh nghiệp giảm thất thoát, tăng tính hiệu quả trong thống kê…