Báo động đỏ về giá nhà ở Việt Nam, thực hư thế nào?
Mặc dù giá ở Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất nhưng tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập tại Việt Nam lại thuộc nhóm cao nhất 28 lần. Như vậy, không phải giá nhà ở Việt Nam quá cao mà là thu nhập của người dân quá thấp?
- 11-09-2017Giá nhà ở VN tăng quá mức chịu đựng của người lao động
- 09-09-2017Báo động đỏ về giá nhà ở Việt Nam
- 29-08-2017Thanh khoản khả quan, giá nhà Tp.HCM tăng nhẹ
Những ngày gần đây, thông tin về giá nhà ở Việt Nam đang ở mức báo động đỏ đã trở thành tâm điểm của thị trường. Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Hiệp hội Bất động sản TPHCM- HoREA để lắng nghe các đánh giá về thực trạng thị trường bất động sản TP.HCM vào chiều ngày 8-9.
Cụ thể, tại buổi làm việc Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời. Đáng báo động là trong số đó những người nghèo đang dần dần mất khả năng mua nhà.
Có thể thấy, xưa nay giá nhà tại Việt Nam đã được mang ra bàn luận rất nhiều, có nhiều ý kiến cho rằng giá nhà ở Việt Nam đang quá đắt, nhưng cũng có nhiều người cho rằng, giá nhà tại Việt Nam vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các nước cùng khu vực.
Trong bài viết này, người viết không bàn đến câu chuyện giá nhà đắt hay rẻ bởi với một khái niệm có tính chất tương đối như là đắt hay rẻ thì để so sánh một mặt hàng nào đó là rất khập khiễng, đặc biệt là với bất động sản có tính bất động khá cao. Thêm vào đó, vấn đề giá BĐS ở quốc giá đó cao hay thấp còn cần được so sánh tương quan với nhiều yếu tố khác như mức độ thu nhập, điều kiện kinh tế, thị trường…
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thể so sánh được giá bất động sản. Một phương pháp phổ biến mà nhiều quốc giá thường dùng để so sánh giá nhà đó là sánh giá nhà trung bình với thu nhập trung bình của người dân.
Theo một báo cáo công ty tư vấn BĐS CBRE từng đưa ra, so với các thành phố lớn trong khu vực thì giá nhà tại Hà Nội và TPHCM ở mức khá thấp, chỉ ở khoảng 1.500-2.000 USD/m2. Trong khi đó, giá nhà tại Singapore lên đến 16.000 USD/m2, Hong Kong là 17.500 USD/m2.
Mặc dù giá nằm ở nhóm thấp nhất nhưng tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập tại Việt Nam lại tương đối cao khi con số này tại Hà Nội nên tới 28 lần cao hơn cả Singapore và tại TPHCM là 18 lần. Điều này chứng tỏ, thu nhập của người Việt Nam quá thấp khiến cho tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập vào hàng cao nhất khu vực.
Cũng theo CBRE, dựa trên khảo sát lương ở hơn 500 lao động có trình độ tại các đô thị lớn của Việt Nam, CBRE đánh giá các cặp vợ chồng tại TP HCM và Hà Nội có nghề nghiệp và thu nhập ổn định có thể bắt đầu nghĩ tới việc mua một căn nhà sau 7 năm tích lũy.
Cụ thể, sau 7 năm nỗ lực, một gia đình trẻ có thể tiết kiệm đến 800 triệu VND. Nếu xem xét đến việc mua một căn nhà hạng trung có giá 1,6 tỷ, khoản tiết kiệm được đã đủ chi trả 50% giá trị căn hộ. Phần còn lại có thể vay từ ngân hàng hoặc từ gia đình hoặc các mối quan hệ.
Ngoài CBRE, Cushan & Wakefied, Colliers cũng đã đưa ra so sánh khá thú vị về giá các loại hình BĐS tại Tp.HCM với các đô thị có quy mô dân số tương tự. Trong đó, hầu hết BĐS tại Tp.HCM đều rẻ hơn so với các thành phố khác như Bangkok, Manila và Jakarta.
Bàn về giá nhà ở Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng từng khẳng định: “Đừng kêu giá nhà cao mà chẳng qua là do lương người lao động quá thấp. Báo chí vẫn thường nêu giá nhà Việt Nam cao quá. Nhưng tôi tìm mãi không thấy thống kê nào cho thấy Việt Nam nằm trong TOP 20 nước có giá nhà cao nhất thế giới.”
Mặc dù giá nhà ở Việt Nam so với các thành phố trong khu vực không cao tuy nhiên thực tế cho thấy nếu so sánh giá nhà với thu nhập của người dân thì sự chênh lệch là quá lớn, người dân tại các đô thị lớn đang phải gồng mình gánh giá cao gấp 26 lần thu nhập. Điều này đặt ra bài toán để người dân có thể mua nhà thì phải tăng thu nhập hoặc các cơ quan quản lý phải có chính sách hỗ trợ nhằm hạ giá nhà cho người dân.