Báo Sing: Các chuyên gia và doanh nghiệp nói gì về tác động của động thái mới trong chiến tranh thương mại của ông Trump đến Việt Nam?
Các thương hiệu giày nổi tiếng Adidas, Nike, Brooks Running,... đều đang nhắm đến điều này.
- 11-05-2019Đà Nẵng sẽ có một nhà máy thuộc lĩnh vực chưa từng sản xuất ở Đông Nam Á?
- 11-05-2019Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt 30%
- 11-05-2019Thủ tướng mừng khi Việt Nam không còn phụ thuộc lực lượng phi công nước ngoài
Mỗi lần hàng rào thuế quan của Tổng thống Donald Trump được dựng lên, các chuyên gia đều cho rằng, thuế quan này không có lợi cho Mỹ, cũng chẳng có lợi cho Trung Quốc. Người hưởng lợi lại là các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Nhưng ông Trump có vẻ như cũng chẳng để tâm nhiều đến việc mình có được lợi hay không, nông dân Mỹ có được lợi hay không. Cái làm ông thỏa mãn chỉ là việc làm rời khỏi Trung Quốc. Thế thì ông cũng đã thành công một phần, theo một khía cạnh nào đó.
Hiện nay, thậm chí các công ty Trung Quốc cũng đã bắt đầu di chuyển khỏi Trung Quốc để tìm kiếm những nguồn lao động giá rẻ hơn, thương mại tự do hơn.
Theo The Straits Times, các chuyên gia lập luận rằng Việt Nam đang cung cấp lao động có giá và kỹ năng vô cùng cạnh tranh. Hơn nữa, hiệp định CPTPP sẽ giúp các hoạt động sản xuất ở Việt Nam được lợi rất nhiều khi xuất khẩu. Sản xuất ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Với một số thương hiệu Hoa Kỳ, chiến tranh thương mại đã đi quá xa, đẩy các công ty của họ đến Việt Nam. Mới đây nhất, Brooks Running của tỷ phú Warren Buffett đã công bố sẽ giảm sản lượng ở Trung Quốc để tăng cường ở Việt Nam. Tuần trước, CEO Jim Weber thông báo, dự định tăng cường sản xuất Việt Nam được đưa ra từ tháng 1/2019, khi ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế giày dép sản xuất ở Trung Quốc từ 20% lên đến 45%: "Chúng tôi nhất định sẽ tái cấu trúc hoạt động sản xuất ở các quốc gia và tăng cường ở Việt Nam trong năm nay". Ông cũng cho biết khoảng 8.000 việc làm sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này sẽ khiến Việt Nam chiếm 65% sản lượng của Brooks Running trong khi Trung Quốc sẽ chỉ còn khoảng 10%.
Adidas đã giảm một nửa sản lượng tại Trung Quốc, Việt Nam nhận phần lớn sự chuyển giao đó, Nike cũng đang làm điều tương tự. Các nhà sản xuất linh kiện cho Apple cũng đang rục rịch chuyển sang Việt Nam.
Ông Marc Mealy, Phó chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nói với The Straits Times: "Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi này. Các biến số như kỹ năng lao động, chi phí và rủi ro vẫn quan trọng hàng đầu. Tất cả những thứ đó, Việt Nam đều đang rất cạnh tranh".
Nhưng ông Marc cũng cho rằng, quan trọng hơn cả vẫn là những lợi thế thương mại mà Việt Nam được hưởng nhờ các hiệp định tự do. Việt Nam có hiệp định đa phương với khu vực ASEAN, vàng đai châu Á Thái Bình Dương và sắp tới là EU, còn có các hiệp định song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.
Ông Stephen Wyatt, Đại diện của JLL tại Việt Nam nói với The Straits Times: "Vài năm trở lại đây, các công ty ở Trung Quốc đã bắt đầu để mắt và rục rịch sang Việt Nam rồi. 6 tháng trước, các công ty còn đang thăm dò, nhưng giờ thì họ đã khá chắc chắn rằng Việt Nam là một lựa chọn hoàn hảo".
Công ty nghiên cứu Natixis Research lưu ý rằng, Việt Nam có tiền lương cạnh tranh nhất so với Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong 10 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam thì có tới 8 sản phẩm sẽ có thể cạnh tranh với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Hồi tháng 2/2019, HSBC đã xếp hạng Việt Nam nằm trong top các thị trường châu Á hưởng lợi lớn nhất từ nhiều kịch bản của chiến tranh thương mại. Các vòng thuế mới sẽ còn làm bùng nổ hơn nữa xu thế chuyển dịch hiện tại. Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho biết những động thái vừa qua sẽ làm "chuyển hướng mối quan hệ Trung - Mỹ". Họ nói thêm rằng mối quan hệ bấp bênh thiếu chắc chắn này sẽ làm chuyển dịch dòng vốn đầu tư rất mạnh. Còn chuyển đi đâu thì có lẽ câu trả lời đã rõ.