Báo quốc tế: IPO tại Hoa Kỳ là cần thiết với VinFast, nếu thành công vốn hóa của Vingroup có thể lên tới 26 tỷ USD
"VinFast đã đi được một chặng đường dài trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, khi mới chỉ được thành lập vào năm 2017, bởi công ty mẹ Vingroup, chưa từng có kinh nghiệm hay chuyên môn trong lĩnh vực ô tô trước đó" - Business Times nhận định.
- 10-04-2022Vì sao ông Phạm Nhật Vượng nói 'mục tiêu cao nhất cho đợt IPO này không phải là tài chính, mà là đưa VinFast ra thị trường toàn cầu'?
- 10-04-2022Không chỉ VinFast, vì sao hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc cũng tìm kiếm cơ hội IPO tại Mỹ, bất chấp nguy cơ bị huỷ niêm yết?
VINFAST Trading & Investment - công ty con của VinFast tại Singapore mới đây đã nộp dự thảo hồ sơ niêm yết sơ bộ theo mẫu F-1 lên UBCK Hoa Kỳ (SEC) liên quan đến việc đề xuất chào bán cổ phiếu phổ thông ra công chúng.
Công ty này đã để mắt đến thị phần ô tô điện của Mỹ, ngay kể từ khi thành lập vào năm 2017, và đây là một bước đệm để hiện thực hóa giấc mơ đó. Mới đây, họ đã công bố sẽ thành lập một nhà máy VinFast trị giá 2 tỷ USD ở North Carolina, tạo ra khoảng 7.000 việc làm. Năm ngoái, VinFast đầu tư 200 triệu USD vào trụ sở chính tại California.
"VinFast đã đi được một chặng đường dài trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, khi mới chỉ được thành lập vào năm 2017, bởi công ty mẹ Vingroup, chưa từng có kinh nghiệm hay chuyên môn trong lĩnh vực ô tô trước đó" - Business Times nhận định.
Nhưng đổi lại, VinFast đã sử dụng nguồn lực từ nước ngoài, bao gồm việc thuê thiết kế từ hãng Pininfarina của Ý và sử dụng động cơ BMW trên các phương tiện của mình. VinFast cũng tuyển dụng nhân sự quốc tế, trong đó có Shaun Calvert, một giám đốc điều hành với 20 năm kinh nghiệm tại General Motors, từng đảm nhận vai trò Phó Giám đốc điều hành Sản xuất.
VinFast cũng chiêu mộ Kevin Fisher, người mới có 6 năm làm tư vấn ô tô tại Detroit và hiện là Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật sản phẩm. Trong hội đồng quản trị còn có John Harris, người đã làm việc cho Ford Motorcompany với nhiều vai trò khác nhau trong hơn 30 năm và hiện là cố vấn chung của VinFast.
Michael Lohscheller, cựu CEO của Volkswagen và Opel, cũng nằm trong đội ngũ vào năm 2021 với tư cách là Giám đốc điều hành của VinFast toàn cầu. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, ông từ chức vì lý do cá nhân. Kế nhiệm ông này là bà Lê Thị Thu Thủy, đồng thời là Phó chủ tịch Vingroup - người sẽ lãnh đạo công ty tiến vào thị trường Hoa Kỳ.
"Trong tương lai, VinFast chắc chắn sẽ phải nỗ lực hết mình. Thị trường xe hơi của Mỹ đã rất bão hòa, đang bị chi phối bởi Tesla, công ty chiếm gần 80% lượng xe điện được đăng ký tại Mỹ vào năm 2020" - Business Times đánh giá và nói thêm, "việc cạnh tranh với một gã khổng lồ tầm cỡ như Tesla sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư khổng lồ và như vậy, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hoa Kỳ có thể không chỉ là khát vọng, mà còn là một điều cần thiết để phát triển mạnh mẽ".
Trước đó, Ken Foong, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence ở Singapore, cho biết trong một nghiên cứu ngày 11/2 rằng doanh số bán xe điện toàn cầu của VinFast có thể thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho Tập đoàn Vingroup .
Bà Thủy cho biết công ty đặt mục tiêu bán được tổng cộng khoảng 700.000 đến 1 triệu xe điện trong vòng 5 đến 6 năm. Bà tiết lộ, VinFast đã nhận được 50.000 đơn đặt hàng trên toàn cầu cho các mẫu xe VF8 và VF9.
Mục tiêu của VinFast có thể nói là đầy tham vọng so với các nhà sản xuất ô tô khác. Start up xe điện Nio (Trung Quốc) mới chỉ đạt cột mốc chiếc xe thứ 100.000 vào tháng 4/2021, sau gần 3 năm. Nhiều doanh nghiệp khác thậm chí đã thất bại khi cố gắng thực hiện các kế hoạch tương tự.
VinFast bắt đầu bán ô tô xăng tại Việt Nam vào năm 2019. Hãng từng tuyên bố sẽ ngừng sản xuất xe xăng. VinFast đã bán được 35.723 xe chạy xăng tại Việt Nam vào năm ngoái, và bán được khoảng 30.000 chiếc vào năm 2020.
Cũng trong một bài viết mới đây, Bloomberg viết: Vingroup đang cân nhắc huy động 2 tỷ USD thông qua lần IPO này. Với quy mô đó, sự kiện IPO của VinFast sẽ chấm dứt tình trạng thiếu vắng các đợt IPO lớn của các công ty châu Á tại thị trường Mỹ. Mặc dù các nhà đầu tư cũng sẽ thận trọng hơn với một doanh nghiệp còn ít tên tuổi trên thị trường quốc tế.
Chuyên gia quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital Ltd. có trụ sở tại Hong Kong, ông Ruchir Desai đánh giá: “Mối quan tâm ở đây không phải là việc VinFast có thể huy động vốn được hay không, mà là liệu định giá của VinFast có đáp ứng được kỳ vọng của thị trường hay không, trong bối cảnh lãi suất tăng có thể tác động mạnh tới các công ty chuẩn bị niêm yết ở Mỹ”.
Theo nhận định của các nhà phân tích Ken Foong và Fairuz Khalil (Bloomberg Intelligence), việc IPO có thể nâng giá trị công ty mẹ, nâng vốn hóa thị trường của Vingroup lên tới 26 tỷ USD. “Con số này được tính toán dựa trên giả định rằng VinFast sẽ đạt được kịch bản lạc quan nhất, với EV/Sales (enterprise value-to-sales) là 12x, tương tự như Tesla".