Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Sáng sớm 13-9 sau khi đi vào đất liền Quảng Nam - Quảng Ngãi, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 4 giờ ngày 13-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Hàng quán ở ven biển Tam Thanh bị bão cuốn bay tôn - Ảnh: LÊ TRUNG
Có mặt tại các xã ven biển lúc 6g sáng 13-9, phóng viên Tuổi Trẻ tại Quảng Nam ghi nhận một số cây cối bị ngã đổ, hàng quán cạnh bờ biển bị tốc mái, tôn bay nằm lăn lóc dưới đất.
Theo một số người dân ở xã biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, mưa lớn và gió mạnh lúc 23g đêm 12-9. Và đến khoảng 2-3 g sáng 13-9 gió bắt đầu mạnh dần cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Xem Clip:
Một số hàng quán bị gió giật bay tốn trên mái. Theo ông Nguyễn Văn Giáp, thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, đến rạng sáng cùng ngày là thời điểm gió bão giật mạnh nhất. Hiện sóng biển rất mạnh, cột sóng cao.
Công nhân cắt tỉa cành các cây xanh bị bật gốc vì bão. Ảnh: LÊ TRUNG
Hàng chục gốc cây xanh tại quảng trường 24-3 (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị bật gốc, nằm lăn lóc dưới đất.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, có hơn 10 gốc cây Mùn ở quảng trường này bị bật gốc sáng 13-9. Ban quản lý công trình công cộng TP Tam Kỳ điều động hàng chục công nhân cùng xe cẩu để hiện trường khắc phục.
Theo nhiều công nhân cho biết số cây Mùn này mới được trồng, do trước đó không có biện pháp chằn chống nên khi bão đến nhiều gốc cây bị quật ngã.
Các công nhân cùng xe cẩu chặt các nhánh cây, dựng lên và trồng lại. Đồng thời dùng cây gỗ chằn chống.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 4, một số tuyến đường ở vùng núi cao Quảng Nam bị đất núi sạt lở, chia cắt đường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 13-9, ông Hồ Đắc Vinh-chủ tịch xã Ch’ơm, huyện Tây Giang (Quảng Nam), do đợt mưa lớn kéo dài trên địa bàn vùng cao này, đến sáng nay tuyến đường qua xã Ch’ơm bị đất núi sạt lở xuống, chia cắt đường.
Người dân lưu thông tuyến đường này chỉ đi bộ, chưa thể đi xe được.
Theo ông Vinh, hiện chính quyền địa phương đang kiểm tra, khắc phục tuyến đường trên để xe cộ lưu thông.
Một số hình ảnh Tuổi Trẻ ghi nhận sau bão ở Quảng Nam:
Cây cối ở Quảng Nam bị ngã đổ
Cây dừa ở ven biển Tam Thanh bị ngã đổ - Ảnh: LÊ TRUNG
Tại Đà Nẵng, rất nhiều nhà bạt và khán đài phục vụ cho Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á (ABG 5 - 2016) đã bị bão số 4 thổi làm gãy đổ trên bờ biển dọc theo đường Hoàng Sa – Trường Sa ở quận Sơn Trà.
Theo Công ty Kingsmen Vietnam, đơn vị thi công tại các cụm sân thi đấu của Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á thì đến trưa ngày 12-9 đã có hơn 80% các hạng mục phục vụ cho ABG 5 đã cơ bản hoàn tất bao gồm lắp đặt, dàn dựng 240 lều bạt, 15 khán đài với 6.300 chỗ ngồi cùng 18 cổng chào.
Dù đã dự báo là nhiều khả năng bão sẽ tràn qua vùng biển Đà Nẵng nên từ chiều hôm qua, Ban tổ chức đã cho tháo gỡ đi khá nhiều các hạng mục. Tuy nhiên đến sáng nay, sau một đêm mưa gió lớn, toàn bộ các khu vực dành phục vụ cho ABG5 đã gần như tan hoang. Rất nhiều nhà vệ sinh công cộng thuộc loại di động đã bị gió thổi ngã đổ lăn lóc khắp nơi. Nhiều linh vật của đại hội đã phải gỡ bỏ xuống để tránh thiệt hại khi bão đổ bộ.
Điều đáng nói là do sóng lớn nên nước biển đã tràn sâu vào khu vực phục vụ thể thao. Theo một nhân viên của Công ty Kingsmen Vietnam thì nếu trời yên biển lặng, công tác triển khai sẽ tiến hành gấp rút trở lại và một trong những việc nặng nhọc nhất là phải tiến hành san lấp lại mặt bằng bãi biển cũng như thu dọn vệ sinh dọc bãi biển khi quá nhiều rác từ ngoài biển tấp dọc ven biển.
Dưới đây là chùm ảnh ghi nhận sáng nay tại các hạng mục phục vụ cho ABG5 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 24-9 tới và kết thúc vào ngày 5-10.
Một góc bãi biển Phạm Văn Đồng nơi sẽ diễn ra Đại hội thể thao biển Châu Á 2016 bị gió đánh tơi tả - Ảnh ĐĂNG NAM
Nhiều công trình phục cụ Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á tan hoang sau bão - Ảnh ĐĂNG NAM
Nhiều nhà bạt phục vụ cho ABG 5 đã bị gió xé rách ở bãi biển trên đường Hoàng Sa. - Ảnh ĐĂNG NAM
Vị trí và đường đi của cơn bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
Dự báo trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) trong sáng nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sáng nay còn có gió giật mạnh cấp 6-9.
Ngày và đêm nay (13-9), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to (phổ biến 50-150mm). Khu vực Bắc Tây Nguyên sáng nay có mưa to (phổ biến 50mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Ngoài ra, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau tiếp tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trong đêm qua và sáng sớm nay trên khu vực các tỉnh Thừa Thiên -Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, một số nơi lớn hơn như: Nam Đông, Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) 240mm; Nông Sơn (Quảng Nam) 150mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 170mm; Trà Bồng, An Chỉ (Quảng Ngãi) 140mm;
Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cửa Tùng (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 10. Cù Lao Chàm (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam), Lăng Cô (Huế) có gió giật mạnh cấp 8-9. Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị), Tam Kỳ (Quảng Nam), Quảng Ngãi có giật mạnh cấp 6-7
Tuổi trẻ