MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bấp bênh kỷ nguyên vàng

07-08-2016 - 18:10 PM | Tài chính quốc tế

Việc chính phủ mới 3 tuần tuổi của Anh chọc giận Trung Quốc (cả Pháp) vào thời điểm họ đang cần sự ủng hộ thời hậu Brexit cho thấy “bà đầm thép” đang ra hiệu Anh sẽ không còn là “đồng minh tốt nhất ở châu Âu” đối với Trung Quốc, theo báo The New York Times.

Thực đơn cho bữa tiệc trưa sau lễ ký kết xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ngày 29-7 bên bờ biển Somerset - Anh đã được in ra.

Nhưng ngay trong đêm 28-7, văn phòng thủ tướng Anh thông báo sẽ không ký thỏa thuận như dự định mà phải xem xét thêm cho tới ít nhất là mùa thu năm nay.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Hinkley Point C là nhà máy điện hạt nhân mới đầu tiên được lên kế hoạch xây dựng ở Anh sau hơn 20 năm qua. Với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỉ bảng Anh (23,7 tỉ USD), Hinkley Point C là dự án lớn nhất được công bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới London vào tháng 10 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong khi Trung Quốc đóng góp 6 tỉ bảng, phần công nghệ và thi công sẽ do Công ty Điện Electricite de France (EDF) của Pháp đảm nhận. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron hết lời “nâng đỡ” dự án trên khi thông báo nó sẽ tạo ra 25.000 công việc và đáp ứng 7% nhu cầu năng lượng của Anh.

Dù vậy, với thâm niên 6 năm là bộ trưởng Bộ Nội vụ trước khi trở thành thủ tướng, bà Theresa May thường xuyên phản đối để Trung Quốc tham gia một dự án nhạy cảm như Hinkley Point C. Cựu Bộ trưởng Kinh doanh Vince Cable nói với tờ Guardian rằng bà May còn không hài lòng với thái độ “tung hô đầu tư Trung Quốc” của Bộ trưởng Tài chính khi đó là ông George Osborne.

Có tin nói bà May cũng lo ngại khi hãng viễn thông British Telecom làm ăn với Công ty Huawei của Trung Quốc. Việc chính phủ mới 3 tuần tuổi của Anh chọc giận Trung Quốc (cả Pháp) vào thời điểm họ đang cần sự ủng hộ thời hậu Brexit cho thấy “bà đầm thép” đang ra hiệu Anh sẽ không còn là “đồng minh tốt nhất ở châu Âu” đối với Trung Quốc, theo báo The New York Times.

Báo Financial Times (Anh) đánh giá nếu thỏa thuận trên đổ bể, bản thân ông Tập sẽ bị đả kích. Ông không chỉ là người trực tiếp ký thỏa thuận với cựu Thủ tướng Cameron mà công ty tham gia dự án - Công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) - còn là bệ đỡ quyền lực của ông. Chưa hết, Trung Quốc kỳ vọng Hinkley Point C sẽ mở cánh cửa vào thị trường năng lượng hạt nhân thế giới. Một tháng sau khi Hinkley Point C được công bố, CNNC trúng một hợp đồng 15 tỉ USD để xây 2 lò phản ứng tại Argentina.

Nếu Hinkley Point C suôn sẻ, Trung Quốc còn có cơ hội để xây dựng và điều hành một nhà máy hạt nhân do họ tự thiết kế ở Essex, Đông Nam nước Anh. Chính vì vậy, không khó hiểu khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thúc giục chính phủ bà May sớm quyết định triển khai dự án, còn hãng tin Tân Hoa Xã đe dọa một tương lai bất ổn dành cho “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Trung - Anh mà hai ông Cameron và Tập Cận Bình từng đề cao.

Theo nhận định của The New York Times, có thể Hinkley Point C rồi sẽ được thông qua nhưng chắc chắn bà May sẽ tìm cách hạn chế vai trò của Trung Quốc trong dự án. Như ông Nick Timothy, cố vấn thân cận của bà May, chỉ ra: “Thảm đỏ chào đón đầu tư đang bị thu lại vì lo ngại an ninh xung quanh các công ty nhà nước Trung Quốc”. Đây cũng là nhắc nhở mà tờ The Australian (Úc) dành cho Bộ trưởng Tài chính nước này Scott Morrison, khi ông sắp ra quyết định về việc để Công ty Điện nhà nước Trung Quốc State Grid hay Tập đoàn Hạ tầng Cheung Kong của tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành đầu tư vào hệ thống điện của Sydney cũng như vấn đề cho Trung Quốc thuê cảng Melbourne.

Theo tờ báo Úc, không thể xem đầu tư của Trung Quốc vào các khu vực hạ tầng trọng yếu là “kinh doanh thông thường”. “Trung Quốc đã thay đổi cách ứng xử với thế giới. Chúng ta không thể ngây thơ về chuyện này. Bằng cách này hay cách khác, họ đang muốn nhào nặn chính sách của Úc theo hướng có lợi cho các mục tiêu chiến lược của họ” - The Australian viết.

Theo Mỹ Nhung

Người Lao Động

Trở lên trên