Bắp nhập khẩu 'đè bẹp' bắp nội, dân bắt đầu chán trồng bắp
Đang mùa thu hoạch bắp (ngô) lai chính vụ nhưng giá bắp tươi hiện đang chạm đáy do bắp nhập khẩu về ào ạt mà giá lại rẻ khiến người trồng bắp ngán ngẩm...
Giá bắp chạm đáy
Không chỉ vậy, các DN sản xuất và nhập khẩu cung ứng giống bắp lai trên thị trường cũng bị vạ lây, trong đó không ít DN thương hiệu giảm doanh thu 50% so những năm trước đây vì không bán được giống.
Anh Trần Văn Chắt ở ấp 3, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, vừa thu hoạch 9 công bắp (9.000m2) cho biết, ông trồng sớm là nhờ nước tưới, năng suất đạt trên 11 tấn tươi/ha đang bán tại ruộng giá 3.200 đồng/kg, tổng cộng thu 35,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí (giống, phân bón, công trồng và thu hoạch) hết hơn phân nửa, lãi chưa đến 15 triệu đồng/ha trong thời gian hơn 3 tháng. Trong khi đó, 10 năm trước, đỉnh cao của người trồng bắp lai ở Xuân Lộc cho thu 100 triệu đồng/ha không phải là cá biệt.
Ngay tại xã Lang Minh, nơi nổi tiếng về trồng bắp lai với diện tích hàng năm khoảng 1.400-1.500 ha, nhưng trong vụ hè thu này trồng chưa đến 400 ha. Anh Trịnh Quốc Chung, cán bộ nông nghiệp cho biết, tuy đây là vụ hè thu (vụ chính) trong năm, nhưng gần đây do trồng bắp lãi rất ít nên nhiều hộ nông dân đã chuyển sang lập vườn trồng tiêu, rồi trồng bí đỏ, đậu xanh, mè...
Trước đây, có một vài đại lý vật tư nông nghiệp còn đầu tư phân bón, thuốc sâu cho nông dân trồng bắp lai, sau đó thu lại sản phẩm. Phương thức này rất tốt vì đây cũng là hình thức ứng vốn cho nông dân, nay họ cũng bỏ cuộc vì không dám tiếp tục mạo hiểm do giá bắp luôn thấp lại không ổn định.
Chị Trà, chủ một đại lý cấp 2 ở xã Lang Minh cho biết, hầu như năm nào chị cũng đầu tư phân bón, thuốc sâu cho khoảng 20-30 hộ nông dân trong vùng, đến vụ thu lại bắp khô dự trữ để bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong tỉnh.
“Năm nay, đại lý thu mua khoảng 70 tấn bắp khô với giá bình quân 5.200 đồng/kg. Thế nhưng, vào đầu tháng 9, các DN nhập khẩu bắp về rao bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi giá cũng từng ấy. Vào đầu tháng 9, tui cần tiền nhập phân vô cơ, buộc phải bán bớt 20 tấn giá 5.290 đồng/kg cho một nhà máy trong tỉnh, họ nói bắp Mỹ nhập khẩu chỉ có giá hơn 5.000 đồng/kg, lấy đâu ra mua cao. Như vậy, tính ra không có lãi, nhưng lỗ ở khoản chi phí xử lý mối mọt, lưu kho, vận chuyển”, chị Trà nói.
Tiếp tục bất lợi
Trước tình hình giá bắp thương phẩm trong nước rớt thê thảm do không cạnh tranh nổi với bắp Nam Mỹ nhập khẩu, nông dân bắt đầu quay lưng với cây trồng này khiến cho các DN chuyên sản xuất, nhập khẩu giống bắp lai từ Thái Lan như Syngenta (Thụy Sĩ), Monsanto (còn gọi là Dekalb Việt Nam), Cty CP Thái Lan, Cty Pioneer Hi-Bred VN, Cty Bioseed (Ấn Độ), Cty Advanta Thái Lan, Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed); Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC)... cung ứng giống cho nông dân cũng bị sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu.
Quả thật, theo tìm hiểu chúng tôi, 3-4 năm về trước, mỗi năm các DN nói trên cung ứng trên thị trường tổng cộng khoảng trên 1.000 tấn giống bắp lai cho các nhà phân phối và đại lý cấp 1 ở 3 tỉnh có diện tích trồng bắp lớn nhất phía Nam gồm Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận, trong đó hết 70-80% giống được nhập khẩu hoàn toàn từ Thái Lan như của Cty Dekalb, Syngenta, Pioneer, Advanta với giá bán hơn 100 ngàn đồng/kg.
Thế nhưng, đến nay số lượng cung ứng giảm chỉ còn khoảng 400-500 tấn, nếu tính mật độ trồng theo thực tế là 20 kg/ha (mật độ theo khuyến cáo chỉ có 15-17 kg/ha - PV) thì có nghĩa diện tích trồng 50 ngàn ha bắp lai nay giảm đi phân nửa.
Trong khi đó, chỉ trong tháng 9, ước tính có đến 19 tàu nhập khẩu với số lượng khoảng 1 triệu tấn bắp khô từ Nam Mỹ về cập cảng Cái Lân (Hòn Gai, Quảng Ninh) càng gây áp lực rất lớn đối với giá bắp nội địa. Được biết, hiện các Cty thương mại đang chào giá tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu mức giá 5.250-5.300 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá hồi tháng 8.
Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, giá bắp Nam Mỹ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 nhập khẩu về cảng Cái Lân có khả năng tiếp tục xuống mức chỉ còn 4.950 đồng/kg (hàng xá) thấp hơn 200 đồng/kg so với đầu tháng 9, trong khi đó, như đã nói trên, đây lại là thời điểm thu hoạch rộ chính vụ tại các vùng trồng bắp lớn ở miền Nam và miền Bắc và tất nhiên sẽ là yếu tố tiếp tục gây bất lợi cho người trồng bắp và các DN cung ứng giống bắp lai sắp tới.
Theo Indexmundi.com, một trang phân tích dữ liệu thị trường uy tín, giá ngô (bắp) trên thị trường thế giới trong vòng 5 năm trở lại đây đã liên tục tụt giảm thảm hại. Cụ thể, sau giai đoạn có giá cao nhất vào tháng 8/2012 với mức xấp xỉ 330 USD/tấn, giá ngô thế giới liên tục tuột một mạch không phanh, chỉ còn khoảng 190 USD/tấn vào cuối năm 2013, đầu năm 2014. Sau khi nhích lên ở mức trên 220 USD/tấn vào giữa năm 2014, giá ngô đã tiếp tục chìm xuống đáy và chỉ duy trì ở mức từ 160 đến 180 USD/tấn suốt từ năm 2014 đến nay. Tính chung từ giai đoạn tháng 8/2011 đến tháng 7/2016, giá ngô thế giới đã giảm tới gần 48%. Lê Bền
Nông nghiệp Việt Nam