MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp áp lực quốc tế gia tăng, VND vẫn cứ mạnh lên

05-09-2019 - 06:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Các đồng tiền mạnh trên thế giới đều giảm giá, bao gồm cả Nhân dân tệ của Trung Quốc không ngừng sụt giảm song đồng tiền của Việt Nam không hề bị ảnh hưởng.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần cuối tháng 8 của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI vừa công bố cho biết, sự bất ổn của nước Anh gia tăng khi thời hạn Brexit đang đến gần, chỉ số PMI tháng 8 của nước này giảm liên tục về mức đáy 47,4 khiến đồng GBP giảm tiếp 0,78% so với USD trong tuần vừa qua, nâng tổng mức giảm lên tới 4,7% trong 8 tháng đầu năm 2019, hiện đang ở vùng giá thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ. 

Brexit không thỏa thuận cũng sẽ là một đòn đau đối với nền kinh tế EU vốn đang không khỏe mạnh, chỉ số PMI tháng 8 của khu vực này có cải thiện đôi chút so với tháng 7 nhưng vẫn ở mức thấp (47) trong đó đầu tầu kinh tế là Đức chỉ là 43,5. Đồng EUR mất giá tới 1,36% so với USD tuần vừa rồi nhưng tổng mức mất giá cả 8 tháng đầu năm 2019 là 4,2% - vẫn thấp hơn GBP. Trong tuần, bốn đồng tiền còn lại trong rổ tính chỉ số DXY là JPY, CAD, SEK và CHF đều giảm giá so với USD, chỉ số DXY tăng mạnh lên 98,91 vào ngày thứ Sáu và hiện tại đã vượt mốc 99.

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang sau tuyên bố tăng thuế và áp thuế bổ sung của cả hai bên vào ngày 23/8 và một phần trong tuyên bố đó đã chính thức được thực thi từ 1/9. Dù hai bên vẫn để ngỏ khả năng ngồi vào bàn đàm phán nhưng triển vọng mang lại kết quả tích cực là rất thấp khi mà cả Mỹ và Trung Quốc đều giữ quan điểm rất cứng rắn. Để trung hòa phần nào ảnh hưởng của thuế quan từ Mỹ, PBoC đã liên tục hạ giá đồng CNY bằng cách tăng tỷ giá tham chiếu lên mức 7,088 CNY/USD – mức cao nhất kể từ 2008 trở lại đây, CNY mất giá thêm 0,86% trong tuần cuối cùng tháng 8 và mất giá tổng cộng 3,96% trong cả tháng 8, hiện ở mức 7.1567 CNY/USD.

Dù USD tăng giá mạnh, CNY liên tục giảm giá nhưng VND vẫn khá ổn định, tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 15đ/USD trên ngân hàng, về mức 23.130/23.250; và tăng 15đ/USD ở chiều mua vào, 20đ/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, lên mức 23.210/23.230. Tỷ giá trung tâm tăng thêm 6đ/USD, lên 23.133đ/USD, còn cao hơn tỷ giá mua vào của các ngân hàng và tiệm cận với tỷ giá mua vào của NHNN. 

Như vậy, dù áp lực quốc tế gia tăng nhưng VND không những không mất giá mà còn tăng nhẹ 0,15% so với USD trong 8 tháng đầu năm 2019. Ngoài Việt Nam, một số đồng tiền Châu Á như INR của Ấn Độ, PHP của Philippines, THB của Thái Lan…cũng tăng giá so với USD. 

Nhóm phân tích của SSI cho rằng, nguồn cung ngoại tệ trong nước rất dồi dào, chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức cao (1,8%/năm) sẽ hỗ trợ VND tiếp tục giữ giá trong thời gian tới.

Ngọc Toàn

Trở lên trên