Bất chấp cảnh báo suy thoái ở mọi nơi, nền kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều cách để “hạ cánh mềm”
Trong khi các nhà kinh tế và chuyên gia liên tục cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở sát bờ vực suy thoái, Mỹ vẫn còn cách để tránh được "cơn bão lớn".
- 08-07-2022Các nền kinh tế châu Á có xác suất suy thoái ra sao?
- 06-07-2022Nomura: Kinh tế Mỹ, Anh, Eurozone và Nhật Bản sẽ sớm rơi vào suy thoái
- 30-06-2022Chủ tịch Fed khẳng định phải chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế để kiềm chế lạm phát
Nền kinh tế Mỹ đang gặp biến cố. Giá cả của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng ngày càng tăng đã làm sức mua của nhiều hộ gia đình giảm đáng kể. Cùng lúc đó, nhu cầu tiêu dùng mạnh hơn đã nâng giá một loạt hàng hóa và dịch vụ, từ du lịch đến căn hộ.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà kinh tế cho rằng Mỹ không thể tránh khỏi tình trạng suy thoái trong năm nay hoặc năm sau. Các dự báo kinh tế cho thấy xác suất suy thoái trong 18 tháng tới lên tới hơn 50%.
Nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn có thể tránh được suy thoái nếu những điều này xảy ra trong những tháng tới:
Giữ vững suy nghĩ tích cực
Ở thời điểm hiện tại tỷ lệ người dân tin rằng lạm phát sẽ xảy ra vẫn chưa thể so với những năm 1970, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Nghiên cứu của Fed Cleveland cho thấy hầu hết mọi người đều không muốn dùng thu nhập trong tương lai của mình để bù đắp cho sự gia tăng dự kiến của giá cả do lạm phát, có nghĩa là suy nghĩ lạm phát sẽ làm giảm sức mua của họ. Điều này không phải là điềm báo tốt cho mức chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai.
Cục Dự trữ Liên bang nên tiếp tục tăng lãi suất lên ít nhất 3% vào đầu mùa thu. Quan điểm của quỹ đầu tư Vanguard cho rằng 3% là tỷ lệ tối thiểu cần thiết để củng cố niềm tin của công chúng rằng việc tăng giá sẽ sớm giảm bớt. Vì chính sách tiền tệ có độ trễ, việc nhanh chóng thực hiện điều này có thể giảm thiểu rủi ro dài hạn, hơn là dội thêm "gáo nước lạnh" vào suy nghĩ của người dân.
Vào ngày 20/6, khi nhắc đến việc các chuyên gia nói rằng kinh tế Mỹ sắp suy thoái, Tổng thống Biden trả lời: "Tôi không nghĩ suy thoái là điều không thể tránh khỏi. Tôi đã nói chuyện với cựu bộ trưởng tài chính Larry Summers sáng nay và không có chuyện không thể tránh khỏi suy thoái". Trước đó, ông Summers cho rằng suy thoái thường xảy ra khi lạm phát cao.
Giá dầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng
Theo Cục Thống kê Lao động, giá xăng và các loại nhiên liệu khác đã tăng 34,6% trong 12 tháng qua, đẩy mức lạm phát lên 8,6%. Người tiêu dùng đã chi thêm gần 280 tỷ USD cho chỉ riêng thực phẩm và năng lượng trong khoảng thời gian này, đây cũng là yếu tố chính góp phần làm giảm tỷ lệ tiết kiệm cá nhân.
Nếu giá dầu giảm xuống dưới 100 USD một thùng và ở nguyên mức đó trong thời gian tới, chi phí nhiên liệu giảm sẽ giúp bù đắp cho toàn bộ sự gia tăng của giá thực phẩm. Giá năng lượng thấp hơn cũng có thể khiến chỉ số CPI giảm 2,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay.
Lượng hàng dự trữ tăng lên
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nền kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các cú sốc liên tiếp, điển hình là vấn đề nguồn cung. Ngoài thực phẩm và năng lượng, tình trạng thiếu hụt các sản phẩm tiêu dùng từ ô tô đến đồ nội thất gia đình cũng khiến giá cả tăng lên. Hàng dự trữ của các nhà bán lẻ đang bắt đầu tăng trở lại khi người tiêu dùng thu hẹp mức chi tiêu và chuỗi cung ứng được "nối lại". Nhưng điều này vẫn chưa đủ để khiến giá cả giảm xuống, đây là chìa khóa để đưa chỉ số giá tiêu dùng hạ thấp hơn.
Theo một tính toán, trong mùa hè này, nước Mỹ cần phải có thêm 100 tỷ USD hàng dự trữ cho các sản phẩm tiêu dùng. Điều này sẽ đưa số lượng hàng dự trữ và tỷ lệ bán hàng trở lại mức bình thường hơn tại các nhà bán lẻ Mỹ. Các kệ hàng dự trữ được lấp đầy hơn cũng sẽ giúp giảm 1,5 điểm phần trăm lạm phát trong những tháng tới.
Người Mỹ quay lại thị trường lao động
Việc thiếu nhân công hiện đang là một vấn đề cấp bách đối với tăng trưởng kinh tế hơn là sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong 12 tháng qua, lực lượng lao động Mỹ đã thêm gần 3 triệu người. Nhiều người quay trở lại làm việc khi các ca nhiễm Covid-19 giảm xuống mức thấp hoặc do áp lực của giá cả gia tăng. Trên thực tế, số người không tìm kiếm việc làm do lo ngại Covid-19 đã giảm 1 triệu người kể từ đầu năm, theo Cục điều tra dân số Mỹ.
Theo một tính toán, việc 1 triệu người Mỹ khác đi làm lại trong đầu mùa thu sẽ giúp lấp đầy thị trường việc làm, từ đó hạ nhiệt tốc độ tăng lương xuống mức ổn định 4%. Tốc độ này sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang không phải tăng lãi suất lên 4% hoặc cao hơn, làm ảnh hưởng đến nhu cầu lao động.
Tất cả bốn điều kiện này cần phải được đáp ứng trong những tháng tới, khi đó nền kinh tế Mỹ mới có thể tránh khỏi tình trạng suy thoái. Nếu đạt được, mức lạm phát sẽ giảm xuống dưới 4% vào cuối năm 2022. Con đường phát triển kinh tế của Mỹ đang thu hẹp, nhưng vẫn chưa bị chặn lại.