MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp VnIndex liên tục củng cố vị trí “top 10” tăng trưởng tốt nhất thế giới, tài khoản không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn thua lỗ

So với thời điểm đầu năm 2017, VnIndex hiện đã tăng tới 23,6% và là thị trường tăng mạnh thứ 9 trên Thế giới. Dù vậy, đà tăng chủ yếu tập trung vào một vài Bluechips kéo chỉ số và hầu hết thị trường vẫn khá ảm đạm.

Trong tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VnIndex tiếp tục bứt phá lên 820,95 điểm và đây cũng là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. So với thời điểm đầu năm 2017, VnIndex hiện đã tăng tới 23,6% và là thị trường tăng mạnh thứ 9 trên Thế giới.

Bất chấp VnIndex liên tục củng cố vị trí “top 10” tăng trưởng tốt nhất thế giới, tài khoản không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn thua lỗ - Ảnh 1.

VnIndex đứng thứ 9 trên Thế giới về tốc độ tăng trưởng từ đầu năm tới nay

Sự bứt phá của VnIndex gần đây có sự hỗ trợ không nhỏ từ các cổ phiếu Bluechips. Tính riêng trong tuần giao dịch vừa qua, nhóm 5 cổ phiếu VIC, SAB, GAS, VPB, MWG đã đóng góp tổng cộng 10,6 điểm trên tổng số 13,2 điểm của VnIndex. Bởi vậy, không ít nhà đầu tư gặp phải tình trạng tài khoản không tăng, thậm chí sụt giảm, bất chấp thị trường liên tục những đỉnh cao mới.

Bất chấp VnIndex liên tục củng cố vị trí “top 10” tăng trưởng tốt nhất thế giới, tài khoản không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn thua lỗ - Ảnh 2.

Lực tăng VnIndex tuần qua chủ yếu đến từ VIC, SAB, GAS, VPB, MWG

Trong báo cáo mới đây, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã đánh giá thị trường “Sắc xanh không thực tế”. Theo VDSC, thị trường tuy tăng điểm nhưng dễ dàng nhận thấy chủ yếu do một vài mã vốn hóa lớn luân phiên nhau giữ nhịp. Nhìn vào chỉ số và giao dịch, có lẽ bên bán đang nắm sự chủ động hơn bên mua. Khi chỉ số tiến lên vùng cao, độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực nhiều hơn. Bên bán còn thể hiện sự chủ động ở chỗ mặc dù bán ép chỉ số nhưng vẫn có một số mã lớn để giữ nhịp, tạo sắc xanh cho thị trường.

Bởi vậy, VDSC cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng trong điều kiện giao dịch như vậy và nên tập trung nhiều vào danh mục riêng lẻ hơn là bị đánh lừa bởi đà tăng của chỉ số.

Thận trọng với thanh khoản và diễn biến khối ngoại

Thanh khoản thị trường trong những phiên gần đây có sự sụt giảm đáng kể. Từ mức giao dịch 3.500 tỷ đồng mỗi phiên đầu tháng 9 thì đến nay giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ còn quanh ngưỡng 3.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều phiên chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền lớn đang có dấu hiệu tạm thời đứng ngoài thị trường.

Trong phân tích kỹ thuật, thông thường mỗi khi thị trường tăng mạnh nhưng không đi kèm với sự gia tăng thanh khoản thường dẫn đến nhịp điều chỉnh sau đó. Chỉ số VnIndex mặc dù liên tục lập đỉnh mới nhưng dường như không thu hút được dòng tiền và đây là yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Bất chấp VnIndex liên tục củng cố vị trí “top 10” tăng trưởng tốt nhất thế giới, tài khoản không ít nhà đầu tư Việt Nam vẫn thua lỗ - Ảnh 3.

VnIndex lập đỉnh với thanh khoản sụt giảm

Một yếu tố khác mà nhà đầu tư cũng nên lưu ý là giao dịch của khối ngoại. Trong 9 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng hơn 13.000 tỷ đồng trên 2 sàn HoSE, HNX và đây là yếu tố quan trọng giúp TTCK Việt Nam bứt phá.

Tuy vậy, trái ngược với xu hướng 9 tháng đầu năm, trong 2 tuần đầu tháng 10, khối ngoại đã bán ròng trên HoSE và HNX với tổng giá trị lên tới 815 tỷ đồng. Trong đó, riêng NTP đã bị khối ngoại bán ròng gần 400 tỷ đồng và nhiều khả năng do cổ đông lớn Nawaplastic thoái vốn. Nếu trừ đi giao dịch đột biến tại NTP thì khối ngoại vẫn bán ròng hơn 400 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 10.

Việc thiếu đi sự hỗ trợ của khối ngoại là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường giao dịch có phần ảm đạm, bất chấp nỗ lực “kéo” chỉ số từ một vài Bluechips. Hiện tại, giao dịch khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong trên thị trường nhưng có tác động khá lớn tới tâm lý nhà đầu tư.

Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giao dịch của khối ngoại cũng như thanh khoản trên thị trường để đưa ra quyết định phù hợp, tránh bị ảnh hưởng bởi biến động thất thường từ VnIndex.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên