Bất công cho doanh nghiệp tư nhân
Lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế nhưng các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt cao nhất...
- 14-01-2018Doanh nghiệp tư nhân đã bớt lẻ loi, cô đơn!
- 05-12-2017Vingroup vượt Ô tô Trường Hải để trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2017
- 13-10-2017Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao vẫn chưa đủ lớn?
Mặc dù có ít lãi nhất nhưng doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp ngân sách nhà nước nhiều nhất, là thực tế mà Tổng cục Thống kê chỉ ra trong một báo cáo tại phiên họp vừa diễn ra của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Theo điều tra của cơ quan này, thì các doanh nghiệp ngoài nhà chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn. Năm 2016, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp).
Mức tăng bình quân về lợi nhuận của doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn 2010-2016 chỉ là 8,4%/năm. Trong khi đó, mức tăng này ở doanh nghiệp nhà nước là 9,4%/năm và doanh nghiệp FDI là 17,3%.
Các doanh nghiệp nhà nước năm 2016 tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp). Còn các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), lớn nhất trong các thành phần kinh tế.
Con số đóng góp của các doanh nghiệp ngoài nhà nước vào năm 2016, là 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17%/năm giai đoạn 2010- 2016. Tiếp đến là các doanh nghiệp nhà nước đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010-2016. Các doanh nghiệp FDI mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2016, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010- 2016.
Và trong khi 83,5% doanh nghiệp nhà nước kinh doanh có lãi, 54,4% doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi thì chỉ có 47% doanh nghiệp ngoài nhà nước kinh doanh có lãi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Phạm Trọng Nhân đã dẫn ra những ví dụ về câu chuyện Tập đoàn Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác xin ưu đãi thuế giống như Sam sung Việt Nam. Hai khoản đầu tư 500 tỉ để phát triển khoa học công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính...
Theo ông Nhân, "chúng ta cứng nhắc và khắt khe với chính những người luôn đồng cam cộng khổ, có nhiều đóng góp cho kinh tế".
Vị đại biểu này khẳng định rằng các doanh nghiệp tư nhân không có cách nào khác là phải sẵn sàng cho cuộc đua phát triển, nhưng Chính phủ cũng phải luôn có sự định hướng rõ ràng để sự phát triển của khu vực này không chỉ thay đổi về lượng mà còn phải bền vững về chất.
Nhưng vị đại biểu, cũng là một doanh nhân ở Bình Dương thấy rằng, làm sao cho luồng sinh khí phải được liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện nuôi dưỡng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh và trở thành một nguồn lực chủ yếu cho đất nước trong quá trình tăng trưởng, thì đó mới chính là một trong những biểu hiện cơ bản nhất của hoạt động kiến tạo.
Vneconomy