MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt đầu xu hướng doanh nghiệp huy động vốn giống như ngân hàng?

04-07-2019 - 09:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Hướng huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân của một số doanh nghiệp đang có những nét như của các ngân hàng thương mại.

Chuyển động mới

Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn không mới trên thị trường. Nhưng, theo kênh và cách truyền thống, số lượng doanh nghiệp gọi được vốn tại Việt Nam còn khiêm tốn.

Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, tính đến quý III/2018, Việt Nam chỉ mới có 41 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Con số này là quá nhỏ bé so với hơn 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 1.500 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công thường phải là các doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính và có uy tín trên thị trường.

Trong khi đó, khách hàng mua trái phiếu cũng thường là các nhà đầu tư tổ chức, mua theo lô lớn, bao gồm các quỹ đầu tư, các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm. Trong đó, khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất chính là các nhà băng.

Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và cho vay trung và dài hạn của ngân hàng đang dần bị siết lại, các doanh nghiệp đang dần chuyển hướng khách hàng mục tiêu sang các nhà đầu tư cá nhân.

Những chuyển động gần đây cho thấy, hướng dịch chuyển trên của một số doanh nghiệp bắt đầu có những nét giống như các ngân hàng đang huy động vốn từ dân cư.

Cụ thể, qua giới thiệu và phân phối từ một số ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, trên thị trường đã xuất hiện một số trái phiếu doanh nghiệp có cấu trúc kỳ hạn ngày càng cắt ngắn và tách nhỏ các món, theo hướng thiết kế để phù hợp hơn với đối tượng khách hàng cá nhân.

Theo đó, mệnh giá trái phiếu được chia nhỏ xuống mức 50 triệu – 100 triệu đồng/hợp đồng, thậm chí 15 triệu đồng, thay vì các mức lớn như trước đây. Càng chia nhỏ, trường huy động càng mở rộng và lượng thu hút vốn thành công có thể càng cao.

Đáng chú ý, để tăng khả năng phát hành thành công, gần đây xuất hiện những doanh nghiệp cắt ngắn kỳ hạn trái phiếu, trở nên linh hoạt như các ngân hàng thương mại, khi có các kỳ hạn chỉ 3, 4 tháng đến 12 tháng.

Khác biệt chủ yếu, lãi suất trái phiếu đó cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm gửi cùng kỳ hạn tại ngân hàng từ 2% đến 2,5%/năm.

Đây là một hướng đi mới, khác biệt lớn, bởi thông thường doanh nghiệp trước đây thường chỉ phát hành trái phiếu có kỳ hạn trung dài hạn, từ 1 đến 5 năm.

Khác biệt liên quan nữa, với hướng đi mới đó, doanh nghiệp phát hành tách bớt vốn vay tại ngân hàng vì có nguồn từ trái phiếu, khách hàng cá nhân cũng tách bớt tiền gửi ở ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Khi quy mô đủ lớn, khác biệt trên sẽ phản ánh rõ trên bảng cân đối của hệ thống các ngân hàng thương mại, hay phản ánh một khía cạnh phát triển của thị trường vốn.

Cần hoàn thiện khung an toàn

Dù có nhiều yếu tố hấp dẫn như đã nói ở trên, nhưng về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn là một sản phẩm rất mới đối với khách hàng cá nhân. Do đó, việc hiểu rõ về những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào kênh này là điều cực kỳ quan trọng.

Bởi, không giống như các nhà đầu tư tổ chức lớn như bảo hiểm, ngân hàng hay các quỹ đầu tư, thường có đủ năng lực và điều kiện để thẩm định doanh nghiệp trước khi ra quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư cá nhân thường hạn chế hơn ở điểm này.

Đặc biệt do trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm phần lớn không có tài sản đảm bảo, rủi ro mất vốn của trái chủ trở nền tiềm tàng hơn.

Bởi, theo Luật phá sản doanh nghiệp 2014, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, trái chủ chỉ được trả nợ sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành việc thanh toán cho nhân viên, nợ bảo hiểm xã hội, nợ có tài sản đảm bảo…

Theo đánh giá của giới chuyên gia, để trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều hơn đến đối tượng khách hàng cá nhân, thì vấn đề quan trọng cần giải quyết chính là tính minh bạch.

Và để làm được điều này, Việt Nam cần phải có một cơ chế giám sát thị trường rõ ràng. Đặc biệt, cần phải có tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập về các đơn vị phát hành, để từ đó, phân loại trái phiếu để nhà đầu tư có cơ sở để đưa ra các lựa chọn.

Theo Trần Thúy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên