Bất động sản năm 2020 có khắc nghiệt hơn 2019?
Nhiều dự báo cho rằng, thị trường BĐS năm 2020 sẽ ổn định trong thận trọng. Trong đó, cả người mua, nhà đầu tư, nhà đầu cơ đều ở trạng thái thận trọng, dè chừng. Mãi lực vào BĐS sẽ giảm đi.
Điểm khó khăn dễ nhận thấy nhất của năm 2019 có thể kéo dài trong năm 2020 là nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm. Vì thế, việc sở hữu nhà ở của người có thu nhập trung bình ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp BĐS có thể đứng trên bờ vực phá sản vì không có sản phẩm để bán, chi phí, lãi vay ngân hàng đội lên…
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam từng nhấn mạnh, khó khăn trên thị trường BĐS còn kéo dài trong 2020 bởi những vấn đề về pháp lý, về tín dụng, về an toàn dòng vốn...
Theo ông Nam, vướng mắc về pháp lý không dễ được giải quyết ngay, tín dụng cho BĐS thì ngày càng thắt chặt, việc tiếp cận đất đai ngày càng hạn chế... sẽ khiến thị trường khó khăn, suy giảm thêm. Do đó doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng.
Còn theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, năm 2020 thị trường BĐS sẽ khó khăn hơn năm 2019. Thị trường sẽ đi theo hướng ổn định trong thận trọng. Trong đó, phân khúc nào giảm bắt buộc phải giảm, còn phân khúc nào tăng bắt buộc phải tăng nhưng mức tăng sẽ chậm. Cả người mua, nhà đầu tư, nhà đầu cơ đều thận trọng, dè chừng khi quyết định mua BĐS.
Ông Phúc phân tích, năm 2020 vấn đề là tín dụng không định hướng vào BĐS mà vào các lĩnh vực khác. Kiểu như một hồ nước trước đến nay có 2 van chảy vào thì giờ còn 1 van và van này nhỏ hơn trước, thì chắc chắc hồ nước đó sẽ không đầy nhanh được. BĐS năm 2020 cũng vậy, mọi thứ sẽ chậm lại. Thậm chí giá bán BĐS trong năm Canh Tý có thể giảm ở một số phân khúc đang được định giá cao.
Theo ông Phúc, có 2 nguồn tín dụng chính chảy vào BĐS là tín dụng từ ngân hàng cho CĐT và tín dụng cho nhu cầu mua, xây, nhu cầu tiêu dùng. Nguồn cho CĐT vay đang bị siết lại, còn nguồn cho người tiêu dùng tuy có mở ra nhưng chỉ khuyến khích khoản vay dưới 3 tỉ đồng.
“Năm 2020 có những phân khúc giá cao có thể khó bán được hàng. Việc đặt cọc, giữ chỗ không giải quyết được vấn đề mà phải mua, nhưng mua xong liệu có tiền đóng. Năm 2020 có thể người mua BĐS xong không có tiền đóng vì van tín dụng đang bị bóp lại”, ông Phúc nhấn mạnh.
Rõ ràng, cung tiền trong kinh tế đều đang giảm, không có lý do gì người ta đi mua BĐS nhiều được, đó là thực tế diễn ra trong năm 2020. Vì thế, bản thân CĐT BĐS phải lường trước khó khăn chứ không thể thuận lợi. Theo ông Phúc, ngay cả mãi lực ở nhu cầu mua ở thực cũng sẽ chậm lại.
“Theo tôi, nhà nước đang đi đúng hướng để tạo ra sự minh bạch cho thị trường. Siết tín dụng nhưng không phải tất cả mà cần có sự khuyến khích những loại hình BĐS đáp ứng nhu cầu ở thực, đáp ứng nhu cầu của số đông trên thị trường”, ông Phúc cho hay.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, thị trường BĐS chưa đến mức xấu nhưng rõ ràng mất cân đối nguồn cung - cầu, giá thành đẩy lên quá cao là thực tế đang diễn ra. Và những điểm xấu này có thể vẫn tái diễn trong năm 2020. Vì thực tại, nhiều dự án bị tê liệt, vướng mắc pháp lý, lại có những dự án một mình một chợ, tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu cạnh tranh. Thực trạng này càng kéo dài, người bị thiệt chính là người tiêu dùng, đặc biệt là đông đảo người nghèo, người thu nhập thấp không tìm được nhà ở mong muốn.
Theo ông Châu, năm 2020 sẽ vẫn là khoảng lặng của thị trường BĐS, thị trường vẫn thiếu hụt dự án, thiếu hụt sản phẩm mới. Ngoài ra, với việc áp dụng bảng giá đất mới theo xu hướng tăng mạnh thì công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án cũng sẽ khó khăn hơn, việc bán hàng cũng rất khó vì giá sản phẩm cao…
Theo một số chuyên gia trong ngành, năm 2020 có thể tiếp tục là năm khó khăn đối với doanh nghiệp BĐS. Họ sẽ ngày càng khó tiếp cận đất đai và càng khó giải phóng mặt bằng.