Bất động sản nghỉ dưỡng chờ làn gió mới từ dòng vốn ngoại
BĐS nghỉ dưỡng (bao gồm các căn hộ/nhà phố/biệt thự có thời hạn) hiện chỉ đưa vào vận hành khai thác lưu trú qua đêm như khách sạn chứ không phải để ở thường xuyên, đồng thời được quản lý công khai minh bạch nên nỗi lo về an ninh quốc phòng cũng không quá đáng ngại.
- 22-07-2020Chuyên gia địa ốc nói gì về đề xuất mở cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu BĐS du lịch Việt Nam?
- 21-07-2020Cho người nước ngoài được mua bất động sản du lịch – Nên hay không?
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam. Cũng theo phân tích của ông Nguyễn Hoàng, thực ra BĐS nghỉ dưỡng là một sản phẩm đầu tư tài chính, vì thế nếu có thêm dòng vốn đầu tư từ người nước ngoài sẽ càng có lợi cho thị trường.
BĐS nghỉ dưỡng chờ làn gió mới
Theo khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo khoản 1 Điều 75 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở (gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, người nước ngoài được mua nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam, nhưng phải trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Người nước ngoài không được mua nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại như nhà mặt phố hoặc trong khu dân cư (không nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại) mà người Việt Nam chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Hoàng: "Những dự án BĐS du lịch đã được xem xét đến vấn đề có nằm trong diện ảnh hưởng hoặc tác động đến an ninh quốc phòng hay không, nếu có chắc chắn sẽ không được cấp phép. Nên nỗi lo về an ninh quốc phòng cũng không quá đáng lo ngại."
Theo ông Nguyễn Hoàng, pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định người nước ngoài (cá nhân) được mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định chỉ tổ chức nước ngoài mới được kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Còn đối với BĐS nghỉ dưỡng (loại hình thương mại) thì chưa có quy định cụ thể trong cả 2 Luật này.
Khi được hỏi, hiện nay có rất nhiều thông tin, số liệu về việc người nước ngoài sở hữu nhà đất tại Việt Nam dưới những hình thức khác nhau gây lo lắng về an ninh quốc phòng. Vậy khi BĐS nghỉ dưỡng được bán cho người nước ngoài có làm tăng lo ngại về an ninh quốc phòng của quốc gia hay không?
Ông Hoàng cho rằng, thực tế, một dự án BĐS nghỉ dưỡng khi được phê duyệt quy hoạch và đầu tư là đã được xem xét đến vấn đề có nằm trong diện ảnh hưởng hoặc tác động đến an ninh quốc phòng hay không, nếu có chắc chắn sẽ không được cấp phép.
Hiện nay, với BĐS Nhà ở, người nước ngoài được phép mua căn hộ ở cũng phải theo những quy định cụ thể thì với BĐS nghỉ dưỡng, nếu cũng áp dụng như vậy sẽ giảm bớt các lo ngại.
Một vấn đề nữa là BĐS nghỉ dưỡng (bao gồm các căn hộ/nhà phố/biệt thự có thời hạn) hiện chỉ đưa vào vận hành khai thác lưu trú qua đêm như khách sạn chứ không phải để ở thường xuyên, đồng thời được quản lý công khai minh bạch nên nỗi lo về an ninh quốc phòng cũng không quá đáng ngại.
"Cứu cánh" cho BĐS du lịch Việt Nam?
Theo vị chuyên gia này, việc cho phép người nước ngoài mua BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam là một đề xuất có tính tích cực góp phần thúc đẩy cho BĐS nghỉ dưỡng phát triển với những lợi ích khác nhau.
Nếu người nước ngoài được phép mua BĐS du lịch tại Việt Nam, trước mắt sẽ có những điểm tích cực như: Đa dạng nguồn khách cho chủ đầu tư, giảm bớt áp lực trông đợi nguồn khách mua nội địa; Kích thích thị trường BĐS nghỉ dưỡng tăng trưởng tích cực hơn trong bối cảnh hiện tại đang có nhiều thách thức, khó khăn. Từ đây, do yêu cầu phát triển của thị trường, việc quản lý và hoàn thiện pháp lý của Nhà nước cũng phải phát triển theo.
Bên cạnh đó, việc này sẽ thu hút thêm dòng vốn đầu tư cá nhân của người nước ngoài, góp phần đa dạng nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng.
"Thật ra, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng là đầu tư tài chính (mua một căn hộ/căn nhà rồi ủy quyền cho chủ đầu tư/đơn vị quản lý khai thác cho thuê, khai thác lợi nhuận theo hiệu quả hoạt động)", ông Hoàng chi sẻ.
Ngoài ra, khi cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam, các dự án sẽ được đầu tư chất lượng tốt hơn, minh bạch hơn, quản lý hiệu quả hơn để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, điều này còn thúc đẩy BĐS du lịch nói riêng, du lịch nói chung sôi động hơn, từ đó thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam mang tầm vóc hội nhập và tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc người nước ngoài mua BĐS ở Việt Nam chỉ có tính kích thích và góp phần làm sôi động thị trường BĐS hơn. Chúng ta không thể trông đợi vào yếu tố này một cách tuyệt đối, xem đây là cứu cánh để giải cứu thị trường BĐS khi gặp khó khăn.
Theo vị chuyên gia này, quan trọng nhất vẫn nên có những quy định pháp lý cụ thể để quản lý hiệu quả và hạn chế những rủi ro (chú ý quyền sử dụng đất, quyền và hình thức sở hữu công trình, thời hạn sử dụng, nguồn vốn vay/tài chính của khách mua kể cả việc phòng chống rửa tiền, việc sử dụng/vận hành khai thác và quản lý, các loại nghĩa vụ về thuế/phí, tỉ lệ/số lượng/giá trị được mua, quy định về hợp đồng, các chế tài xử lý vi phạm,…).