MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai “tiếp tay” cho công trình vi phạm?

02-02-2016 - 09:13 AM | Bất động sản

Khảo sát thực tế cho thấy phần lớn công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) nằm vị trí đất “vàng” tại các quận nội thành.

Vi phạm TTXD kéo dài từ vài tháng đến vài năm nhưng có điều lạ là chính quyền địa phương lại không hay biết, khiến dư luận nghi ngờ về dấu hiệu “bảo kê” cho vi phạm.

Công trình vi phạm tràn lan

Trúc Bạch là một trong số phường nằm ở vị trí đắc địa, không khí trong lành và sở hữu cảnh quan đẹp nhất quận Ba Đình. Tuy nhiên, việc thực thi trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn phường này lại là vấn đề nhức nhối.

Công trình 41 Nguyễn Khắc Hiếu được UBND quận Ba Đình cấp giấy phép xây dựng ( GPXD) lần đầu vào tháng 5/2012 với chiều cao 5 tầng. Đến tháng 12/2012, chủ đầu tư được UBND quận Ba Đình cấp phép bổ sung thêm 1 tầng, nâng tổng số tầng lên thành 6. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư liên tiếp vi phạm cả về chiều cao và mật độ xây dựng dẫn đến khiếu nại của các hộ liền kề.

Thay vì xử lý công trình vi phạm này theo quy định, ngày 2/2/2015, lãnh đạo quận Ba Đình đã tiếp tục cấp Giấy phép xây dựng số 53 thay thế cho GPXD cũ, nâng số tầng được cấp phép lên thành 7 tầng, chưa kể tum thang máy, tức là hợp pháp hóa diện tích vi phạm của chủ đầu tư.

Lẽ ra, trước khi được cấp phép bổ sung ( thành 7 tầng), công trình vi phạm này phải bị cưỡng chế phá dỡ hoặc phạt tồn tại theo Nghị định 121 của thành phố Hà Nội (phạt 40% giá trị diện tích xây dựng vi phạm), nhưng trình tự trên lại không được UBND quận Ba Đình thực hiện. Khi tiếp tục xây dựng theo giấy phép bổ sung này,chủ đầu tư thực tế lại cho nâng số tầng xây dựng lên con số 8.

Qua phản ánh của người dân, phóng viên đã đi tìm hiểu và phát hiện thêm 3 công trình cao tầng khác đều vi phạm TTXD cùng thời điểm với công trình số 41 Nguyễn Khắc Hiếu được UBND phường Trúc Bạch “đặc cách” cho tồn tại.

Cụ thể, công trình 58 Yên Ninh có diện tích 23,7m2 được cấp xây dựng 5 tầng, với tổng chiều cao 17,1m nhưng hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện đến tầng thứ 6, với tổng chiều cao tăng đột biến. Cùng trên tuyến phố này, nhà 52 Yên Ninh được cấp phép 6 tầng cũng được chủ đầu tư thoải mái nới lên thành 7 tầng. Công trình số 74 Cửa Bắc - 15 ngõ Châu Long được cấp phép xây dựng 7 tầng, nay được chủ đầu tư xây dựng đến 9 tầng và sai cả mật độ xây dựng.

Ở quận Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa cũng là điểm nóng với hàng loạt vi phạm về TTXD. Chỉ tính riêng nửa cuối năm 2015, trên địa bàn đã một số công trình vi phạm TTXD đồng loạt tồn tại. Ở ngõ 96 Đê La Thành, công trình được cấp phép xây dựng 7 tầng, nhưng đến nay công trình đạt mốc 9 tầng và vi phạm mật độ xây dựng.

Tại ngõ 97 Hoàng Cầu, người dân rất ngỡ ngàng với công trình cao ốc 10 tầng, trong khi các hộ liền kề không được xây vượt quá 6 tầng. Trước đó, tháng 5/2015, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội đã phải vào cuộc chỉ đạo UBND quận Đống Đa xử lý những vi phạm tại nhà hàng Lã Vọng nằm trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa “uy hiếp” không gian hồ Hoàng Cầu.

Gian nan phá dỡ công trình

Năm 2015, người dân Thủ đô nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng đều biết đến loạt công trình vi phạm ở dự án chung cư Thăng Long Garden 250 Minh Khai ngang nhiên “xẻ thịt” đất vườn hoa, cây xanh nhiều năm mà không bị chính quyền địa phương và Đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng xử lý kịp thời.

Trải qua hơn một năm đấu tranh, những vi phạm của Công ty Cổ phần May Thăng Long mới lộ rõ tại Công văn số 194/TTr-KNTC ngày 14/5/2015, do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng gửi thành phố Hà Nội đề nghị xử lý các hạng mục xây dựng vi phạm của chủ đầu tư Thăng Long Garden.

Từ tháng 5 đến tháng 7/2015, UBND thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng đã nhiều lần ban hành văn bản đốc thúc nhưng UBND phường Minh Khai, Đội Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng, UBND quận Hai Bà Trưng không xử lý kiên quyết khiến đại diện cư dân nhiều lần gửi đơn “vượt cấp” lên Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 9/7/2015, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm khiếu nại chính đáng của cư dân Thăng Long Garden, nhưng việc phá dỡ vẫn rất gian nan. Sau khi chủ đầu tư phá dỡ 2 công trình nhỏ/4 công trình vi phạm, UBND phường Minh Khai và UBND quận Hai Bà Trưng đã làm dư luận “nổi sóng” khi ban hành văn bản “xin” cho Công ty Cổ phần May Thăng Long được giữ lại hơn 500m2 nhà điều hành, hạng mục vi phạm “khủng” nhất được tồn tại đến năm 2017 mà không đưa ra lý do thuyết phục.

Trước những phản ứng dữ dội của cư dân, tháng 11/2015, loạt 4 công trình vi phạm đã được xử lý dứt điểm, nhưng cách xử lý vi phạm “cầm chừng” của UBND phường Minh Khai, Đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng khiến người dân đặt dấu hỏi về dấu hiệu “chống lưng” cho vi phạm của chủ đầu tư Thăng Long Garden suốt một thời gian dài.

Cơ sở bỏ mặc vi phạm lộng hành?

Trở lại với Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc phố cổ chúng tôi đã nêu ở kỳ trước, mặc dù quy chế đã khoanh vùng rõ từng khu vực, từng con phố thuộc diện bị khống chế chiều cao và mật độ xây dựng, nhưng không hiểu vì sao vẫn có rất nhiều “con voi chui lọt lỗ kim” giữa muôn trùng các cấp được giao trọng trách giám sát, giữ gìn cảnh quan phố cổ, dẫn đến việc dư luận nghi ngờ về dấu hiệu “chống lưng” cho vi phạm của lực lượng chức năng.

Tiếp cận hồ sơ các công trình vi phạm TTXD khu vực phố cổ có thể thấy UBND phường thường lập rất nhiều biên bản vi phạm, quyết định đình chỉ thi công, kể cả quyết định cưỡng chế. Nhưng bằng cách nào đó, chủ đầu tư vẫn vô tư xây vượt phép 2-4 tầng, trong khi thành phố hàng năm vẫn bỏ ra nguồn ngân sách khổng lồ duy trì một lực lượng hùng hậu làm nhiệm vụ giám sát công trình xây dựng gồm UBND phường, Đội Thanh tra Xây dựng quận, UBND quận, Thanh tra Sở Xây dựng.

Trước những phản ứng dữ dội của cư dân, tháng 11/2015, loạt 4 công trình vi phạm đã được xử lý dứt điểm, nhưng cách xử lý vi phạm “cầm chừng” của UBND phường Minh Khai, Đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng khiến người dân đặt dấu hỏi về dấu hiệu “chống lưng” cho vi phạm của chủ đầu tư Thăng Long Garden suốt một thời gian dài.

Theo Hà Thành

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên