MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản vùng ven Tp.HCM: Đất phân lô, bán nền vào mùa cao điểm

26-05-2015 - 15:44 PM | Bất động sản

Phân khúc bất động sản đất nền đô thị tại Tp.HCM và một số tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Long An,...có xu hướng ấm lên ở một số dự án.

Tóm tắt

- Người dân có tiền giờ “chạy” đến các tỉnh lân cận TP.HCM để tìm đất nền nhiều hơn. Trong khi đó, tại những khu vực có tuyến giao thông thuận lợi, tiện ích cộng cộng được đầu tư tốt đều được người có nhu cầu “săn” ráo riết.

- Trong nửa cuối của năm 2015, dự báo thị trường phân khúc nhà ở này có thể đón nhận khoảng 5.000 sản phẩm từ nhiều dự án.


Khách hàng bắt đầu quan tâm đến đất nền ở các khu đô thị mới tại những nơi có hạ tầng phát triển như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An. Vì thế, lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cũng tăng lên khá cao.

Những đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm này đang bước vào mùa cao điểm khi chào bán ra thị trường hàng loạt dự án. Điểm qua thị trường có thể thấy như Tam Phước (Long Thành) của Địa ốc Kim Oanh, An Viễn (Trảng Bom) của Công ty TNHH Bảo Cường, Khu đô thị Suối Son của Công ty Đất Xanh,...

Hay mới đây nhất 272 nhà phố Dự án RichHome tại Bến Cát, Bình Dương cũng được Kim Oanh tung ra thị trường. Ngay tại tỉnh Long An, Thanh Yến Land đã tung ra dự án khu dân cư Thanh Yến Residence với gần 100 nền đất tại Bến Lức...Hầu hết các dự án này đều đạt được thanh khoản tốt trên thị trường.

Một “đại gia” đất nền khác là Phúc Khang Corporation cũng nhanh chóng đưa ra dự án Khu Đô Thị Văn Hóa – Thương Mại – Du Lịch Làng Sen Việt Nam với tổng diện tích hơn 50ha với hơn 2.000 nền nhà. Chủ đầu tư cho biết, tính đến 5/2015 đã tiêu thụ được 1.500 nền.

Theo ghi nhận từ khách hàng, lý do nhiều dự án hút hàng là bởi giá đất tại những dự án này rẻ hơn các khu vực giáp ranh với Tp.HCM, cộng với đó là hạ tầng cũng đã được đầu tư đồng bộ, tiện ích xã hội được nâng cao. Do vậy, đã có nhiều người mua coi như là kênh đầu tư lâu dài.

Theo quy hoạch giao thông vùng TP.HCM có thể thấy các tuyến giao thông huyết mạch như QL 1A, N2, QL50, các tuyến đường vành đai 1, 2, 3, các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ, rồi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đầu tư xây dựng... đều chạy xuyên qua địa bàn tỉnh Long An.

Anh Nguyễn Trọng Hưng, một môi giới BĐS lâu năm tại khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai), cho rằng khi có đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thông xe và các tuyến đường kết nối với nhiều địa phương khác, bất động sản khu vực này đã có nhiều chuyển biến, khách hàng "săn" đất nhiều hơn.

Các lô đất thổ cư gần tuyến cao tốc hiện được chào bán khoảng 60-75 triệu đồng/m2, các lô đất rẫy có diện tích khoảng 1.000m2 thì đang được chào bán với giá 100-120 triệu đồng/lô, các lô nằm gần đường có giá cao hơn khoảng 160-190 triệu đồng/lô, tùy vị trí.

Còn theo anh Đỗ Hồng Phúc, môi giới nhà đất tại huyện Dĩ An (Bình Dương), đất quanh cầu Đồng Nai, làng đại học Quốc gia TP.HCM có giá khoảng từ 450 - 600 triệu đồng/nền diện tích từ 50-70m2,...được hỏi mua nhiều. Phó Giám đốc Mekong Land Lê Huỳnh Hoàng Minh cho biết đất tại Cần Thơ ở khu đô thị cũng có dấu hiệu khởi sắc hơn. Loại đất nền có giá dưới 500 triệu đồng được quan tâm nhiều hơn.

Sự chuyển dịch của các giao dịch đất nền lẫn căn hộ mua bán sẵn từ các quận ngoại ô TP.HCM sang các tỉnh lân cận được các chuyên gia bất động sản đánh giá đang là một xu hướng tất yếu. Theo đó, cùng với việc gia tăng dân số cơ học lớn, bất động sản ở TP.HCM ngày càng trở nên “đắt đỏ” và quá sức đối với nhiều người lao động thu nhập trung bình và thấp.

Trong khi đó, với quỹ đất lớn, cùng với đó là sự quan tâm về chính sách đất đai, cải thiện môi trường đầu tư của lãnh đạo các địa phương, thị trường bất động sản tại những nơi này ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.

Bà Võ Thị Diệu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Sacomreal, cho biết: "Các dự án đất nền có vị trí thuận lợi, môi trường sống tốt đang trở thành tâm điểm của thị trường. Khách hàng chọn sản phẩm đất nền như "của để dành" và cũng là một kênh đầu tư sinh lợi cao trong tương lai, khi hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng được đầu tư kết nối đồng bộ".

 

 

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên