Gây lún nứt nhà dân, dự án Saigonres Plaza có phải ngừng thi công?
Người dân nhiều lần phản ánh tại các cuộc họp ở địa phương và cũng đã gửi đơn khiếu nại các cấp về tình trạng thi công không an toàn, gây nứt, nghiêng nhà quanh dự án Saigonres Plaza. Thế nhưng cái họ nhận được chỉ là sự thờ ơ của chủ đầu tư.
- 05-03-2016Sắt lao thủng mái nhà, đập nát kính nhà dân sống cạnh Saigonres Plaza
- 23-02-2016Bệnh viện trăm tỷ chưa khánh thành đã lún, nứt
- 11-10-2015Dân không dám làm nhà ở khu tái định cư vì cứ xây là lún, nứt
- 21-11-2014Hà Nội: Thi công TTTM Garden Thăng Long làm lún, nứt nhà dân
Hàng loạt nhà dân sát công trình bị nứt, nghiêng lún
Sau bài viết “Sắt lao thủng mái nhà, đập nát kính nhà dân sống cạnh Saigonres Plaza”,chúng tôi tiếp tục nhận được một số phản ánh của người dân về thực trạng thi công thiếu an toàn tại dự án Saigonres Plaza (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư. Được biết đơn vị phát triển dự án này là Công ty CPĐT&DV Đất Xanh Miền Nam.
Việc thi công dự án nói trên đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hết ngày này qua ngày khác, thế nhưng cơ quan chức năng địa phương dường như không có động thái gì để giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Ngọc H. (ngụ hẻm 202 đường Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh) bức xúc cho biết, căn nhà ông đang ở có hiện tượng bị nghiêng lún sang một bên, mỗi khi trời mưa nước đọng lại thành vũng, tường nhà thì bị nứt hàng chục chỗ. Mái che còn bị thủng lỗ chỗ vì que hàn từ công trình rơi xuống...
Hiện trạng căn nhà của ông Nguyễn Mạnh Huy (ngụ nhà số 202/9 đường Nguyễn Xí, Phường 26) thì còn nghiêm trọng hơn. Tường rào bị các vết nứt lớn có thể lọt ngón tay. Bên trong nhà chi chít vết nứt ngắn dài ở các vị trí như tường phòng ngủ, trên cửa, nền và tường nhà…
Trò chuyện với chúng tôi, bà B. (ngụ nhà số 202/7 đường Nguyễn Xí, kế bên nhà ông Huy) liên tục than vãn về tình trạng mất vệ sinh từ ngày công trình Saigonres Plaza đi vào thi công. Theo bà B, mỗi ngày gia đình bà luôn phải đối diện với tình trạng bụi xi măng bay mù mịt. Bao ni-lon do công nhân xả bay tứ tung.
“Quần áo phơi trong nhà thì không khô, đem ra ngoài phơi thì khi mặc vào ngứa ngáy khắp người vì bụi. Nhà tôi còn có nhiều vết nứt nhưng cũng biết chờ đến khi công trình thi công xong rồi yêu cầu chủ đầu tư giải quyết một lần, chứ nay sửa mai lại sửa tiếp thì khổ quá. Người dân nhiều lần phản ánh trong các cuộc họp ở địa phương nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy”, bà B. nói.
Bị thiệt hại nặng nhất phải kể đến là căn nhà số 202/4 đường Nguyễn Xí của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng. Sau sự cố thanh sắt từ công trình lao thủng mái nhà và “vật thể lạ” từ phía công trình rơi làm vỡ cửa kính như Infonet đã phản ánh trong bài viết trước, gia đình ông Hùng không dám ở trong căn nhà này nữa và phải thuê nhà gần đó.
“Chủ đầu tư xem thường tính mạng người dân”
Trước những bức xúc của người dân, UBND Phường 26, Quận Bình Thạnh chỉ có một động thái duy nhất là đề nghị chủ đầu tư thỏa thuận với bên thiệt hại để thống nhất biện pháp khắc phục, đồng thời che chắn công trình theo đúng quy định.
Vể quá trình thi công dự án Saigonres Plaza bị người dân phản ánh, vào ngày 22/3, theo quan sát của chúng tôi, dù dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thành những tầng cuối nhưng một mảng lớn công trình hướng về hẻm 202 đường Nguyễn Xí lại không được bao che. Điều này khiến các hộ dân đã phản ánh ở trên có lý do để lo sợ trước tình trạng vật liệu rơi rớt như thời gian trước đó.
Một mảng lớn công trình Saigonres Plaza hướng về phía nhà dân ở hẻm 202 đường Nguyễn Xí không che chắn khiến nhà dân gần đấy cũng như công trường
Trong đơn khiếu nại lần thứ ba, ông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng ra quyết định ngưng thi công dự án Saigonres Plaza để chủ đầu tư đền bù các thiệt hại như chi phí thuê nhà khác ở, khắc phục hiện tượng nứt, lún nghiêng đối với căn nhà của ông theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra ông còn đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xử lý cũng như yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn tài sản cũng như tính mạng cho người dân ở khu vực.
Về phản ánh dự án thi công làm hư hỏng nhà dân, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô vừa có văn bản trả lời ông Nguyễn Mạnh Hùng. Nội dung cho biết, vào tháng 7/2014 (thời điểm trước khi thi công công trình) công ty đã phối hợp cùng chính quyền địa phương khảo sát các nhà dân quanh công trình làm cơ sở bồi thường sau này, nếu có. Qua kiểm tra hiện trạng đã thấy nhà ông Hùng đã xuất hiện các vết nứt. Công ty còn cho biết sẽ mời đơn vị bảo hiểm khảo sát thêm lần nữa để lập dự toán chính xác trước khi gửi phương án sửa chữa nhà cho ông.
Tuy nhiên, các hộ dân tại hẻm 202 đường Nguyễn Xí cho hay, chủ đầu tư chỉ tiến hành khảo sát hiện trạng khi đã thi công xong phần móng và việc nhồi cọc là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nứt tường, nghiêng lún nhà dân. Theo ông Hùng, mặc dù công ty này nói sẽ mời đơn vị bảo hiểm khảo sát nhưng chưa thấy đâu, nhiều tháng trời trôi qua cuộc sống gia đình ông và các hộ dân xung quanh dự án bị đảo lộn, không biết phải chờ đến bao giờ.
“Chủ đầu tư như đang muốn kỳ kèo giá đền bù và kéo dài thời gian. Trong khi các hộ dân như gia đình tôi đang phải nơm nớp lo sợ khi sống trong chính căn nhà của mình vì không biết nó sẽ sập lúc nào. Họ quá xem thường tính mạng của người dân”, ông Hùng cho hay.
Theo kỹ sư Nguyễn Bảo Vinh, thông thường đối với những công trình xây dựng nhà cao tầng khâu thi công phần móng và tầng hầm sẽ có tác động đáng kể đến địa chất khu vực lân cận. Trong đó thi công tầng hầm sẽ tác động lên khối đất bao quanh “hang đào” gây ra sự biến dạng của khối đất và mặt đất. Đối với công đoạn thi công này, nhà thầu cần phải giám sát chặt chẽ sự chuyển vị của lớp mặt đất hố đào để có thể xử lý kịp thời, bởi đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng nứt cho công trình lân cận, ở mức độ nặng hơn có thể gây sụt lún, sập đổ.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, các quy định về việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận đã được thể hiện rõ tại Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột, gây ô nhiễm môi trường khu vực hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để chủ đầu tư, nhà thầu thi công có biện pháp khắc phục hậu quả. Công trình được phép thi công tiếp tục khi chủ đầu tư khắc phục xong hậu quả.
Căn cứ theo Điều 627 Bộ Luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, trong trường hợp này chủ đầu tư dự án có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng. Về mức bồi thường thiệt hại sẽ do chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, người dân có quyền khởi kiện tại TAND Quận Bình Thạnh để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Việc xác định mức độ thiệt hại thì một trong hai bên hoặc Tòa án sẽ cho trưng cầu giám định bằng cách có thể thuê cơ quan định giá để xác định mức thiệt hại cụ thể để làm căn cứ bồi thường.
Infonet