Gói 30.000 tỉ đồng: Vừa tháo hàng tồn, vừa trục lợi
Park View Residence được quảng cáo là chung cư cao cấp đầu tiên tại Khu đô thị (KĐT) Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội), mặc dù có giá bán từ 19-20 triệu đồng/m2 nhưng vẫn được quảng cáo khách hàng sẽ được vay vốn từ gói ưu đãi mua nhà ở xã hội 30.000 tỉ. Đáng buồn, không chỉ dự án này, mà khá nhiều dự án đang được ngân hàng (NH) và chủ đầu tư bất động sản (BĐS) lách luật để trục lợi gói tín dụng đáng lẽ chỉ dành cho người thu nhập thấp.
- 18-08-2015Trục lợi gói 30.000 tỉ, sẽ rà soát ngân hàng cho vay
- 29-05-2015Quy định về gói vay 30.000 tỉ đồng đánh đố người vay
- 23-05-2015Vẫn trần ai với gói vay 30.000 tỉ
- 16-04-2015Dân khó vay gói 30.000 tỉ đồng do quy định “đá” nhau
- 21-01-2015Vay gói 30.000 tỉ đồng: Không khó!
Trục lợi...
Theo quảng cáo của các cò môi giới, chung cư Park Veiw Residence là chung cư cao cấp, diện tích 57 - 190m2 và được quản lý an ninh 24/24h bằng thẻ từ và hệ thống camera giám sát. Hệ thống quản lý 2 tầng hầm để xe liên thông bằng thẻ từ thông minh, trung tâm thương mại, siêu thị, phòng tập gym hiện đại. Đây cũng được giới thiệu là dự án căn hộ cao cấp đầu tiên có hỗ trợ gói vay NH siêu ưu đãi. Khi PV Báo Lao Động thắc mắc “Thế nào là “siêu ưu đãi”?”, nhân viên một sàn môi giới BĐS tiết lộ: “Là được hỗ trợ vay vốn 70% trong 20 năm, lãi suất ưu đãi chưa từng có khi vay vốn mua nhà của ngân hàng, dù có thể vượt quy định vay vốn gói 30.000 tỉ đồng”.
Là cán bộ công tác tại một cơ quan truyền thông nhiều năm, vợ chồng anh Hà Thái rất phấn khởi vì sau khi lựa chọn, xem xét khắp nơi, anh chị thấy dự án này là phù hợp. Theo anh Bình, vì số tiền hiện có quá ít ỏi, chưa đầy 300 triệu đồng nên anh chị chỉ dám chọn căn hộ loại 57m2 với giá “mềm” 19,3 triệu đồng/m2. Dù vậy, giá căn hộ vẫn vượt điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng là tổng trị giá căn hộ phải dưới 1,05 tỉ đồng. “Để được vay vốn gói 30.000 tỉ đồng, vợ chồng tôi được nhân viên môi giới tư vấn khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư tách riêng phần nội thất (trị giá 200 triệu đồng) ra ngoài để hợp đồng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng, cũng là để khớp với NH. Tuy nhiên, hợp đồng nội thất phải thanh toán cùng đợt đóng thứ nhất nên tổng số tiền đóng lần đầu cao. Nếu như chứng minh được thu nhập với NH, số tiền giải ngân có thể lên đến 80% tổng trị giá căn hộ” - anh An Bình cho biết.
Khi hỏi, liệu NH có biết việc làm của chủ đầu tư và với những căn hộ diện tích lớn đến 190m2, giá trị hơn 2 tỉ đồng, làm thế nào để được vay gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng, nhân viên sàn này trả lời ráo hoảnh: “Yên tâm, sẽ có cách. NH cũng muốn cho vay mà chủ đầu tư cũng muốn bán được hàng”. Nhiều khách hàng cho biết hiện dự án này đang được 2 NH chào mời cho vay gói 30.000 tỉ đồngvới lãi suất siêu ưu đãi, trong đó có TPBank.
Và tháo hàng tồn kho
Thực tế từ lâu giới đầu tư BĐS đã truyền tai nhau về việc bản chất gói 30.000 tỉ đang bị lợi dụng như một kênh để các NH thương mại và chủ đầu tư giải phóng hàng tồn kho. Đã có thời điểm, số lượng căn hộ chung cư tồn kho (bao gồm chưa bán hoặc chưa huy động vốn) ở Hà Nội lên tới gần 6.000 căn. Chủ trương cho phép chuyển đổi công năng dự án BĐS, chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội (NOXH) như một cứu cánh trục vớt “xác chết”, trong đó có những dự án như khu nhà ở cao tầng 143 Trần Phú (Hà Đông), khu nhà ở Trung Văn (Từ Liêm) và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long...
Và thế là với cái mác NOXH, các dự án BĐS đang trong tình trạng ế ẩm sau khi đổi tên, chuyển đổi công năng thành NOXH nghiễm nhiên lọt vào danh sách được vay ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng. NH vừa giải ngân được vốn, chủ đầu tư lại giải phóng được hàng. Cụ thể, kể từ sau khi chuyển đổi từ nhà thương mại sang NOXH, tổ hợp chung cư AZ Thăng Long nghiễm nhiên được hưởng vốn vay ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng. Một NH thương mại có tiếng đã nhanh tay ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho chủ đầu tư là Cty TNHH bánh kẹo Thăng Long với doanh số giải ngân trên 1.100 tỉ đồng. Nhà ở thương mại giờ đây đổi tên thành Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long. Tổ hợp nhà ở này cũng “khoác” lên mình tên gọi mới rất “kêu” là Bright City…
Trên đây chỉ là những ví dụ rất điển hình của câu chuyện gói 30.000 tỉ đồng với mục tiêu ban đầu hết sức nhân văn là hỗ trợ người thu nhập thấp có nhà đã bị biến tướng và lợi dụng ra sao. Được biết, trả lời quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng trục lợi, trong khi đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã khẳng định: Mục đích của gói 30.000 tỉ đồng là để hỗ trợ người thu nhập thấp được vay vốn mua, thuê, thuê mua NOXH và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp. Giao Thanh tra bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi, rà soát các gói tín dụng liên quan để xử lý nghiêm các vi phạm.
Tuy nhiên, từ thời điểm ngày 31.7.2015 (thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chỉ đạo) đến nay, việc thanh tra, kiểm tra dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Thay vì có các biện pháp thanh, kiểm tra quyết liệt, các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục dừng ở mức có văn bản chỉ đạo. Và có lẽ cứ kéo dài tình trạng này, xem ra gói 30.000 tỉ đồng vẫn còn tiếp tục bị lợi dụng và người thu nhập thấp còn lâu mới có nhà!
Lao động