MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội giãn dân ở phố cổ

17-05-2010 - 07:34 AM | Bất động sản

Nơi tái định cư sẽ có trung tâm thương mại, người dân được thuê một phần diện tích sàn để kinh doanh.

“Trong việc giãn dân ở phố cổ, người đi sẽ có điều kiện sống tốt hơn, mà người ở lại cũng được cải thiện về chỗ ở, làm giảm mật độ dân số đang quá đông tại đây”. Ông Trương Khánh Hưng, Trưởng Văn phòng tư vấn số 8, Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng CDCC (đơn vị tư vấn lập đề án giãn dân phố cổ của TP Hà Nội), cho biết.

Chỉ được ở trên giường

Đúng như nhận xét của ông Hưng, hầu hết nhà trong khu phố cổ của Hà Nội đều nhỏ hẹp nhưng nhiều căn có đến 3-4 gia đình với nhiều thế hệ cùng sinh sống. Điều kiện sinh hoạt của người dân còn kém, nhiều gia đình phải ở dưới gầm cầu thang hay hành lang. Phần nhiều các khu ở đều tối tăm, ẩm thấp, mất vệ sinh, thiếu khí trời…

Do điều kiện sống cực khổ như vậy nên nhiều hộ dân nhanh chóng đồng ý chuyển chỗ ở đến nơi khác theo định hướng của TP. “Có trường hợp hai bà cháu đang ở trong trụ sở của một phường, nơi ở chỉ là một chiếc giường rộng 70 cm, chỗ để ấm nước cũng không có. Bà cụ bảo: Tôi mong được đến nơi ở mới. Ở đó chỉ cần mỗi ngày kiếm được 20.000 đồng cho hai bà cháu, tôi cũng đi” - ông Hưng kể về một hoàn cảnh đã gặp khi đi lấy ý kiến người dân trong khu phố cổ.

Giãn dân phố cổ là vấn đề mang tính xã hội cao và rất phức tạp, sự thành công phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đồng thuận của các hộ dân. “Chính vì vậy, trước khi thực hiện chúng tôi phải thăm dò, khảo sát kỹ nguyện vọng của người dân nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất” - ông Hưng nhấn mạnh.

Được tạo điều kiện kinh doanh

Theo dự thảo đề án giãn dân phố cổ, TP sẽ chuyển khoảng 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực phố cổ, phố cũ thuộc quận Hoàn Kiếm nhằm giảm mật độ dân số tại đây. Một số hộ dân đang sống trong khuôn viên các công trình công cộng như di tích, trường học, công sở cũng tự nguyện di dời.

Trong phương án di dời, những nhà đông người sẽ được tách hộ, một phần chuyển đến khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên), những người ở lại sẽ có diện tích ở rộng hơn. Tại khu đô thị mới Việt Hưng (diện tích hơn 11 ha), người dân được bố trí căn hộ chung cư có diện tích từ 60, 80 đến 100 m2. Ngoài việc được bồi thường, hỗ trợ khi bị thu hồi đất, người dân còn được mua căn hộ với giá ưu đãi. Nếu chưa đủ tiền, họ có thể được mua trả góp hoặc thuê căn hộ.

Dự thảo cũng đề cập đến vấn đề đảm bảo cuộc sống cho người dân tại nơi ở mới. Do người dân phố cổ chủ yếu sống bằng buôn bán nhỏ và kinh doanh dịch vụ nên có gần 40% số hộ di dời có nhu cầu được bố trí chỗ kinh doanh tại nơi ở mới. “Vì vậy, nơi người dân đến ở sẽ có trung tâm thương mại, một phần diện tích tầng một được dành để người dân phố cổ kinh doanh. Mặt khác, người dân còn được vay vốn với lãi suất thấp để chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc chuyển đổi vị trí kinh doanh nhằm ổn định đời sống” - ông Hưng cho biết.

Cạnh đó, giải pháp nhằm hạn chế việc tăng trở lại dân số phố cổ cũng rất được quan tâm. “Với phần diện tích trống do các hộ đã chuyển đi, TP cần khuyến khích các hộ dân gần đó mua lại để cải thiện chỗ ở hoặc làm nơi kinh doanh. Cùng đó, cần phải sớm đưa ra quy định khống chế diện tích ở” - ông Hưng nêu biện pháp cụ thể. Theo nhiều chuyên gia, nếu bán cho người ở ngoài vào thì sẽ làm tăng dân số trở lại, như vậy việc di dân không còn tác dụng.

Hiện nay, đề án giãn dân phố cổ đã được trình lên UBND TP Hà Nội. UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã đề nghị UBND TP Hà Nội sớm phê duyệt đề án này.

Theo H.Vân
Pháp luật TP.HCM

thanhhuong

Trở lên trên